Tổ hợp tác chiến điện tử Himalaya được phát triển bởi Công ty Kret, một công ty cổ phần lớn nhất trong ngành vô tuyến điện tử Nga, mới chỉ được thành lập từ năm 2009, thành viên của Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec của Nga.
Các lĩnh vực hoạt động chính của Kret gồm: Phát triển và sản xuất các hệ thống và tổ hợp thiết bị điện tử tích hợp hoặc mở rộng dành cho máy bay dân dụng và quân sự, các tổ hợp radar hàng không, các phương tiện nhận dạng điện tử, các tổ hợp tác chiến điện tử, máy móc đo lường điện tử các loại...
Theo đại diện của Kret, tổ hợp tác chiến điện tử Himalaya là một trong các thành tố chính của Sukhoi Su-57 - dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên của Nga, có kích thước nhỏ hơn các thế hệ trước đó được trang bị trên Su-27 hay Su-30.
Theo đó, trên một chiếc Su-57 sẽ được trang bị tới 6 radar, ăng ten tích hợp được phân bố chạy dọc thân máy bay. Còn bên phải phía trước buồng lái là cảm biến của hệ thống quang - điện tử phát hiện mục tiêu, ngay phía sau buồng lái là một cảm biến hồng ngoại khác, cho phép phi công quan sát phía sau.
|
Mô phỏng khả năng tác chiến của Su-57. Ảnh: Business Insider |
Ưu điểm của tổ hợp Himalaya
Nhờ tích hợp tổ hợp Himalaya, các tiêm kích Sukhoi Su-57 được tăng cường khả năng bảo vệ trước các biện pháp gây nhiễu cũng như tăng khả năng sống sót trước biện pháp áp chế điện tử của đối phương. Ngoài ra, nó cũng giúp tăng khả năng tàng hình cho máy bay và làm giảm hiệu quả tàng hình đối với các máy bay của đối phương.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, sự khác biệt lớn nhất giữa Khibiny (tổ hợp tác chiến điện tử trên Su-35) với Himalaya ở chỗ Khibiny được thiết kế dưới dạng contenơ treo hai bên cánh, chiếm chỗ một điểm treo nhất định, trong khi đó Himalaya được tích hợp hoàn toàn vào máy bay và được chế tạo dưới dạng các bộ phận riêng lẻ của vỏ máy bay. Vì vậy, không ảnh hưởng đến khả năng mang vác vũ khí của máy bay được trang bị.
|
Một thành phần radar của hệ thống Himalaya. Ảnh: Wikipedia |
Đặc điểm thiết kế
Điểm đặc biệt của tổ hợp Himalaya là chúng được các kỹ sư Nga nghiên cứu và sản xuất theo nguyên tác “vỏ thông minh” và cho phép thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: trinh sát, tác chiến điện tử, định vị... Thế mạnh của hệ thống Himalaya là có khả năng hoạt động theo tín hiệu radar chủ động hoặc thụ động và hệ thống quang học đã được tích hợp vào máy bay. Hệ thống này tạo ra một lớp vỏ bọc thông minh, giúp bảo vệ máy bay trước các hoạt động tác chiến điện tử của đối phương.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nguyên lý tác chiến của tổ hợp tác chiến điện tử Himalaya cũng tương tự như tổ hợp tác chiến điện tử Khibiny, tức là sau khi phi hành đoàn nhận được cảnh báo tấn công tên lửa, Himalaya sẽ được kích hoạt và che chắn máy bay với sự bảo vệ điện tử nhằm ngăn chặn tên lửa với tới mục tiêu và làm cho nó đi chệch hướng. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vật liệu composite trên Su-57 còn giúp tiêm kích này nâng cao năng lực hấp thụ, giảm sự phản xạ sóng radar từ đó càng nâng cao năng lực tàng hình trước các hệ thống trinh sát, phát hiện của đối phương khi tác chiến.
|
Sơ đồ bố trí các thành phần của hệ thống Himalaya. Ảnh: full_afterburner |
Máy bay chiến đấu Su-57 được thiết kế thuộc phân loại thế hệ 5 như các dòng máy bay F-22 và F-35 của Mỹ. Dòng chiến đấu cơ này có thể bay với vận tốc tối đa tới 2.600km/giờ, tầm hoạt động đạt 4.300km và trần bay cao là 20km. Su-57 có thể mang theo 10 tấn vũ khí, gồm: Một pháo hàng không GSh-30-1 30mm và các loại bom, tên lửa có điều khiển treo trên 8 mấu được giấu trong thân và 10 mấu cứng ở trên thân và cánh máy bay.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, với việc trang bị hệ thống Himalaya, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Không quân Nga sẽ tăng khả năng sống sót từ 30 - 35 lần trước những đợt tấn công của đối phương.
Lam Ngọc