Mỹ sẽ chi trả gần 90 triệu USD giúp Ukraine giải toả bom mìn

Google News

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ sẽ chi trả 89 triệu USD nhằm giúp Ukraine loại bỏ số mìn còn sót lại sau khi xung đột tại quốc gia này chấm dứt.

Giống như mọi cuộc xung đột khác trong quá khứ, bom mìn và các vật liệu chưa nổ còn sót lại, đang là một phần đáng lo ngại của cuộc xung đột Nga - Ukraine, ngay cả khi cuộc xung đột này còn chưa kết thúc. Hồi tháng Năm, một bẫy mìn trong chiếc piano của một cô bé 10 tuổi tại Bucha đã được phát hiện, cho thấy mối nguy hại mà người dân Ukraine sẽ phải đối mặt sau khi xung đột hạ nhiệt, tờ Defense One nhận định.

My se chi tra gan 90 trieu USD giup Ukraine giai toa bom min

Số tiền 89 triệu USD sẽ được Mỹ chi trả nhằm cử 100 đội gỡ mìn sang Ukraine làm việc trong năm tới. Số tiền này cũng sẽ được sử dụng nhằm huấn luyện và mua trang thiết bị cho Ukraine. Được biết, hiện đội gỡ mìn dự kiến sẽ chỉ hoạt động tại mặt đất, và sẽ không tham gia gỡ thuỷ lôi còn tại Biển Đen.

Sẽ không có sự tham gia của bất kỳ nhân sự chính quyền Mỹ nào trong hoạt động này. Số tiền sẽ được gửi sang các tổ chức phi chính phủ nhằm thuê các đội gỡ mìn đủ tiêu chuẩn, chứ không được gửi trực tiếp sang chính phủ Ukraine.

Các quan chức chỉnh phủ Ukraine ước tính có khoảng 160,000 km vuông đã bị đặt mìn và các chất nổ khác. Hầu hết số này gồm đất nông nghiệp, tiếp tục gây rắc rối lên chuỗi cung ứng lương thực toàn thế giới, vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Tuy nhiên, các khu vực đông dân cư cũng không nằm ngoài diện ảnh hưởng, với hơn 5 triệu người hiện đang sinh sống gần hoặc trong khu vực ô nhiễm bom mìn, với nhiều loại bẫy tự chế hoặc đầu đạn chưa phát nổ.

Các quốc gia chịu ô nhiễm bom mìn nhất thế giới hiện nay, có thể kể tới là Lào và Campuchia. Dù chiến tranh đã lùi xa những quốc gia này gần nửa thế kỷ, tuy nhiên những gì còn sót lại vẫn khiến người dân vô tội chịu nhiều thương vong trong suốt những năm qua.
Tại châu Âu, nhiều khu rừng bị rải quá nhiều bom mìn từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, tới nay vẫn được treo biển cấm người dân qua lại. Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng bom mìn trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất là quá bừa bãi, không có bản đồ ghi chép cụ thể. Ngoài ra, những quả mìn này đã hơn 100 năm tuổi, nên nhà chức trách địa phương quyết định phong toả khu vực - thay vì cử đội rà phá vào làm việc.
Hoàng Anh