Bột ngứa
Để giảm sĩ khí của quân Đức, bộ phận thực hiện các chiến dịch đặc biệt của quân đội Anh quyết định bắt chước một trò đùa khá phổ biến của học sinh. Họ sản xuất một loại bột có khả năng gây ngứa trên da, đây là một trong những vũ khí kỳ quái để chống phát xít Đức. Các điệp viên vận chuyển bột vào những vùng mà Đức chiếm ở châu Âu rồi phát cho những người chống phát xít ở các tiệm giặt là và nhà máy quần áo. Sau đó những người chống phát xít Đức bí mật rắc bột lên quân phục của lính Đức, Guardian đưa tin.
|
Ảnh minh họa: rediff.com |
Đây không phải là một chiến dịch nhỏ. Vào tháng 10/1943, tình báo Anh xác nhận rằng 25.000 bộ quân phục của thủy thủ tàu ngầm Đức đã nhiễm bột ngứa. Ít nhất một tàu ngầm U-boat phải quay về căn cứ vì toàn bộ thủy thủ ngứa và sĩ quan chỉ huy tin rằng họ mắc bệnh viêm da.
Các điệp viên của Anh tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển tiếp tục thể hiện sự sáng tạo ở mức cao hơn với bột ngứa. Họ thu thập các phong bì thư của Đức từ những người Thụy Điển có thân nhân sống trong các vùng địch chiếm, đổ bột ngứa vào rồi gửi thư vào hệ thống bưu điện Đức Quốc xã. Tuy nhiên, chương trình đạt cao trào tại Na Uy, nơi lực lượng kháng chiến đổ bột vào những bao cao su dành cho lính Đức. Phần lớn bao cao su chứa bột được vận chuyển tới vùng Trondheim, nơi hàng nghìn lính Đức phải tới bệnh viện vì hiện tượng ngứa dữ dội ở bộ phận nhạy cảm.
Bom thối
Quân đội Anh cũng chi những khoản tiền khá lớn để chế tạo một loại bom thối mang tên “S-capsule”. Mùi thối của bom có thể tồn tại trên quần, áo sau khi lính Đức giặt nhiều lần. Do hồi ấy Đức thiếu quân phục mùa đông nên nhiều lính Đức chỉ có hai lựa chọn: cởi quân phục có mùi thối để chịu rét hoặc tiếp tục mặc, Spiegel cho biết.
|
Ảnh minh họa: pixgood.com. |
Ngoài ra, lực lượng tình báo Mỹ còn thành lập chương trình mang tên “Who Me?”. Trọng tâm của chương trình là hoạt động sản xuất một loại chai xịt chứa dung dịch có mùi thối như phân. Giới chức tình báo Mỹ muốn những điệp viên hay người dân trong những vùng mà Đức chiếm xịt dung dịch thối vào binh sĩ phát xít để họ cảm thấy xấu hổ khi đứng gần người khác. Thật không may, mùi của dung dịch mạnh tới mức ngay cả người xịt cũng cảm thấy xấu hổ. Vì thế nhiều du kích trong các vùng Đức chiếm không dùng chai xịt của Mỹ.
Thuốc xổ
Trong Thế chiến thứ hai, phát xít Đức chiếm Na Uy và thành lập một chính quyền bù nhìn. Quân Đức tuyên bố rằng chúng sẽ tịch thu toàn bộ cá sardine. Quyết định ấy khiến người dân Na Uy nổi giận, bởi cá sardine là mặt hàng quan trọng đối với nền kinh tế của họ.
May mắn thay, lực lượng kháng chiến có một nội gián trong cơ quan đầu não của Đức Quốc xã tại Na Uy. Người này tiết lộ rằng cá sardine sẽ trở thành thực phẩm của lính Đức và những con cá ngon nhất sẽ được đóng hộp để cung cấp cho thủy thủ trên các tàu ngầm U-boat, Examiner cho hay. Sau khi biết kế hoạch đó, những người chỉ huy lực lượng kháng chiến nghĩ ra một kế hoạch vô cùng táo bạo và sáng tạo.
|
Lính Đức trong Thế chiến thứ hai. Ảnh: history.com. |
Trước tiên lực lượng kháng chiến gửi một thông điệp khẩn tới những đầu mối của họ trong giới tình báo Anh để yêu cầu London cung cấp loại thuốc nhuận tràng có khả năng tan trong dầu thực vật mà con người không thể phát hiện.
Chính phủ Anh gửi sang Na Uy một lượng lớn dầu từ cây thầu dầu – loại nguyên liệu mà người ta có thể dùng để làm thuốc xổ. Người Na Uy bí mật tuồn dầu vào các nhà máy đóng hộp để công nhân cho nó vào các hộp cá sardine. Sau đó các phương tiện vận tải đưa những hộp cá tới tất cả căn cứ tàu ngầm U-boat ở châu Âu.
Tiêu chảy không phải là vấn đề ghê gớm trên đất liền, nhưng trong không gian chật hẹp của tàu ngầm, nó trở thành tai họa lớn khi mọi thủy thủ đều mắc bệnh.
Quá ấn tượng với thành công của du kích Na Uy, giới tình báo Anh đã phát động chiến dịch chống phát xít Đức bằng thuốc xổ. Họ chế ra một chất mang tên Carbachol. Các tài liệu chính thức khẳng định một gram Carbachol có thể khiến 200 người mắc chứng tiêu chảy.
Ban đầu máy bay Anh ném thuốc xổ xuống các doanh trại của Đức. Khi nhặt lọ thuốc, lính Đức thấy tờ giấy với nội dung hướng dẫn họ uống thuốc để mắc bệnh tiêu chảy - lý do có thể giúp họ an dưỡng trong bệnh viện chứ không phải ra chiến trường. Ngoài ra các điệp viên còn tìm cách nhét thuốc vào các chuyến hàng của quân Đức. Tiếc thay, chiến tranh kết thúc trước khi ý tưởng của người Anh trở thành hiện thực.
Theo Zing