Sự kiện tàu USS Maine, Chiến tranh Tây Ban Nha–Mỹ
Ngày 15/2/1898, một vụ nổ lớn đã xảy ra trên tàu thiết giáp hạm USS Maine của Hải quân Mỹ tại cảng Havana, gây ra cái chết của 260 thủy thủ - chiếm 2/3 số lượng thành viên thủy thủ đoàn. Washington ngay lập tức cáo buộc Tây Ban Nha - khi đó đang nắm quyền kiểm soát Cuba là thủ phạm của vụ việc.
Mặc dù không có bằng chứng xác đáng nào được đưa ra và Tây Ban Nha liên tục phản bác lại lời cáo buộc vô lý này. Nhưng với chiêu bài chiến tranh thông tin, Mỹ đã tận dụng triệt để sự phẫn nộ của công chúng và sức mạnh của báo chí để đổ tội cho Tây Ban Nha.
|
Thiết giáp hạm Maine của Hải quân Mỹ khi chưa bị tai nạn. Ảnh: Sputnik.
|
Tới ngày 19/4 cùng năm, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật, qua đó buộc Tây Ban Nha phải rời khỏi Cuba. Ngay ngày hôm sau, một lực lượng quân sự hùng hậu của Mỹ đã nổ súng tấn công vào Havana để chiếm đóng cảng này, hất cẳng quân đội Tây Ban Nha đang trấn giữ tại đây, kèm theo đó, Mỹ cũng tuyên bố chiến tranh với Tây Ban Nha.
Giữa tháng 8/1989, Tây Ban Nha chấp nhận đầu hàng, lịch sử đầy hiển hách của tên "Tư bản già" thành Madrid chính thức chấm dứt ở đây vì trong điều khoản thỏa thuận, không những Havana mà Tây Ban Nha phải trao lại toàn bộ thuộc địa của mình ở châu Á và Mỹ La tinh cho Mỹ, bao gồm Philippines, Guam, Puerto Rico và Cuba.
Năm 1976, Đô đốc Hải quân Mỹ Hyman G. Rickover đã điều tra lại vụ tai nạn dẫn tới vụ chìm tàu Maine và cho rằng vụ nổ trên tàu xảy ra do nguyên nhân tự nhiên, bắt nguồn từ các thùng chứa than dự trữ trên tàu lúc bấy giờ - một vấn đề khá phổ biến ở thời tàu chiến chạy bằng động cơ hơi nước.
Sau gần 100 năm, Tây Ban Nha cuối cùng cũng được minh oan bởi... chính người Mỹ.
Biến cố Mainila
Biến cố Mainila được cho là nguyên nhân chính dẫn tới chiến tranh Liên Xô - Phần Lan hay còn được gọi là cuộc Chiến tranh Mùa đông.
Biến cố Mainila xảy ra vào ngày 26/11/1939, khi chính phủ Liên Xô cáo buộc chính phủ Phần Lan lúc bấy giờ đã bắn 7 quả đạn pháo vào lực lượng bộ binh Liên Xô đang đóng quân gần biên giới nước này, dẫn tới cái chết của 4 người và 9 người khác bị thương.
|
Binh lính Liên Xô trong cuộc chiến tranh Mùa đông. Ảnh: Sputnik.
|
Căn cứ vào cái cớ này, Moscow đã đề nghị Phần Lan phải rút quân vào sâu trong biên giới, cách đường biên giới hiện tại giữa hai nước từ 20 tới 25 km để đặt pháo binh Phần Lan ra khỏi tầm bắn vào lãnh thổ Liên Xô.
Lãnh đạo Phần Lan lúc bấy giờ tất nhiên phủ nhận mọi cáo buộc và từ chối thẳng thừng lời đề nghị lui quân khỏi biên giới từ phía Liên Xô. Thậm chí phía Phần Lan còn đưa ra điều kiện cho rằng, họ sẵn sàng lui quân khỏi biên giới nếu người Liên Xô làm điều tương tự.
