Ngày này năm xưa: 600.000 quân Mỹ tấn công Iraq

Google News

Đúng nửa đêm 16/1/1991, khi qua hạn chót của Liên Hợp Quốc buộc Iraq rút quân khỏi Kuwait, liên quân do Mỹ dẫn đầu xúc tiến chiến dịch tấn công chống Baghdad.

Đúng nửa đêm 16/1/1991, khi qua hạn chót của Liên Hợp Quốc buộc Iraq rút quân khỏi Kuwait, liên quân do Mỹ dẫn đầu xúc tiến chiến dịch tấn công chống Baghdad.
Chính Iraq là nước châm ngòi nổ chiến tranh khi đưa quân tiến đánh Kuwait, quốc gia láng giềng nhỏ bé nhưng giàu tài nguyên dầu mỏ, vào ngày 2/8/1990.
Chính quyền Tổng thống Iraq khi đó, Saddam Hussein cáo buộc Kuwait đã khai thác dầu trái phép ở mỏ Rumaila vẫn đang tranh chấp giữa hai nước, đồng thời sản xuất nhiên liệu vượt hạn mức, góp phần dẫn đến tình trạng sụt giảm mạnh giá dầu thô thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Baghdad.
Ngay nay nam xua: 600.000 quan My tan cong Iraq
 Quân Iraq tràn sang Kuwait năm 1990. Ảnh: Word Press
Tuy nhiên, động thái của Iraq đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Ngày 29/11/1990, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) đã thông qua Nghị quyết 678, yêu cầu Iraq đến ngày 15/1 năm sau phải rút hết quân khỏi Kuwait. Sau thời hạn trên, các nước khác có quyền sử dụng “tất cả các phương tiện cần thiết” để chấm dứt sự chiếm đóng của các lực lượng Baghdad ở quốc gia láng giềng.
Trên tinh thần nghị quyết HĐBA, một liên minh chống Iraq gồm 34 nước, trong đó có cả Mỹ, Anh, Pháp, Australia, toàn bộ các quốc gia Ảrập ngoại trừ Jordan và một số nước Đông Âu, được thành lập. Liên Xô không tham gia liên minh này vì muốn giải quyết xung đột bằng các giải pháp chính trị và ngoại giao, dưới sự chủ trì của các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc.
Với lí do chính quyền Saddam phớt lờ hạn chót của HĐBA, đúng nửa đêm ngày 16/1/1991, liên quân do Mỹ đứng đầu chính thức xúc tiến chiến dịch mang mật danh "Bão táp Sa mạc" chống Iraq.
Ngay nay nam xua: 600.000 quan My tan cong Iraq-Hinh-2
 Sơ đồ các mũi tấn công của liên quân trong Chiến dịch Bão táp sa mạc. Ảnh: Britannica
Mờ sáng ngày 17/1, các máy bay tiêm kích đầu tiên đã cất cánh từ Ảrập Xêút và các hàng không mẫu hạm Mỹ và Anh ở Vịnh Ba Tư để thực hiện sứ mệnh ném bom Iraq. Mở màn chiến dịch dưới sự chỉ huy của Đại tướng Mỹ Norman Schwarzkopf, dàn chiến đấu cơ liên quân đã đồng loạt không kích các mục tiêu trọng yếu bên trong và xung quanh thủ đô Bagdad. Cả thế giới nín thở theo dõi các diễn biến được phát sóng trực tiếp trên các mạng lưới truyền hình vệ tinh toàn cầu.
Hai giờ đồng hồ sau các vụ oanh tạc đầu tiên, từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đọc diễn văn trên truyền hình quốc gia tuyên chiến với Iraq và chính thức thông báo về chiến dịch của liên quân nhằm đánh đuổi các lực lượng Iraq đang chiếm đóng Kuwait.
Ngay nay nam xua: 600.000 quan My tan cong Iraq-Hinh-3
 
