Căng thẳng leo thang với Washington thúc đẩy Bắc Kinh tăng tốc các kế hoạch đóng mới hàng loạt tàu chiến. Mục tiêu của Bắc Kinh là có ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân bay trong vòng 10 năm tới, theo South China Morning Post.
Tuy nhiên, các chuyên gia và giới quan sát có chung nhận định Trung Quốc còn chặng đường dài phía trước để hiện thực hóa tham vọng hải quân của mình.
Mở rộng hạm đội
Các dấu hiệu về nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạm đội tàu chiến xuất hiện rõ nét vào cuối năm 2019, khi không ảnh chụp xưởng đóng tàu Thượng Hải lan truyền trên mạng xã hội.
Hình ảnh cho thấy 12 tàu chiến đang được xây dựng cùng lúc tại cơ sở này, bao gồm tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc, 9 tàu khu trục tiên tiến, một tàu đổ bộ tấn công, và một tàu giám sát tên lửa.
Nguồn tin từ Hải quân Trung Quốc đề nghị giấu tên cho biết, kể từ năm 2015, họ đã mua lượng lớn thép đặc biệt để đóng tàu chiến và tàu thương mại.
|
Lễ ra mắt tàu đổ bộ tấn công lớp Type 075 của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Trong bối cảnh ngành công nghiệp đóng tàu toàn cầu suy giảm, các công ty đóng tàu nhận được ít đơn đặt hàng hơn, sản lượng thép do Trung Quốc sản xuất trở nên dư thừa. Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã sử dụng nguồn thép dư thừa này để phục vụ đóng mới tàu chiến.
Hoạt động đóng tàu tại Thượng Hải là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc với tham vọng sở hữu ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2035, hiện thực hóa tham vọng hải quân toàn cầu của Bắc Kinh, cũng như bảo vệ cái mà Trung Quốc coi là "những lợi ích ngày càng gia tăng trên biển".
Trước mắt, tàu đổ bộ tấn công lớp Type 075 của Trung Quốc sẽ lần đầu thực hiện hoạt động trên biển trong tháng 8, trước khi đưa vào biên chế của hải quân.
Trong 15 năm qua, hạm đội tàu chiến của Trung Quốc đã có sự phát triển đáng ngạc nhiên.
Từ 216 tàu chiến vào năm 2005, Trung Quốc đã mở rộng hạm đội, tăng tổng số tàu chiến lên 335 tính tới tháng 10/2019, theo một báo cáo được công bố tại Quốc hội Mỹ. Ngô Thắng Lợi, chỉ huy lực lượng Hải quân Trung Quốc giai đoạn 2006-2017, là đạo diễn cho chương trình mở rộng này.
Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng năng lực hải quân, tổng số tàu chiến của nước này có thể lên tới 400 chiếc, bao gồm tàu mặt nước và tàu ngầm, vào năm 2030.
Nếu kế hoạch này trở thành hiện thực, hạm đội của Trung Quốc sẽ lớn hơn Mỹ về số lượng, khi Hải quân Mỹ dự kiến sẽ chỉ duy trì 355 tàu chiến vào năm 2030. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục vượt trội Trung Quốc khi sở hữu 11 nhóm tác chiến tàu sân bay vào thời điểm hiện tại.
Thách thức về đào tạo và vận hành
Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí quốc phòng Kanwa Defence Review, cho biết ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc phát triển mạnh hơn nhiều so với Mỹ. Mặc dù vậy, quân đội Trung Quốc cần kiểm soát chặt chất lượng tàu chiến khi đẩy nhanh tiến độ đóng tàu.
Thách thức lớn nhất về mặt quân sự là cần đào tạo thủy thủ đoàn, cũng như phát triển hệ thống chỉ huy hiệu quả, nhằm điều phối các hoạt động mặt nước đa dạng và phức tạp.
