Kể từ khi thuốc súng ra đời, các loại lựu đạn đã đồng hành với người lính trên chiến trường dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ thiên niên kỷ thứ nhất, người Trung Hoa đã sử dụng các loại lựu đạn cầm tay thô sơ làm từ đất sét hay giấy và từ thời Trung Đại đã có các loại lựu đạn hình cầu làm từ gang có sức nổ tương đối và văng mảnh sát thương rất cao. Trong khoảng từ thế kỷ 16 tới 19, lựu đạn đã được chế tạo dưới nhiều hình thức khác nhau, thậm chí có cả loại lựu đạn ngòi nổ va đập hay thậm chí là có cánh để ổn định đường bay.
Giai đoạn từ thế kỷ 18, lựu đạn trở thành một thứ vũ khí thứ cấp về mặt chiến thuật, hữu dụng trong cả phòng thủ lẫn tấn công. Tuy nhiên phải mãi tới Chiến tranh Thế giới thứ nhất, lựu đạn mới trở thành một phần cốt yếu trong quân trang của người lính, quan trọng như súng và đạn vậy.
Khởi đầu thô sơ
Lựu đạn về cơ bản là một loại pháo cá nhân, ném bằng tay (thủ pháo) của bộ binh. Dù bị giới hạn bởi sức ném của người sử dụng, tầm ném tối đa của các loại lựu đạn hạng nhẹ cũng vào khoảng 46 mét, kèm theo đó là khả năng "lùa" bộ binh đối phương ra khỏi nơi ẩn nấp an toàn. Thứ vũ khí này rất lý tưởng để quét đối phương trong không gian hẹp như trong hầm hay các căn phòng.
|
Lính Đức sử dụng lựu đạn "chày" trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Nguồn ảnh: Sparta.
|
Khi mặt trận phía Tây chuyển sang thế trận giằng co vào cuối năm 1914, các khoảng không gian hẹp như vậy xuất hiện ở khắp mọi nơi. Lựu đạn bỗng nhiên trở thành một thứ vũ khí lý tưởng để tấn công boong-ke, chiến hào - một bài học được rút ra từ chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905. Tuy nhiên chủng loại và số lượng lựu đạn mà các phe sử dụng trong những năm đầu cuộc chiến là rất khác nhau.
Người Đức được chuẩn bị kỹ càng nhất, họ có khoảng 70.000 trái lựu đạn cầm tay và 106.000 trái lựu đạn phóng bằng súng và chúng được dự trữ sẵn trong kho trước khi chiến tranh bắt đầu. Các lực lượng Pháp và Nga cũng có số lượng tương đương nhưng riêng quân Anh lại chỉ có một số lượng rất ít loại lựu đạn Mk I. Loại lựu đạn của quân Anh hiện đại hơn cả với khả năng kích nổ bằng va chạm thay vì cháy chậm như các loại tương tự. Mặc dù hiện đại là thế, lựu đạn Mk I của Anh lại thiếu tin cậy, nó có thể phát nổ ngay lập tức nếu người lính nhỡ tay làm rơi sau khi rút chốt.
Tất cả các phe đều sản xuất ra các loại lựu đạn tự chế, để thỏa mãn nhu cầu không giới hạn của chiến tranh chiến hào. Cả chất lượng lẫn tính sáng tạo của các loại lựu đạn này đều rất khác biệt. Ví dụ, lựu đạn thông dụng của người Anh chỉ bao gồm một hộp thiếc nhồi đầy thuốc nổ nitrôxenlulô và các mảnh vỡ, gắn với một ngòi nổ ma sát. Các phiên bản tương tự của Đức và Pháp thường có cán gỗ dài, giúp người lính ném được xa hơn nhiều so với lựu đạn tròn dù chúng cồng kềnh hơn hẳn.
|
Lính lựu đạn. Nguồn ảnh: World.
|
Vũ khí trang bị tiêu chuẩn
Năm 1915, các mẫu lựu đạn cầm tay chính thức bắt đầu được sử dụng. Những mẫu này sẽ thiết lập xu thế căn bản trong thiết kế và sử dụng lựu đạn cho tới tận ngày nay. Quả lựu đạn có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất chính là loại mang tên "Mills" 5 của Anh do William Mills từ Sunderland thiết kế. Lựu đạn này có hình quả dứa, được làm từ gang, bề ngoài có rãnh để tạo hiệu quả văng mảnh tốt khi phát nổ.
Để sử dụng, người ném sẽ kéo một chốt an toàn đang giữ cố định một mỏ vịt kim hỏa ở trạng thái căng lò xo. Người lính thường sẽ nắm mỏ vịt tới khi anh ta ném quả lựu đạn đi, khi đó mỏ vịt sẽ văng ra và kích hoạt ngòi nổ chậm trong bốn giây. Cũng có trường hợp người lính cố tình thả mỏ vịt ra trước khi ném để quả lựu đạn nổ ngay trên không, gây sát thương rộng hơn.
|
Tới Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đức vẫn dùng lựu đạn chày. Nguồn ảnh: New.
|
Chỉ nặng 0,57 kg, lựu đạn Mills có thể cầm vừa vặn trong lòng bàn tay và có thể được ném xa khoảng 14 mét. Do vậy, nó được sử dụng rộng rãi - và đã có hơn 70 triệu quả được chế tạo cho đến khi chiến tranh kết thúc. Năm 1915, Đức cũng đã tự chế tạo loại lựu đạn mang dấu ấn của riêng mình mang tên Stielhandgranate Model 24 với đầu thuốc nổ gắn vào cán gỗ dài. Dây kéo của ngòi nổ ma sát chạy dọc thân cán, nhờ cán mà quả Model 24 có thể ném xa gấp đôi lựu đạn Mills.
Những loại này cùng nhiều loại lựu đạn nổ chậm khác đã trở thành trọng tâm của chiến thuật bộ binh trong Thế chiến thứ nhất và sau này. Ví dụ, người Anh đã tấn công chiến hào bằng những đội ném lựu đạn với 9 người: Hai người sẽ đều đặn ném lựu đạn vào hào và boong-ke, hai người khác có nhiệm vụ xách lựu đạn trong khi những người còn lại sẽ yểm trợ và quét sạch đối phương bằng vũ khí cá nhân khi chúng đang luống cuống bỏ chạy tránh lựu đạn. Trong Thế chiến thứ hai, lựu đạn cũng là thứ vũ khí cốt yếu cho các trận đánh đô thị bởi nó là cách tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất để dọn trống một căn phòng.
|
Lính Mỹ cũng thích sử dụng lựu đạn của Đức vì nó ném được xa hơn, tuy nhiên nhược điểm của loại lựu đạn này là cháy chậm lâu, từ 7 tới 10 giây, đối phương thừa thời gian để nhặt lên ném lại về phía người ném. Nguồn ảnh: Mine.
|
Ngày nay ta vẫn thấy các chiến thuật tương tự được sử dụng ở Afghanistan hay ở các vùng chiến sự khác, điều này chứng tỏ, dù khoa học công nghệ có tiên tiến đến đâu, vũ khí thô sơ vẫn có một chỗ đứng nhất định.
Mời độc giả xem Video: Muôn hình vạn trạng các loại lựu đạn cầm tay trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Nguồn: CriticalPast.
Tuấn Anh