Tờ tin tức quân sự Army Recognition của Bỉ cho biết, mìn chống tăng PTKM-1R mới đang được thử nghiệm và sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Loại mìn chống tăng mới sẽ tăng cường năng lực phòng thủ diệt xe tăng thiết giáp cho quân đội Nga lên một tầm cao mới.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết quá trình phát triển mìn PTKM-1R gần như đã hoàn thành. Các kỹ sư đang thử nghiệm để đánh giá hiệu suất hoạt động và tinh chỉnh hệ thống. Các nhà thiết kế tuyên bố rằng, loại mìn chống tăng công nghệ cao này sẽ tăng cường năng lực chiến đấu cho các đơn vị tiền tiêu trong việc chống lại xe tăng thiết giáp đối phương.
|
Mô hình mìn chống tăng thông minh PTKM-1R của Nga. Ảnh: Topwar. |
Mìn PTKM-1R có thiết kế hình trụ và kích thước tương đương bình chữa cháy nặng 20 kg. Phần đáy mìn có các cánh sẽ xòe ra khi triển khai để giữ cho mìn ở vị trí thẳng đứng. Mìn có thể được đặt ngay trên mặt đất, thời gian triển khai 10 ngày trong điều kiện nhiệt độ từ âm 40 đến 30 độ.
Sau 10 ngày nếu không được thu hồi, nó sẽ tự hủy để tránh gây nguy hiểm cho thường dân. PTKM-1R được trang bị cảm biến hồng ngoại và địa chấn rất nhạy có thể phát hiện xe tăng ở cự ly từ 150-200 m. Khi mục tiêu đi vào phạm vi phá hủy, nó sẽ phóng một đầu đạn lên không trung ở độ cao vài chục mét.
Cảm biến hồng ngoại trên đầu đạn sẽ khóa mục tiêu và tấn công kiểu “đột nóc” từ trên cao xuống vào khu vực tháp pháo. Đây là khu vực bọc giáp mỏng và dễ bị tổn thương nhất của xe tăng thiết giáp. Chuyên gia vũ khí Alexey Leonkov nói rằng loại mìn mới là đỉnh cao của xu hướng vũ khí toàn cầu.
Các xe tăng hiện đại liên tục được tăng cường khả năng bảo vệ. Những công nghệ vật liệu mới giúp cho giáp xe tăng ngày càng trở nên chắc chắn hơn, tạo ra những chiếc xe tăng cực kỳ nguy hiểm trên chiến trường. Do đó, các nhà thiết kế đang phát triển vũ khí mới tập trung tấn công vào khu vực dễ bị tổn thương nhất của xe tăng. Đó là một xu hướng mới.
Mời độc giả xem video: Nguyên lý hoạt động của mìn chống tăng tự dẫn M93 Hornet của Mỹ. (Nguồn Petunized)
Mìn thông minh PTKM-1R sẽ đơn giản hóa công việc của các nhóm chiến đấu tiền tiêu. Nó có khả năng xác định và phóng đạn về phía mục tiêu nên không cần bố trí mìn kiểu rải thảm như trước, giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Các đơn vị công binh có thể đặt mìn ở những khu vực xung yếu, làm gián đoạn quá trình hành quân của đối phương.
Tương lai, các loại mìn thông minh của Nga sẽ có khả năng kết nối với nhau tạo nên mạng lưới thống nhất. Các cảm biến sẽ truyền dữ liệu thu được về trung tâm chỉ huy, người điều khiển sẽ chọn loại mìn ở vị trí phù hợp để tấn công, những quả mìn khác sẽ ở chế độ chờ, giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu.
Quốc Minh