"Đóng một tàu sân bay chỉ mất vài năm, nhưng sẽ cần hơn 10 năm để đào tạo và kết nối các thủy thủ làm việc cùng nhau để vận hành con tàu", ông Chang nói.
Trung Quốc bắt đầu chương trình đào tạo thủy thủ đoàn của tàu sân bay từ cuối thập niên 1980, khi Đô đốc Hải quân Lưu Hoa Thanh đề xuất kế hoạch phát triển tàu sân bay. Tuy nhiên, trước khi tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào biên chế năm 2012, công tác đào tạo diễn ra chậm chạp do thiếu kinh nghiệm thực tế.
Liêu Ninh, tàu sân bay cũ sản xuất dưới thời Liên Xô do Trung Quốc mua lại từ Ukraine, hiện là phương tiện đào tạo duy nhất cho các thủy thủ đoàn tàu sân bay tương lai của Trung Quốc.
Li Jie, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, cho biết thủy thủ đoàn tàu Liêu Ninh đang luân phiên huấn luyện cho thủy thủ đoàn tàu Sơn Đông, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo.
|
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Quân đội Trung Quốc. |
"Có 3 hoặc 4 người đang cùng làm việc tại một vị trí trên tàu Liêu Ninh, bởi học cách vận hành tàu sân bay và điều phối hoạt động với các tàu khác vẫn là điều mới mẻ đối với quân đội Trung Quốc", ông Li nói.
Trở ngại khác mà Trung Quốc đối mặt là đào tạo phi công. Quân đội Trung Quốc hiện vẫn vật lộn để đào tạo những phi công trẻ đủ khả năng cất cánh từ các đường băng theo đường lượn dốc trên tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.
Quá trình huấn luyện để cất và hạ cánh trên boong tàu dài chưa tới 300m đòi hỏi thời gian. Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu tự đào tạo phi công từ năm 2017, thay vì tuyển mộ từ Không quân.
Hơn nữa, tàu sân bay Type 002 đang được Trung Quốc xây dựng dự kiến được trang bị hệ thống phóng điện từ tiên tiến - đây là lĩnh vực cũng đòi hỏi đào tạo kỹ lưỡng.
Công tác đào tạo đóng vai trò tối quan trọng, không chỉ về góc độ vận hành, mà còn về phương diện chỉ huy, khi đa phần chỉ huy các tàu sân bay trên thế giới đều là cựu phi công.
Zhou Chenming, chuyên gia từ Viện Khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang của Trung Quốc, cho biết nước này sẽ cần nhiều thời gian để học hỏi và đào tạo thành viên thủy thủ đoàn vận hành các khí tài liên quan tới hoạt động của tàu sân bay.
"Hải quân chỉ có 300.000 binh sĩ, bao gồm hàng nghìn tân binh được tái bố trí từ các lực lượng mặt đất, những người này cần được đào tạo lại để có thể trở thành lính thủy đánh bộ hoặc thủy thủ. Còn chặng đường dài phía trước để Hải quân học cách vận hành trơn tru các tàu chiến trong những năm tới", ông Zhou nói.
Đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, kéo theo những lệnh phong tỏa quy mô lớn và hạn chế giao thông, đã ảnh hưởng tới kế hoạch tuyển quân và huấn luyện của quân đội Trung Quốc, trong đó có Hải quân.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tất cả thành viên thủy thủ đoàn sẽ phải cách ly 2 tuần, và thêm 1 tuần giám sát trên tàu, trước khi tham gia các hoạt động chính thức. Những binh sĩ trở về sau các nhiệm vụ tuần tra và diễn tập cũng phải cách ly 2 tuần.
"Đó là lý do hạm đội của Trung Quốc tới nay chưa có ca nhiễm bệnh trên các tàu. Nhưng những biện pháp này cũng khiến số tân binh tuyển mộ ít hơn, buộc các chỉ huy phải triệu tập lại các cựu binh", nguồn tin từ Hải quân Trung Quốc cho biết.
Theo Duy Anh/Zing