Một con cá voi trắng được tìm thấy ngoài khơi bờ biển Na Uy vào tuần trước được cho là thuộc diện huấn luyện của Hải quân Nga. Thế nhưng, nó không phải "chiến binh" có vây duy nhất.
Theo Guardian, Hải quân Mỹ đã huấn luyện cá heo và sư tử biển kể từ cuộc chiến tranh Việt Nam như một phần trong Chương trình động vật có vú trên biển.
Đây là chương trình do Hải quân Mỹ quản lý và phát triển nhằm nghiên cứu huấn luyện các động vật có vú ở biển, chủ yếu là cá heo mũi chai và sư tử biển California thực hiện các nhiệm vụ như bảo vệ tàu, cảng, phát hiện mìn, phục hồi thiết bị.
|
Hải quân Mỹ sở hữu 70 con cá heo mũi chai và 30 con sư tử biển tại căn cứ hải quân ở San Diego, California. Ảnh: Science of the Total Environment. |
Trong khi chưa rõ chính xác cá voi trắng của Nga được huấn luyện để làm gì, thì các động vật của hải quân của Mỹ, cụ thể là khoảng 70 con cá heo mũi chai và 30 con sư tử biển California tại căn cứ hải quân ở San Diego, California đã được sử dụng để tìm kiếm các mục tiêu khác nhau và tuần tra biển.
Việc các quốc gia như Mỹ và Nga huấn luyện động vật biển khá dễ hiểu. Cá heo và sư tử biển rất thông minh và hoàn toàn có thể huấn luyện, đặc biệt các giác quan tự nhiên của chúng có thể đánh bại khả năng của bất kỳ loại máy móc hay thiết bị nào do con người tạo ra.
Hơn nữa, khả năng lặn sâu đáng kinh ngạc và định vị tiếng ồn, cho phép cá heo phát hiện mìn bị chôn vùi dưới nước. Sư tử biển, một đồng đội của cá heo, có thị lực tuyệt vời giúp binh lính tìm kiếm các thiết bị mất tích.
Khoảng 28 triệu USD được dùng để duy trì chương trình này, thoạt nghe có vẻ lãng phí tiền thuế của người dân, song nó hoàn toàn hữu ích.
Theo nguồn tin, cá heo và sư tử biển đã được gửi đi thực hiện các nhiệm vụ nghiêm trọng. Chẳng hạn như chúng được sử dụng để dọn mìn ở Vịnh Ba Tư trong các cuộc chiến vùng Vịnh và cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003.
|
Một con cá heo thuộc Chương trình Động vật có vú trên biển dưới quản lý của Hải quân Mỹ tên là KDog, được gắn thiết bị định vị, đã thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn ở Vịnh Ba Tư trong Chiến tranh Iraq. Ảnh: Wikipedia. |
Ngay cả khi so sánh với những công nghệ tân tiến của quân đội trong vài năm gần đây, khả năng tự nhiên của động vật biển vẫn vượt trội hơn bất kỳ loại robot nào về phát hiện mục tiêu dưới nước.
Năm 2012, Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ loại bỏ chương trình động vật có vú dưới biển và thay thế bằng robot. Hơn 90 triệu USD đã được phân bổ để nghiên cứu và các robot dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2017. Tuy nhiên cho đến nay, kế hoạch này vẫn chưa được hiện thực hóa.
Trang web của Hải quân Mỹ cho biết: "Trong tương lai có thể thực hiện các nhiệm vụ này bằng thiết bị lặn không người lái (UUV), nhưng hiện tại công nghệ không thể so sánh với các loài động vật".
Tuy nhiên, những người bảo vệ động vật cho rằng tính chất của hoạt động này là vô nhân đạo khi giam giữ các loài vật.
Trong một tuyên bố, Hải quân Mỹ xác nhận rằng cá heo và sư tử biển của họ được chăm sóc với "tiêu chuẩn cao nhất".
Chương trình động vật có vú dưới biển cũng là nguồn cơn của nhiều tin đồn. Một số báo cáo vào đầu những năm 1990 cho rằng Hải quân Mỹ đã huấn luyện cá heo chiến đấu và dạy chúng giết chết thợ lặn của kẻ thù.
Tuy nhiên, lực lượng này đã bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định không thể huấn luyện cá heo để chiến đấu.
Theo Hà Lan/Zing.vn