Màn tấn công ngoạn mục của chiến đấu cơ MiG-29 Ukraine
Radar cảnh báo sớm chống mục tiêu tàng hình tầm cực xa và tên lửa phòng không S-400 của quân đội Nga bị chiến đấu cơ MiG-29 của Không quân Ukraine dùng tên lửa bức xạ phá hủy; hiện trường bùng cháy một ngọn lửa dữ dội.
Đây có thể là lần đầu tiên Không quân Ukraine sử dụng tên lửa chống bức xạ AGM-88 HARM do Mỹ viện trợ, để phá hủy radar của hệ thống tên lửa phòng không S-400 của quân đội Nga và radar chống tàng hình tầm xa.
Tờ Skynews của Anh cho biết, sáng sớm 29/8, người dân bán đảo Crimea đăng ảnh lên mạng xã hội, cho rằng, radar cảnh báo sớm chống tàng hình tầm xa và các vị trí tên lửa phòng không S-400 trên bờ biển, thuộc khu vực pháo đài Sevastopol của quân đội Nga, đã bị một cuộc không kích đột ngột và có một vụ nổ dữ dội, có thể nhìn thấy rõ ràng tại hiện trường với khói lửa bùng lên.
Vị trí trận địa tên lửa phòng không này được quân đội Nga bố trí bảo vệ cho bán đảo Crimea và phòng thủ quân cảng Sevastopol. Nếu đúng là MiG-29 của Ukraine, thực hiện cuộc tấn công phá hủy hệ thống phòng không S-400, thì đây sẽ là một câu hỏi lớn cho năng lực phòng không của Nga.
Theo các thông tin được Viện nghiên cứu Chiến tranh Mỹ công bố, tại căn cứ Sevastopol còn được bố trí một radar cảnh báo sớm tầm xa sóng mét 55Zh6U Nebo-U, để cảnh báo tầm xa. Đây là loại radar có thể phát hiện mục tiêu tàng hình, phạm vi phát hiện lên đến 700 km và có thể kiểm soát toàn bộ vùng trời khu vực Biển Đen.
Ngoài ra, một radar Podlet-K1 tối tân cũng được triển khai tại khu vực đặt tên lửa phòng không S-400 ở khu vực Kherson, đã bị tên lửa chống bức xạ của Ukraine bắn trúng vào tháng trước, ở khoảng cách 100 km, tính từ vị trí đóng quân của quân đội Ukraine.
Radar phòng không Podlet-K1 có thể nói là radar tìm kiếm diện rộng tầm cao tối tân nhất của quân đội Nga, mới được trang bị cho quân đội Nga lần đầu tiên vào năm 2020. Phạm vi phát hiện có thể lên tới 300 km và có thể phát hiện các mục tiêu như tên lửa hành trình bay thấp và UAV loại nhỏ.
Quân đội Nga đã triển khai 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 tiên tiến nhất ở Crimea kể từ cuối năm 2018. Đánh giá từ thực tiễn cuộc chiến Nga-Ukraine, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Nga vẫn chưa thực sự lập được chiến công nào đáng kể.
Hiện các bên vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ tấn công và Bộ Quốc phòng Nga có thể sẽ cho rằng đây là một "tai nạn do con người gây ra".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, các cuộc tấn công thường xuyên gần đây nhằm vào hệ thống phòng không Nga, rất có thể là loại tên lửa chống bức xạ AGM-88 của Ukraine mà Mỹ mơi viện trợ; được phóng đi từ máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Ukraine.
Hiện Không quân Ukraine hiện đang thực hiện một loạt các cuộc tấn công có chọn lọc, nhằm gây thiệt hại cho mạng lưới phòng không của Nga và tấn công vào chiều sâu phía sau của quân đội Nga, trong khoảng trống giữa mạng lưới radar.
Một số nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng tiêm kích MiG-29 của Ukraine, sử dụng tên lửa chống bức xạ AGM-88, tấn công từ độ cao thấp và tập kích vào hệ thống phòng không S-400 và radar cảnh báo sớm chống tàng hình tầm xa tại Sevastopol, dọc theo khoảng trống giữa biên giới của Nga.
Nếu đúng như vậy, chắc chắn Không quân Ukraine không thể không có sự hỗ trợ trực tiếp của NATO về trinh sát, tình báo và công nghệ.
Trong hai tuần qua, tại khu vực bán đảo Crimea đã xảy ra hàng loạt vụ nổ lớn. Phía Nga vẫn giữ bí mật và từ chối tiết lộ thông tin cụ thể ra bên ngoài.
Ví dụ, sau vụ việc ở sân bay Saki, căn cứ không quân lớn nhất ở Crimea, vụ nổ đã khiến ít nhất 12 máy bay chiến đấu của Nga bị hư hại và hơn 100 người thương vong.