Trong các tuần sau đó, Mỹ và lực lượng đồng minh đã tiến hành đợt không kích tổng lực nhằm vào các cơ sở quân sự và dân sự ở Iraq, bao gồm cả các trung tâm thông tin, căn cứ không quân, trận địa tên lửa, các địa điểm được tin là "nhà máy nguyên tử và hóa học" cũng như các cơ quan chính phủ.
Do bị đánh phủ đầu và tương quan lực lượng yếu hơn, nên hệ thống phòng không Iraq bị thiệt hại nặng nề và gần như bị vô hiệu hóa trong giai đoạn này. Biện pháp trả đũa đáng kể duy nhất của quân đội Iraq là nã các quả tên lửa Scud (loại vũ khí do Liên Xô phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh) vào Israel và Ảrập Xêút. Tổng thống Saddam hy vọng, các vụ tấn công tên lửa như vậy sẽ kích động Israel tham chiến, từ đó làm tiêu tan sự ủng hộ của khối Ảrập, vốn "không đội trời chung" với Nhà nước Do Thái, đối với chiến dịch của liên quân.
Ngay nay nam xua: 600.000 quan My tan cong Iraq-Hinh-4
 Chiến hạm Mỹ USS Wisconsin tham gia chiến dịch Bão táp sa mạc. Ảnh: Rex Features
Song, các nỗ lực phản kích của Iraq tỏ ra không hiệu quả trước hỏa lực phòng thủ mạnh của liên quân. Hơn thế nữa, theo yêu cầu của Washington, Israel vẫn giữ thế trung lập, đứng ngoài cuộc xung đột.
Ngày 24/2/1991, liên quân khởi động giai đoạn hai của chiến dịch Bão táp sa mạc - một đợt tổng tấn công quy mô lớn trên bộ, nhắm vào các lực lượng vũ trang đã lỗi thời và thiếu trang bị của Iraq.
Ngay nay nam xua: 600.000 quan My tan cong Iraq-Hinh-5
 Xe quân sự Mỹ và xe tăng Ảrập Xêút tiến về thủ đô Kuwait. Ảnh: Time
Hai tiểu đoàn thuộc Sư đoàn đổ bộ đường không số 82 của Lục quân Mỹ đã bí mật tiến vào khu vực phía nam thủ đô Kuwait đang nằm dưới sự kiểm soát của quân Iraq. Cùng lúc đó, các đơn vị khác của liên quân đổ bộ bằng đường biển vào các đảo và một số khu vực duyên hải phía đông Kuwait.
Sang ngày hôm sau, liên quân đã xuyên thủng các vị trí phòng thủ của quân đoàn 3 và 7 của Iraq tại Kuwait, rồi thiết lập một cầu hàng không bằng trực thăng để đẩy mạnh cuộc tấn công sang bên kia biên giới.
Ngay nay nam xua: 600.000 quan My tan cong Iraq-Hinh-6
 Quân Iraq đầu hàng. Ảnh: Corbis
Ngày 26/2, liên quân tái chiếm được thủ đô Kuwait và một ngày sau giải phóng toàn bộ nước này. Phần lớn các lực lượng Iraq phải đầu hàng, tháo chạy về nước hoặc bị tiêu diệt.
Ngày 28/2, Tổng thống Mỹ Bush tuyên bố ngưng chiến dịch quân sự chống Iraq. Chính quyền Saddam cũng khẳng định sẽ tuân thủ mọi nghị quyết của LHQ liên quan đến cuộc xung đột. Một thỏa thuận ngừng bắn được chính thức ký kết vào ngày 6/3/1991, đánh dấu việc Kuwait khôi phục chủ quyền hoàn toàn.
Như vậy, với ưu thế áp đảo về khí tài quân sự hiện đại cùng chiến thuật hợp lý, liên quân do Mỹ đứng đầu nhanh chóng giành chiến thắng trong cuộc chiến với Iraq chỉ sau 41 ngày. Theo các tài liệu, Mỹ và lực lượng đồng minh đã điều động khoảng 600.000 sĩ quan và binh lính, trên 4.000 xe tăng, hơn 3.700 pháo mặt đất và súng cối, khoảng 2.000 máy bay cánh cố định và trên 100 chiến hạm tham chiến. Trong đó, riêng Mỹ đóng góp tới 74% tổng số nhân lực và vũ khí.
Ngay nay nam xua: 600.000 quan My tan cong Iraq-Hinh-7
 Một căn cứ của liên quân trúng tên lửa Scud của Iraq, khiến 28 binh sỹ thiệt mạng. Ảnh: History.com
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay, 149 binh sĩ Mỹ đã chết trận, bao gồm cả 35 trường hợp thiệt mạng do trúng đạn lạc của quân đồng minh. Ngoài ra, Anh có 24 binh sĩ, Pháp 2 binh sĩ, và các quốc gia Ảrập có 39 binh sĩ tử trận. Số quân nhân bị thương là 776 người, trong đó có 467 binh sĩ Mỹ.
Ở phía bên kia chiến tuyến, dù chính thể của Tổng thống Saddam và tiềm lực quân đội Iraq gần như vẫn còn nguyên vẹn, nhưng theo một số thống kê, ước tính có tới 60.000 lính Iraq tử trận, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh. Nước này cũng tổn thất khoảng 3.800 xe tăng, hơn 1.400 xe thiết giáp chở quân và xe chiến đấu bộ binh, khoảng 2.900 khẩu pháo và gần 360 máy bay cánh cố định.
Ngay nay nam xua: 600.000 quan My tan cong Iraq-Hinh-8
  Một khu dân cư ở thủ đô Baghdad, Iraq bị tàn phá sau một đợt pháo kích trả đũa của liên quân năm 1991. Ảnh: Rex Features
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Sputnik, thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iraq còn lớn hơn cả tổn thất nước này phải gánh chịu do giao tranh trực tiếp gây ra. Trong 13 năm bị áp đặt cấm vận kinh tế, Iraq ước tính đã mất tới hơn 200 tỉ USD vì xuất khẩu dầu giảm. Một số nguồn tin quả quyết, người dân nước này cũng chỉ nhận được 10% tổng số lương thực và thuốc men cần thiết để duy trì cuộc sống.
Theo Tuấn Anh/VietNamNet