Nhận thức rõ tầm quan trọng của máy bay cảnh báo sớm cánh cố định trên tàu sân bay nhằm nâng cao hiệu quả thu thập thông tin và tin tức tình báo cho lực lượng không quân trong điều kiện tác chiến không - hải hiện đại. Qua nhiều năm nghiên cứu, hiện nay Quân đội Nga đang xem xét lại phương án máy bay cảnh báo sớm Yak-44 thời Liên Xô.
Hiện nay, Hải quân Nga chỉ có duy nhất tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, tuy nhiên do tàu sân bay này không thể triển khai hoạt động máy bay cảnh báo sớm cánh cố định nên năng lực cảnh báo sớm trên hạm của Nga kém xa so với Mỹ.
|
Máy bay cảnh báo sớm trên hạm Yak-44. Ảnh: Moddb.com |
Máy bay cảnh báo sớm cánh cố định Yak-44 vốn được triển khai nghiên cứu từ năm 1991 nhưng do Liên Xô bị sụp đổ và nguyên nhân kinh phí nên dự án này bị dừng lại. Tuy nhiên, theo Business Insider, gần đây Hải quân Nga đã lên kế hoạch đóng siêu tàu sân bay có thể mang theo 100 máy bay các loại. Do đó, giới phân tích quân sự cho rằng, đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy Nga sẽ hồi sinh dự án máy bay cảnh báo sớm trên hạm Yak-44.
Máy bay cảnh báo sớm Yak-44 được phát triển bởi phòng thiết kế Yakovlev, nó có thiết kế khí động học và tính năng tương tự như E-2C Hawkeye của Mỹ.
Máy bay sử dụng 2 động cơ cánh quạt D-27 với 2 tầng cánh quay ngược chiều nhau để tăng lực đẩy. Động cơ D-27 có công suất 13.880 mã lực/chiếc, trang bị hệ thống điều khiển hiện đại giúp tiết kiệm nhiên liệu với mức độ tiêu hao nhiên liệu khoảng 0,17 kg/mã lực.
Theo thiết kế, radar của Yak-44 có khả năng kiểm soát đồng thời 150 mục tiêu, chiều cao khu vực phủ sóng từ 5 - 30.000m, tốc độ tối đa của mục tiêu 3.500km/h. Yak-44 được điều khiển bởi phi hành đoàn 5 người, máy bay đạt tốc độ tối đa 740km/h, tốc độ hành trình 700km/h, tầm hoạt động 4.000 km.
Yak-44 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 250km, phát hiện tên lửa hành trình chống hạm AGM-84 Harpoon từ khoảng cách 165km, phát hiện tên lửa hành trình AGM-86 ở khoảng cách 220km.
Lam Ngọc