Hơn 4 thập kỷ đã trôi qua, nhưng dư âm từ trận đánh chiều 28-4 lịch sử thì dường như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người trong cuộc. Nhắc đến sự kiện này, Đại tá Nguyễn Văn Lục - một trong 6 thành viên của Phi đội Quyết thắng năm xưa tự hào bộc bạch: “Đó thật sự là một khoảnh khắc đặc biệt khó quên. Càng tự hào hơn, bởi trận đánh đã được ghi dấu ấn trong lịch sử hào hùng của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Ông kể, ngày ấy ông đang là Phi đội trưởng Phi đội 4 (Trung đoàn 923, Sư đoàn 371). Sáng 22-4-1975, Phi đội 4 của ông được lệnh cơ động vào phía Nam làm nhiệm vụ đặc biệt. Khoảng giữa chiều 22-4, cả đoàn đã hạ cánh an toàn trên Sân bay Đà Nẵng. Tại đây, phi đội nhận được lệnh ngay lập tức bước vào huấn luyện chuyển loại trên máy bay A-37 vừa thu được của địch.
|
Phi đội Quyết thắng trước trận đánh bom Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu |
Với sự giúp đỡ tận tình của hai phi công hàng binh là Trần Văn On, Trần Văn Xanh đã được ta giáo dục, cải tạo và một số thợ máy, ông và đồng đội vừa học lý thuyết, vừa tìm hiểu tính năng, tác dụng cùng các trang thiết bị của máy bay A-37. Nhưng, khổ một nỗi, toàn bộ các thiết bị trên máy bay A-37 đều được viết bằng tiếng Anh. Anh em đã nảy ra sáng kiến, nhờ các bạn hàng binh dịch ra tiếng Việt, rồi dán đè lên phần chữ tiếng Anh. Một khó khăn khác lại nảy sinh: Phần lớn thiết bị như vị trí phanh, vị trí các công tắc của A-37 được bố trí khác hẳn so với máy bay MiG quen thuộc. Thế là họ phải xoay trần ra mà học. Ngay cả khi đi ngủ cũng phải lẩm nhẩm ôn luyện. Nỗ lực học và rèn, chỉ sau 2,5 ngày, họ đã hoàn thành khóa chuyển loại mà lẽ ra thông thường phải mất đến… 3 tháng.
12 giờ 45 phút ngày 27-4, toàn phi đội được lệnh chuyển trường từ Sân bay Đà Nẵng vào Sân bay Phù Cát. Tại đây, “Phi đội Quyết Thắng” đã được thành lập gồm các phi công: Nguyễn Văn Lục (Chỉ huy Phi đội), Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On. Trong buổi sinh hoạt chi bộ ngay tối 27-4, toàn Phi đội đã thống nhất phương án bố trí lực lượng tham gia đội hình chiến đấu với quyết tâm rất cao. Theo đó, phi công Nguyễn Thành Trung (vốn thông thuộc địa hình) bay số 1; Từ Đễ bay số 2; Nguyễn Văn Lục bay số 3; Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On bay số 4 và Hán Văn Quảng bay số 5. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 28-4, phi đội nhận lệnh cơ động máy bay A-37 vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Tại đây, cả đội được giao nhiệm vụ đánh thẳng vào sào huyệt của địch là Sân bay Tân Sơn Nhất nhằm cắt đứt cầu hàng không của chúng.
Để bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ đối với địch, đồng thời tránh được hỏa lực phòng không của ta, toàn Phi đội không sử dụng hệ thống thông tin liên lạc. Họ bay theo cự ly đã định, bảo đảm canh gác, cảnh giới, có công kích, có yểm hộ. 16 giờ 15 phút ngày 28-4-1975, 5 chiếc A-37 được lệnh cất cánh bay đi làm nhiệm vụ. Đến khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, các phi công lần lượt bổ nhào cắt bom chính xác xuống mục tiêu, khiến bọn địch kinh hoàng không kịp phản ứng. 5 chiếc A-37 hoàn thành nhiệm vụ lần lượt trở về, hạ cánh an toàn xuống Sân bay Thành Sơn lúc 18 giờ 5 phút. Đón họ là gương mặt bừng sáng hân hoan của Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri. Ông đã ra tận đường băng ôm hôn từng đồng chí phi công trong tiếng hoan hô reo mừng chiến thắng vang dội.
Với Đại tá Nguyễn Văn Lục, cả cuộc đời ngang dọc trên không, trận đánh chiều 28-4 mãi mãi là một ký ức đẹp. Trong trận tập kích bất ngờ ấy, Phi đội Quyết thắng của ông được ví như “mũi tiến công thứ 6” đầy uy lực. Mũi tiến công này đã vinh dự góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho 5 cánh quân của ta tiến vào giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Theo Thanh Bình/Báo Phòng khong Không quân