Trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng thuyết phục Ấn Độ mua trang thiết bị quốc phòng của nước này, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy New Delhi sẽ từ bỏ quan hệ hợp tác quốc phòng lâu đời với Nga. Quan hệ Nga-Ấn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Ấn Độ. Giới phân tích khẳng định “quyền tự chủ chiến lược” được coi là một ưu tiên chính của New Delhi và cho rằng kế hoạch của Mỹ nhằm đưa Ấn Độ đi theo đường lối của NATO sẽ thất bại.
|
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin chứng kiến buổi ký kết các thỏa thuận quốc phòng năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Ấn Độ coi Nga là đối tác chiến lược quan trọng
Sau khi miễn trừ Ấn Độ khỏi các lệnh trừng phạt theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA), Mỹ khẳng định rõ rằng nước này muốn New Delhi giảm việc mua các trang thiết bị quốc phòng thiết yếu và các loại vũ khí thông thường do Nga sản xuất. Tuy nhiên, Ấn Độ có vẻ như vẫn quyết tâm hợp tác quốc phòng với Nga. Ở thời điểm hiện tại, Nga đang tham gia gói thầu của Ấn Độ tìm mua 6 tàu ngầm chạy diesel-điện mới Project-75I trang bị cho hải quân. Nước này cũng để mắt đến việc tham gia đấu thầu cung cấp 111 máy bay trực thăng hạng nhẹ đa mục đích (NUH) cho Ấn Độ.
Trước đó, Nga và Ấn Độ đã hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới, trong khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (FGFA) kéo dài 10 năm, lấy nền tảng công nghệ là máy bay Su-57 của Nga. Do dự án FGFA mới đang ở giai đoạn đầu nên mọi sự tiếp cận của Ấn Độ đều phải thông qua các nguyên mẫu T-50 thuộc dự án PAK FA hay Su-57 của Nga.
Được biết, Lực lượng không quân Ấn Độ không thực sự hài lòng với phiên bản đầu tiên của động cơ chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới nêu trên. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm mới nhất đối với động cơ thế hệ mới Saturn “Izdeliye 30”, được cho là tăng cường đáng kể năng lực hoạt động của Su-57, đã chứng minh rằng, các nhà sản xuất của Nga đang nỗ lực chạy đua với thời gian để giúp máy bay được hiện đại hóa và ngang hàng với những máy bay chiến đấu tối tân của nước ngoài.
|
Chiến đấu cơ tàng hình Sukhoi Su-57 của Nga. Ảnh: Sputnik. |
Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-57 thế hệ thứ năm của Nga chính thức được ra mắt tại Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế Army-2018 ở Kubinka, ngoại ô thủ đô Moscow. Theo kế hoạch, lực lượng không quân của Nga sẽ tiếp nhận 15 chiếc Su-57 trong thời gian tới. Các nhà thiết kế vẫn đang tiếp tục phát triển và nâng cấp loại máy bay này. Dự kiến trong tương lai máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ năm sẽ được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI).
Liên quan đến sự hợp tác giữa Nga và Ấn Độ trong dự án chiến đấu cơ FGFA, ông Rajiv Narayanan – một vị tướng về hưu của Ấn Độ cho biết, có một số vấn đề khiến Ấn Độ lo ngại. Trước hết là việc thiếu chia sẻ công nghệ và mật mã an ninh sẽ khiến Ấn Độ phải tiếp tục phụ thuộc vào Nga – điều vốn được coi là đi ngược lại với chiếc lược “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India). Thứ hai, do sự chậm trễ trong quá trình sản xuất, nên có nhiều hoài nghi về khả năng tàng hình của máy bay chiến đấu thế hệ mới này cũng như năng lực cạnh tranh của nó với những loại máy bay chiến đấu tàng hình của các nước khác. Cuối cùng, là vấn đề đối với động cơ máy bay.
Đánh giá về khả năng Nga chiến thắng gói thầu của Ấn Độ tìm mua 6 tàu ngầm chạy diesel-điện mới Project-75I trang bị cho hải quân, ông Narayanan nhấn mạnh, dự án này tiếp nối dự án Project 75 của Ấn Độ mua sắm tàu ngầm lớp Kalvari (dựa trên phiên bản tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp). Những loại tàu ngầm này đều có hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP).
Có 4 quốc gia tham gia cuộc cạnh tranh gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Nga. Trong bối cảnh hải quân Ấn Độ đã nắm được kỹ năng cần thiết trong việc vận hành và bảo trì tàu ngầm của Nga và của Pháp, sẽ rất khó để đoán ưu thế sẽ thuộc về bên nào. Lực lượng vũ trang Ấn Độ hiện giờ đang sử dụng cách tiếp cận dựa trên chi phí “vòng đời” của sản phẩm để tìm kiếm thỏa thuận tốt nhất. Điều này đồng nghĩa với việc thỏa thuận sẽ được trao cho bên nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật và thương mại của Hải quân Ấn Độ.
Ấn Độ luôn theo đuổi quyền tự chủ chiến lược cũng như quyết tâm giữ vững lợi ích cốt lõi của nước này. Ấn Độ cũng xem Nga là một đối tác chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, phía Mỹ lại không hài lòng với sự tăng cường hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ.
Mỹ tìm cách lôi kéo Ấn Độ rời xa Nga
Để lôi kéo Ấn Độ về phía mình, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cấp quy chế Quyền Thương mại Chiến lược (STA-1) cho Ấn Độ. Theo đó, nới lỏng kiểm soát các sản phẩm công nghệ cao xuất sang Ấn Độ, tạo cơ hội để quốc gia này tiếp cận sản phẩm của Mỹ. Như vậy Ấn Độ trở thành quốc gia Châu Á thứ 3 được nhận quy chế này sau Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Amrita Dhillon, Tổng biên tập tạp chí Kootneeti tại New Delhi cho biết, Ấn Độ sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ quy chế STA-1 – quy chế giúp tăng cường sự hợp tác của các quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, cùng các lĩnh vực công nghệ cao khác. Tuy nhiên, quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump mang thiên hướng kinh doanh nhiều hơn, nhằm mục đích gỡ bỏ các rào cản của Quốc hội và Thượng viện trong việc thực hiện các thương vụ quốc phòng với Ấn Độ.
Lý do khác, theo ông Amrita Dhillon là Tổng thống Donald Trump muốn ghi điểm trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11 tới. Ấn Độ là thị trường quốc phòng lớn trên thế giới, do đó việc hợp tác với nước này sẽ giúp thúc đẩy công ăn việc làm tại Mỹ. Đây là một trong những mục tiêu mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi.
Ông Amrita Dhillon cũng cho rằng, vì không phải là một quốc gia thành viên của NATO nên Ấn Độ có thể tự do theo đuổi các lợi ích riêng của nước này. Có một sự thật ít ai biết đến đó là Hải quân Ấn Độ là lực lượng duy nhất trên thế giới có thể tích hợp các cảm biến của Mỹ vào công nghệ thời Liên Xô. Thực tế nêu trên cho thấy, Ấn Độ sẽ chẳng bao giờ đi theo đường lối của NATO dù bằng cách này hay cách khác.
Theo Hồng Anh/VOV.VN