Moscow tất nhiên sẽ từ chối yêu sách này vì nếu rút vào sâu 20 km kể từ biên giới thì nghĩa là quân Liên Xô phải rút vào tận... Leningrad. Hồng quân ngay lập tức ra lệnh hành động quân sự trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước nhằm đáp trả lại vụ bắn pháo trước đó.
Bốn ngày sau lệnh nổ súng trả đũa trên toàn tuyến biên giới, Liên Xô tuyên bố chiến tranh với Phần Lan. Cuộc chiến kéo dài tới mùa xuân năm 1940 đã khiến khoảng 26.000 lính Phần Lan thiệt mạng và khoảng 300.000 lính Liên Xô tử trận.
Nhiều thập kỷ sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc, các nhà sử gia Liên Xô đã cho rằng vụ việc pháo cẩu vào vị trí của lính Liên Xô thực ra không phải do Phần Lan gây nên. Sau khi Liên Xô tan ra, một cuộc điều tra hoàn chỉnh về sự cố này đã được tiến hành và vụ việc được cho là do lực lượng NKVD hay lực luongj Dân ủy Nội vụ của Liên Xô dàn dựng nên.
Năm 1994, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã phát biểu và cho rằng, Chiến tranh mùa Đông giữa Liên Xô với Phần Lan trong quá khứ là hành động sai lầm, biểu trưng cho sự hiếu chiến của Liên Xô.
Biến cố Gleiwitz
Biến cố Gleiwitz được xác định là do lực lượng Đức Quốc xã ở khu vực Gleiwitz, phía Đông nước Đức gây nên (Gleiwitz nay thuộc lãnh thổ của Ba Lan) ngày 31/8/1939.
Vào đêm ngày 31/8, các binh lính Đức trong trang phục của quân đội Ba Lan đã chiếm trạm phát sóng radio ở Gleiwitz và truyền đi thông điệp kêu gọi người thiểu số Ba Lan ở vùng Silesia đứng lên khởi nghĩa, lật đổ chính quyền Đức quốc xã.
|
Trạm phát sóng Gleiwitz, nơi khởi nguồn của cuộc chiến tranh Thế giới thứ hai nay được coi là một di tích lịch sử của Ba Lan. Ảnh: Sputnik.
|
Chiến dịch gây chiến này, được đặt tên là Operation Himmler được dàn dựng công phu nhằm tạo ra một cái cớ cho việc Đức xâm chiếm Ba Lan - đã được một thành viên cao cấp của lực lượng SS thừa nhận tại tòa án công lý quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh tại Nuremberg năm 1945.
Dựa vào cái cớ này, ngày 1/9/1939, Đức đã tấn công vào lãnh thổ Ba Lan. Ngày 3/9 và 4/9 sau đó, Pháp cùng Anh tham chiến, cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 chính thức bắt đầu.
Ngọn lửa thành Rome
Trò "tạo cớ gây chiến" không chỉ xảy ra trong những thế kỷ gần đây mà nó đã từng xảy ra từ tận trước Công Nguyên. Cụ thể là ở Rome năm 64 Trước Công Nguyên.
|
Ngọn lửa thiêu trụi thành Rome. Ảnh: Sputnik.
|
Vào ngày 18/7/64 TCN, Rome đã bị bao trùm trong một vụ hỏa hoạn kéo dài 6 ngày 7 đêm, thiêu trụi hoàn toàn ba trong tổng số 14 quận của thành Rome, làm hư hại 7 quận khác và dẫn đến cái chết của hàng nghìn người.
Hoàng đế La Mã khi đó là Nero đã ngay lập tức ra lệnh xây dựng lại thành phố và chỉ đích danh nguyên nhân của vụ việc này là do các thành phần Công giáo ở Rome gây nên. Ngay lập tức, việc đàn áp các phần tử Công giáo ở Rome diễn ra thậm chí còn trước khi người ta kịp xây dựng lại thành phố, mọi nhà thờ bị phá hủy, những cha đạo bị giết hại còn những người dân đi theo Công giáo bị buộc phải làm việc không công trong quá trình xây dựng lại Rome.
Mời độc giả xem Video: Cuộc chiến tranh Phần Lan - Liên Xô. Trích phim Iulian Romania.
Tuấn Anh