Nga đã điều các đoàn xe thiết giáp tiến dọc bờ biển trong một nỗ lực ngăn chặn lực lượng Ukraine tiếp cận với các cảng biển ở thời điểm Kiev cần nguồn tài chính hỗ trợ cho cuộc chiến. Chiến lược của Moscow đã đạt được một số thành công nhất định. Hai trong số 5 cảng chính của Ukraine là Berdyansk và Mariupol, nằm ở phía Đông Bắc Biển Đen đã bị thất thủ.
Cảng biển đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với Ukraine. Do nằm trên bờ Biển Đen nên chúng rất thuận lợi đối với việc vận chuyển thương mại. Tàu thuyền tại các cảng này có thể tiếp cận với những quốc gia giáp Địa Trung Hải, Kênh đào Suez và các thị trường xa hơn.
Các cảng lớn khác như Odessa và Mykolaiv vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Chúng chiếm 80% lượng ngũ cốc xuất khẩu trước chiến tranh. Những nỗ lực của Nga nhằm nắm giữ hai cảng thương mại quan trọng này cùng vũng lãnh thổ xung quanh đang gặp phải nhiều thách thức do sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine. Quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công lớn chống lại Nga ở bên trong và xung quanh khu vực Kherson, Mykolaiv để củng cố quyền kiểm soát khu vực duyên hải ở phía Nam này.
Đảo Rắn-chìa khóa quan trọng
Phương Tây cáo buộc Nga đang nỗ lực phong tỏa các cảng Odessa, Mykolaiv và Chernomorsk để ngăn chặn việc xuất khẩu ngũ cốc bằng cách rải thủy lôi ở vùng biển dẫn tới những cảng này đồng thời điều tàu chiến, máy bay liên tục tuần tra.
Chìa khóa của chiến lược phong tỏa là Đảo Rắn- nơi Hải quân Nga chiếm được ngay trong tuần đầu tiên của chiến dịch quân sự. Đảo Rắn hay còn gọi là Đảo Zmiinyi có diện tích rất nhỏ, vỏn vẹn 0.17km2, cách mũi cực Nam của Ukraine khoảng 48 km và cách bán đảo Crimea khoảng 300 km. Nằm ở vị trí chiến lược, nó kiểm soát vùng biển tiếp giáp với 3 cảng thương mại cuối cùng còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Hòn đảo này đã được Nga trang bị tuyến phòng thủ mạnh mẽ.
Nga đã triển khai tàu tuần dương mang theo tên lửa dẫn đường Moskva đến Đảo Rắn, chỉ vài giờ sau khi xung đột với Ukraine nổ ra. Mặc dù kiểm soát được Đảo Rắn, nhưng Nga cũng phải chịu thiệt hại lớn khi soái hạm Moskva bị chìm vào hôm 14/4. Nga thông báo rằng tàu chiến Moskva bị chìm do hỏa hoạn, song Ukraine tuyên bố con tàu bị hai tên lửa hành trình chống hạm Neptune của nước này bắn trúng. Kể từ đó, Moscow đã nỗ lực thiết lập căn cứ trên Đảo Rắn và củng cố hệ thống phòng thủ.
Hình ảnh vệ tinh do Maxar cung cấp cho thấy, Nga đã cho xây dựng các chiến hào và hầm mới, đồng thời lắp đặt các hệ thống tên lửa tầm ngắn. Một số nhà phân tích đã ví Đảo Rắn như một “khu trục hạm không thể chìm” do có rất nhiều radar, ít nhất 5 hệ thống tên lửa Tor và 2 hệ thống phòng không Pantsir cùng các kho chứa nhiên liệu, đạn dược. Nhờ được trang bị vũ khí mạnh mẽ, các lực lượng Nga trên Đảo Rắn có khả năng phòng thủ tốt trước các đợt tấn công.
Theo giới quan sát, Nga có khả năng triển khai thêm vũ khí tối tân hơn tới đây chẳng hạn như pháo tầm xa và hệ thống S-400 để kiểm soát vùng không phận phía Nam Ukraine cùng khu vực Tây Bắc Biển Đen. Việc triển khai này sẽ cho phép hòn đảo hoạt động như một căn cứ hỏa lực để tấn công và tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền.
Việc Nga nắm giữ Đảo Rắn và củng cố hệ thống phòng thủ dày đặc ở đây giống như “cái gai trong mắt” Ukraine. Nhận thức rõ ràng về vị trí chiến lược của Đảo Rắn, quân đội Ukraine đã liên tục tiến hành nhiều cuộc tấn công làm suy giảm sự hiện diện quân sự của Nga. Trận chiến giữa hai bên ngày càng trở nên ác liệt khi Kiev tìm cách giành lại hòn đảo đồng thời tấn công và các mục tiêu khác nhằm làm phân tán lực lượng Nga.
Ukraine có thể phá vỡ gọng kìm của Nga?
Ngày 26/6 vừa qua, Nga cáo buộc các lực lượng vũ trang Ukraine tiến hành một cuộc pháo kích vào các giàn khoan của Nga ở Biển Đen. Vụ việc xảy ra chưa đầy một tuần sau vụ tấn công nhằm vào các giàn khoan của Nga ngoài khơi bán đảo Crimea khiến 3 người bị thương. Theo các chuyên gia quân sự, những giàn khoan này có thể là mục tiêu mới nhất được Ukraine để mắt đến khi tìm cách phân tán lực lượng Nga và làm cạn kệt nguồn dự trữ trang thiết bị quân sự lớn của nước này. Ngoài những giàn khoan nói trên, cầu Kerch nối Bán đảo Crimea với đất liền cũng là một mục tiêu quan trọng, đòi hỏi quân đội Nga phải sử dụng nhiều nguồn lực để bảo vệ.
Trong bối cảnh các cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra liên tiếp, Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí tinh vi hơn để đổi phó với lực lượng của Kiev, đồng thời siết chặt gọng kìm xung quanh các cảng quan trọng. Liệu Kiev có thể nới lỏng gọng kìm này? Một số nhà quan sát cho rằng, khả năng này rất khó xảy ra. Mặc dù Mỹ và châu Âu đã cung cấp nhiều hệ thống vũ khí tối tân cho Ukraine nhưng tên lửa chống hạm được cho là phương tiện duy nhất để phá vỡ vòng phong tỏa. Tuy vậy, số lượng tên lửa chống hạm mà Ukraine có không đủ để khiến các hạm đội Nga phải rút lui bởi những tàu ngầm cũng như các hạm đội tàu mặt nước của Nga đang hoạt động trong khu vực có khả năng phát hiện và bắn hạ tên lửa từ khoảng cách xa.
Xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực, thực phẩm trên toàn cầu trở nên đắt đỏ hơn, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu đối và mất ổn định chính trị ở các nước đang phát triển do cả hai nước đều là những nhà xuất khẩu lương thực lớn của thế giới. Ukraine chiếm 9% nguồn cung lúa mì trên thế giới, 15% nguồn cung ngô và 44% nguồn cung dầu hướng dương trên toàn cầu. Ước tính, 1/4 sản lượng lúa mì của Bangladesh, Ai Cập, Indonesia và Pakistan đến từ Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch cử một phái đoàn quân sự đến thăm Nga để đàm phán về việc tạo ra hành lang an toàn cho lưu thông hàng hóa tại các cảng lớn của Ukraine, trong một nỗ lực tài khởi động hoạt động xuất khẩu ngũ cốc vốn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực trên toàn cầu./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)