Sau thông tin về việc các chiến đấu cơ Mỹ bị ngừng bay hàng loạt hồi cuối tháng 7 vừa rồi được tờ New York Times đăng tải, ngay lập tức, một số kênh truyền thông đã đưa ra nguyên do vấn đề và lý do Mỹ quyết định cấm bay hai mẫu tiêm kích trên. Được biết, các mẫu máy bay đang bị thanh tra gồm F-35, toàn bộ các phiên bản F/A-18 như E/A-18G Growler cũng như T-38, T-6, T-45 Goshawk và F-5 Tiger II.
Cụ thể, vào ngày 22/4 vừa qua, trong quá trình bảo dưỡng một tiêm kích F-35 tại căn cứ không quân Hill, Utah, các kỹ thuật viên đã phát hiện rằng hệ thống ghế phóng thoát hiểm có vấn đề. Khi mở ra, khoang này hoàn toàn trống rỗng, không hề được trang bị thuốc pháo mang mục đích đẩy ghế phi công ra ngoài trong trường hợp máy bay gặp sự cố.
Vấn đề này có thể ảnh hưởng sang cả các mẫu tiêm kích NATO đang sử dụng, bởi hầu hết các tiêm kích này đều sử dụng ghế đẩy do Martin-Baker, một đơn vị sản xuất từ Anh. Đơn vị này đã trang bị ghế đẩy cho hơn 100 nước và hơn 200 loại máy bay khác nhau.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra các máy bay khác tại căn cứ này, các kỹ thuật viên không tìm thấy các vấn đề tương tự. Martin-Baker cũng đã nhận được thông báo và đã xác nhận có thiếu sót trong khâu kiểm soát chất lượng.
Tại thời điểm đó, vụ việc được coi là một sự cố đơn lẻ, và quyết định thanh tra toàn bộ mẫu tiêm kích này đã không được đưa ra. Tuy nhiên cho tới ngày 19/7 vừa qua, Văn phòng Chương trình Kết hợp F-35 đã đưa ra chỉ thị thanh tra “định kỳ” – không phải thanh tra “khẩn cấp” – các bộ phận này trong vòng 90 ngày.
Theo đó, sau ngày 19/7, các báo cáo về khoảng ghế đẩy “không thuốc phóng” đã tăng vọt. Điều này đã dẫn tới Lầu Năm Góc đưa ra quyết định cấm bay khẩn cấp toàn bộ các tiêm kích có ghế phóng do Martin-Baker lắp đặt để thanh tra toàn bộ các máy bay này.
Hiện tại các nguồn tin đang chưa thống nhất về quy mô vụ việc. Mới đầu các thông tin đưa ra rằng chỉ các máy bay F-35A thuộc Không quân Mỹ - tức đang nằm trong lãnh thổ nước này – bị cấm bay, sau đó lại chuyển thành cấm bay toàn bộ mẫu F-35. Ngoài ra cũng có các thông tin không đồng nhất về việc mẫu F/A-18 có bị cấm bay hay không.
Hiện các máy bay chỉ được lệnh hạ cánh khẩn cấp để thanh tra. Sau khi có kết quả, các máy bay đạt chất lượng sẽ được cung cấp chứng chỉ hoạt động, và quyết định tái hoạt động cho toàn bộ các máy bay sẽ chỉ được đưa ra sau khi việc thanh tra được hoàn tất.
Đồng thời phía Văn phòng Chương trình Kết hợp F-35 cho biết “chỉ một số nhỏ máy bay thuộc lô sản xuất cụ thể” đang gặp phải vấn đề này. Và đương nhiên phía quân đội từ chối tiết lộ con số cụ thể.
Hiện tại, các mẫu máy bay đang sử dụng hệ thống ghế đẩy do Martin-Baker cung cấp gồm:
· Eurofighter
· Rafale
· F-35
Tuy nhiên nếu mẫu F-5 cũng bị cấm bay, danh sách sẽ bổ sung thêm một loạt bao gồm:
· Super Toucan
· JAS 39 Gripen
· Tornado
· Mirage 200
Như vậy, toàn bộ phi đội Pháp, Đức, Ý và Anh Quốc đều có thể gặp vấn đề. Ngoài ra, Thụy Điển, Séc và Hungary đều đang sử dụng JAS 39 Gripen.Cuối cùng, Canada, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Phần Lan đều sử dụng F/A-18 làm tiêm kích chủ lực. Như vậy, hàng loạt nước NATO rất có thể sẽ gặp phải vấn đề lớn và phải cấm bay toàn bộ phi đội của mình.
Hoàng Anh (theo Defence Express)