Trước hết, Quân đội Nga vẫn là một đội quân rất hùng mạnh. Hỏa lực của nhóm chiến đấu cấp tiểu đoàn Nga (BTG), vượt trội hơn so với nhóm chiến đấu cấp tiểu đoàn Stryker của Mỹ. Hơn nữa, nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Quân đội Nga có sức công phá mạnh và cách đánh linh hoạt.
Tuy nhiên, nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Quân đội Nga cũng bộc lộ những khuyết điểm là khi khó có thể tác chiến liên tục thời gian dài, khả năng hỗ trợ hậu cần tương đối thấp và khả năng tương tác không nhuần nhuyễn.
Theo phân tích của các chuyên gia quân sự độc lập, tổ hợp chiến đấu cấp tiểu đoàn (BTG) của Quân đội Nga, chỉ phù hợp với các cuộc xung đột quy mô vừa và nhỏ (xung đột cục bộ); những khuyết điểm của nó sẽ bộc lộ trong các cuộc xung đột quy mô lớn và kéo dài.
Thứ hai, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, các loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, bom nhiệt áp, đạn pháo dẫn đường chính xác cũng như xe tăng T-90M, máy bay ném bom chiến đấu Su-34, robot không người lái và hệ thống tác chiến điện tử của Quân đội Nga đã phát huy tác dụng tốt.
Khả năng tấn công của các loại vũ khí dẫn đường chính xác cũng như tính năng mà Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine đều có ưu điểm vượt trội; nhưng nhược điểm là số lượng quá ít.
Ví dụ, tên lửa siêu thanh của Quân đội Nga không thể bị đánh chặn ngay cả với những vũ khí phòng không của Quân đội Mỹ. Nhưng hơn 6 tháng tham chiến, Quân đội Nga chỉ phóng 3 tên lửa siêu thanh, không gây ra tác động quá lớn tới cục diện cuộc chiến.
Theo tính toán của tờ Military Watch, đối với một quốc gia và quân đội có quy mô tương đối lớn như Ukraine, ít nhất phải có 500 tên lửa siêu thanh được phóng đi, mới có tác dụng quyết định thay đổi cục diện chiến trường.
Thứ ba, mặc dù Quân đội Nga vẫn có hiệu quả chiến đấu mạnh mẽ, nhưng Quân đội Nga không phải là lực lượng kỹ thuật số dựa trên thông tin, mà họ vẫn là quân đội mang hướng cơ giới hóa nhiều hơn.
Khả năng phối hợp vũ khí và các lực lượng tình báo, trinh sát của Quân đội Nga, cùng với đó là mạng liên kết dữ liệu tốc độ cao, khả năng nhận biết chiến trường, hậu cần quân sự hiện đại và các cuộc tấn công chính xác tầm xa của Quân đội Nga chưa thể sánh bằng Quân đội Mỹ.
Việc thực hiện trinh sát và giám sát toàn diện chiến trường theo nhiều cách khác nhau, hay thực hiện các cuộc tấn công “phẫu thuật” bằng vũ khí dẫn đường chính xác, cũng như thực hiện tác chiến điện tử với số lượng lớn và sử dụng đầy đủ các hệ thống thông tin chiến trường, để thực hiện đánh giá thiệt hại của đối phương, thì Quân đội Nga chưa thực sự có màn trình diễn quá xuất sắc.
Cần nhắc lại một điều là Không quân Nga vẫn là lực lượng không quân truyền thống, không phải là lực lượng không quân tấn công tổng hợp theo kiểu của Mỹ và NATO hiện nay.
Ưu thế trên không và khả năng tác chiến trên không của Không quân Nga tương đối vượt trội, nhưng khả năng giám sát chiến trường và tấn công chính xác ngoài khu vực phòng không của đối phương chưa thực sự nổi bật.
Đặc biệt là khả năng chế áp các hệ thống phòng không và các cuộc tấn công có độ chính xác vào sâu trung tâm phòng ngự của đối phương với cường độ cao là tương đối yếu. Trong những tháng gần đây, có rất ít máy bay chiến đấu của Nga tấn công vào phía sau hậu phương của Ukraine.
Điểm yếu nữa của Không quân Nga thiếu máy bay cảnh báo sớm chiến thuật hiện đại, máy bay trinh sát, máy bay liên lạc và máy bay trinh sát điện tử, máy bay chỉ huy và điều khiển chiến trường cũng như các loại máy bay hoạt động đặc biệt khác.
Trên chiến trường Ukraine, Quân đội Nga vẫn dựa vào sức mạnh lục quân khi tấn công hai tỉnh Kherson và Zaporozhye của Ukraine; nhưng tiến độ chậm hơn ở vùng Donbass.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Quân đội Nga đã kiểm soát 26.000 km vuông bán đảo Crimea và một phần ba diện tích Donbas có diện tích ít nhất 15.000 km vuông; tổng diện tích là hơn 40.000 km vuông.
Giờ đây, sau 6 tháng giao tranh ác liệt, Quân đội Nga tiến được thêm khoảng 55.000 km vuông tỉnh Zaporozhye và Kherson, tràn ngập các phần của Donbass và mở rộng khu vực kiểm soát lên 120.000 km vuông.
Đánh giá kết quả sau 6 tháng giao tranh, Quân đội Nga đã tràn ngập được một khu vực rộng 80.000 km vuông và kết quả của cuộc chiến là rất ấn tượng.
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ, 70% lực lượng chủ lực của Quân đội Nga được điều động và khoảng 55.000 km vuông tỉnh Zaporozhye và Kherson, đã bị quân Nga chiếm trong năm ngày sau khi xung đột bùng nổ, bằng chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng.
Trrong 170 ngày sau đó, Quân đội Nga chỉ tiến được hơn 20.000 km vuông. Vẫn còn những vấn đề tương đối lớn về khả năng tấn công của quân Nga, đặc biệt là khi tấn công vào các trận địa kiên cố trong đô thị và các trận địa phòng ngự được tổ chức tốt, hay khi không gian tác chiến bị kéo giãn và thời gian tác chiến bị kéo dài.
Tất nhiên, trận chiến đô thị là một vấn đề khó khăn với tất cả quân đội toàn thế giới, và Mỹ và NATO cũng không thể làm tốt điều đó.
Còn câu hỏi lớn nhất đối với Ukraine là khi nào Mỹ có thể tăng cường hỗ trợ quân sự để cung cấp các máy bay chiến đấu như F-16 và các loại tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), có tầm bắn 300km?
Ở thời điểm hiện tại, thế trận trong xung đột Nga - Ukraine đang là giao tranh giằng co, cả hai bên đều chưa đưa ra được một phương án nào khả thi, để có thể xoay chuyển cục diện trên chiến trường, hoặc tạo ra bước ngoặt mang tính chiến lược.
Tiến Minh (tổng hợp)