Một nguồn tin thân cận với Timesofindia cho biết, Ấn Độ sẽ bán và chuyển giao công nghệ loại tên lửa phòng không Akash tầm trung cho Việt Nam.
Cũng theo nguồn tin trên, thỏa thuận về loại tên lửa phòng không tầm trung Akash nối tiếp theo sau các cuộc thảo luận về việc cung cấp tên lửa hành trình siêu âm BrahMos và ngư lôi hạng nặng Varunastra cho Việt Nam
Từ năm nay, Ấn Độ sẽ giúp Không quân Việt Nam đào tạo các phi công lái máy bay chiến đấu Su-30 trên máy bay Su-30MKI của Ấn Độ. Trước đó phía Ấn Độ cũng đã giúp Việt Nam đào tạo các kíp vận hành tàu ngầm lớp Kilo.
Nguồn tin cho biết thêm rằng, các các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra theo đúng lộ trình, phía Việt Nam quan tâm sâu sắc đến loại tên lửa phòng không Akash này và yêu cầu chuyển giao công nghệ cùng sản xuất.
Tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ loại tên lửa hành trình siêu âm BrahMos sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều, vì nó là sản phẩm của liên doanh giữa Ấn Độ và Nga, trong khi Nga nắm giữ 60% cổ phần, nguồn tin tiết lộ thêm với Timesofindia.
|
Bắn thử nghiệm tên lửa Akash. Nguồn: Wikipedia |
Hệ thống tên lửa phòng không di động Akash được phát triển bởi Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDL) từ những năm 1980 cùng với sự tham gia của hơn 300 công ty khác nhau. Trong đó có các công ty như: Công ty Nghiên cứu & Phát triển lực lượng xe chiến đấu, Phòng thí nghiệm vật liệu năng lượng cao cấp, Tập đoàn Bharat Dynamics Limited…
Hệ thống tên lửa Akash được nghiên cứu nhằm thay thế cho hệ thống tên lửa phòng không 2K12 “Kub” của Liên Xô hiện đang được trang bị trong quân đội Ấn Độ.
Mỗi hệ thống Akash gồm một bệ phóng, một đài chỉ huy, radar điều khiển đa dụng và một hệ thống hỗ trợ mặt đất. Mỗi xe chở hệ thống Akash gồm 3 giá phóng tên lửa với 3 quả nạp sẵn, đảm nhận bảo vệ vùng không phận rộng 62 x 62 km.
Tên lửa điều khiển cao tần sử dụng đầu đạn 55kg có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động như: tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tên lửa không-đối-đất, máy bay chiến đấu, các thiết bị bay không người lái ở cự li đến 25 km ở độ cao 18.000 m. Tốc độ tối đa của tên lửa có thể đạt Mach 2,5. Nét nổi bật nhất của tên lửa Akash là động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) giúp nâng cao độ chính xác trong khi giá thành sản xuất rẻ hơn.
Hệ thống Akash được trang bị radar giám sát 3D Rajendra có thể theo dõi 64 mục tiêu cùng lúc, có thể đồng thời tiêu diệt 12 mục tiêu, có khả năng hoạt động ổn định và chống lại hệ các thống chế áp điện tử của đối phương.
Như vậy, ngoài các loại tên lửa như SAM-2, SAM-3, S-300, Spyder thì lưới lửa phòng không của Việt Nam sẽ có thêm loại tên lửa Akash, không chỉ giúp bộ đội phòng không bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc mà điều quan trọng hơn là chúng ta được chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước.
Trung Nghĩa