Theo trang tin quân sự Air Recognition cho biết, kể từ khi xuất hiện công nghệ in 3D đã tạo ra những bước tiến quan trọng trong việc chế tạo và sản xuất một số loại vũ khí trên thế giới
Tuy nhiên, để các ứng dụng trên đi vào thực tế thì có lẽ công ty công nghệ Patria của Phần Lan mới là người thành công nhất. Khi hôm 18/1 vừa qua, một chiếc tiêm kích F/A-18 Hornet của Không quân Phần Lan đã bay thử thành công với các linh kiện được chế tạo bởi công nghệ in 3D do Patria sản xuất.
|
Một tiêm kích F/A-18 của Phần Lan. Ảnh: The Aviationist. |
Được biết, Công ty Patria đã dành 2 năm để phát triển các linh kiện thay thế cho máy bay bằng công nghệ in 3D. Các linh kiện được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn dành cho máy bay. Các linh kiện được chế tạo bằng siêu hợp kim Inconel 625 đáp ứng yêu cầu hoạt động trong môi trường khắc nghiệt.
Ville Ahonen - Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh của Patria nói: “Công việc phát triển được thực hiện trong 2 năm qua với mục đích khám phá khả năng chế tạo các bộ phận bằng công nghệ in 3D, từ bản vẽ đến sản xuất thực tế. Công nghệ in 3D giúp tạo ra các linh kiện nhanh hơn cho khách hàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương pháp sản xuất mới nhằm làm cho công nghệ này trở nên tối ưu hơn”.
Mời độc giả xem video: F/A-18 của Không quân Phần Lan với gói nâng cấp MLU-2. (Nguồn Bộ Quốc phòng Phần Lan)
Bên cạnh sản xuất linh kiện bằng công nghệ in 3D, Patria cũng chịu trách nhiệm thực hiện quá trình nâng cấp MLU-2 cho 62 chiếc F/A-18 của Không quân Phần Lan trong giai đoạn 2012-2016. Gói nâng cấp này tập trung cải thiện phần cứng và hệ thống liên quan để nâng cao năng lực tấn công mặt đất.
Bộ Quốc phòng Phần Lan đang lên kế hoạch thực hiện chương trình Máy bay chiến đấu HX, nhằm thay thế cho phi đội F/A-18 Hornet trong thời gian tới. Việc chiếc F/A-18 đầu tiên sản xuất bằng công nghệ in 3D cất cánh mở ra cơ hội cho Patria trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu mới dựa trên công nghệ tiên tiến này.
Quốc Minh