Do một loạt đòn tấn công chưa có lời giải, Nga thậm chí cần phải đưa trở lại các tên lửa đất đối không S-300 đã triển khai ở Syria. Theo thông tin từ Tổng công ty vệ tinh thương mại Israel, theo hình ảnh vệ tinh, Nga đang đưa hệ thống tên lửa phòng không S-300 triển khai ở Syria về nước.
Sau khi rút hệ thống tên lửa đất đối không S-300 từ Syria về Nga, nhiều khả năng nó sẽ được sử dụng để tăng cường khả năng phòng không gần eo biển Kerch hoặc trong khu vực Crimea.
Trong thời gian gần đây, các căn cứ quân sự và sân bay ở Crimea liên tục xảy ra các vụ nổ “khó giải thích”, khiến hơn chục máy bay chiến đấu của Nga bị phá hủy.
Ngoài ra còn có một số lượng lớn các vụ nổ và các cuộc tấn công vào các cơ sở quan trọng như kho đạn và cầu ở Crimea. Các căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea cũng bị tấn công bởi UAV.
Do đó, quân đội Nga cần tăng cường đáng kể khả năng phòng không tại bán đảo Crimea và bờ Biển Đen. Bởi trong các cuộc tấn công này, các hệ thống tên lửa đất đối không S-300 và S-400 do quân đội Nga triển khai ở Crimea và bờ Biển Đen đã không đáp trả; thậm chí một số hệ thống radar đã bị phá hủy.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cảm thấy rất bất ngờ vì theo các thông tin, những hệ thống tên lửa phòng không của Nga đều thuộc hàng “rất tiên tiến”, đặc biệt là tên lửa phòng không tầm xa S-300 và S-400 được các phương tiện truyền thông lớn ca ngợi hết lời.
Vậy tại sao hệ thống phòng không Nga lại hoạt động kém như vậy trong cuộc chiến Nga-Ukraine?
Lý do các hệ thống tên lửa phòng không Nga chưa lên tiếng?
Trong nguyên tắc tổ chức phòng không quốc gia, lực lượng không quân đánh chặn là lực lượng tác chiến quyết định và có giá trị nhất; phòng không mặt đất chỉ có thể là lực lượng phụ trợ.
Kinh nghiệm từ xung đột trong những thập kỷ gần đây cho thấy, tất cả các hệ thống phòng không Nga, đảm nhiệm làm lực lượng phòng không chủ lực, đều bị phải chịu thiệt hại ít nhiều và không có ngoại lệ.
Có thể điểm ra thất bại của quân đội Syria ở Thung lũng Bekaa năm 1982, thất bại của hệ thống phòng không của quân đội Iraq năm 1991, Chiến tranh Bosnia và Chiến tranh Kosovo, Chiến tranh Iraq và Chiến tranh Syria, Chiến tranh Châu Á-Afghanistan,... Tại tất cả các mặt trận, hệ thống phòng không của Nga đều không có màn trình diễn quá đáng kể.
Trong các cuộc xung đột này, các hệ thống tên lửa phòng không của Liên Xô/ Nga thoạt đầu rất mạnh, nhưng cuối cùng lại bị sức mạnh không quân đối phương chế áp và không thể đánh trả.
Vì vậy, chiếm được ưu thế trên không là điều quan trọng nhất trong chiến tranh và chiếm được ưu thế trên không phải dựa vào lực lượng không quân công kích - chứ không phải dựa vào tên lửa phòng không.
Trên thực tế, mục đích chính của tên lửa phòng không là không phải là bắn rơi máy bay đối phương, mà tạo thành khu vực trú ẩn cho các mục tiêu quan trọng sau khi triển khai, nhằm “tăng độ khó” cho các cuộc không kích và hoạt động đường không của đối phương.
Đồng thời phòng không mặt đất hạn chế và răn đe khả năng tấn công, khả năng cơ động đường không và làm suy yếu các cấp độ tự do hoạt động của không quân đối phương. Còn nhiệm vụ giành ưu thế trên không, là nhiệm vụ của các loại máy bay chiến đấu của không quân ta.
Mục đích của các hệ thống phòng không kiểu Liên Xô/Nga ban đầu, cũng đều được thiết kế cho các hoạt động phụ trợ mặt đất. Vậy nên, với chỉ riêng hệ thống tên lửa phòng không S-400, việc thống trị bầu trời chiến trường một cách hoàn hảo là điều bất khả thi.
Đối mặt với lực lượng không quân tấn công đủ mạnh của đối phương, bất kỳ tên lửa phòng không đơn lẻ nào cũng sẽ bị nghiền nát.
Do vậy để xây dựng lực lượng phòng không mạnh, mỗi quốc gia cần có chiến lược phát triển lực lượng không quân đánh chặn và hệ thống tấn công đường không, nhấn mạnh vào sự phát triển cân bằng giữa máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không; tránh đặt niềm tin tuyệt đối vào các hệ thống phòng không trên mặt đất.
Tiến Minh (tổng hợp)