Mong muốn về sự hiện diện lâu dài của căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan đã được Warsaw ấp ủ trong hơn một thập kỷ. Giờ đây, mong ước ấy có thể trở thành hiện thực khi Mỹ tuyên bố sẽ nghiêm túc xem xét đề nghị thiết lập căn cứ quân sự thường trực tại quốc gia Trung Âu này.
Tuy nhiên, nếu được thực hiện, kế hoạch trên sẽ khiến mối quan hệ giữa phương Tây với Nga càng thêm căng thẳng.
Theo Reuters, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda mới đây đã đề nghị người đồng cấp Donald Trump mở căn cứ quân sự Mỹ tại nước này trong một cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Nhà Trắng. Ông Andrzej Duda cũng đề xuất gọi căn cứ quân sự này là “Pháo đài Trump” (Fort Trump) theo tên của Tổng thống Mỹ đương nhiệm. “Tôi tin rằng không có biện pháp ngăn chặn chiến tranh nào hiệu quả hơn một lập trường cương quyết, chứng minh rằng bất cứ lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng đẩy lùi các cuộc tấn công”, nhà lãnh đạo Ba Lan khẳng định.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trao đổi với nhau trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng. Nguồn: Reuters. |
Ngoài ra, Tổng thống Ba Lan còn nhấn mạnh, Warsaw sẵn sàng chia sẻ gánh nặng chi tiêu bằng cách cung cấp 2 tỷ USD để Washington triển khai căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này. Đáp lại, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ xem xét nghiêm túc vấn đề này. Nhà Trắng ra tuyên bố: “Mỹ cam kết sẽ đánh giá các lựa chọn trong việc gia tăng vai trò quân sự của mình tại Ba Lan và sẽ tăng cường tham vấn để xác định tính khả thi của vấn đề”.
Về phần mình, người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis cho biết, đến nay Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng: “Vấn đề cần xem xét không chỉ là việc xây dựng căn cứ, mà còn cả công tác huấn luyện, cơ sở vật chất và bảo trì tại căn cứ. Những điều đó là một loạt các chi tiết chúng tôi phải nghiên cứu cùng Ba Lan. Vì vậy, chưa có quyết định nào được đưa ra”, theo Independent.
Theo truyền thông Mỹ, quyết định cuối cùng sẽ được Washington đưa ra vào đầu năm tới. Bộ trưởng Quốc phòng phải trình báo cáo lên Quốc hội với thời hạn cuối cùng là ngày 1-3-2019 về tính khả thi của việc hiện diện quân sự vĩnh viễn ở Ba Lan.
Washington Post cho biết, hiện nay, lực lượng Mỹ được triển khai tại Ba Lan trên cơ chế luân chuyển. Đây là một phần trong những nỗ lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm tăng cường phòng thủ trên sườn phía đông sau khi Nga sáp nhật bán đảo Crimea vào năm 2014.
Trong khi đó, Trung tướng Yevgeny Buzhinsky, cựu phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính trị Nga PIR-Center cho biết, Ba Lan đã muốn Mỹ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này từ lâu. Tháng 5 vừa qua, Warsaw sẵn sàng chi trả 1,5-2 tỷ USD cho việc này. Tuy nhiên, bây giờ giấc mơ về căn cứ quân sự Mỹ của người Ba Lan có thể trở thành hiện thực. Theo ông Yevgeny Buzhinsky, ông Trump thường xem xét các đề xuất như một doanh nhân và sẵn sàng hợp tác với Ba Lan để tiết kiệm chi phí quân sự.
Đến lượt mình, Giáo sư của Học viện Khoa học Quân sự Vadim Kozyulin cho rằng, Ba Lan đang lo ngại về vấn đề quân sự hoá tại khu vực Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga nằm ở giữa Ba Lan và Lithuania ven biển Baltic, cũng như các cuộc tập trận quy mô lớn của Nga. Kaliningrad vốn được phương Tây coi là bàn đạp quân sự chiến lược của Nga tại biên giới của NATO. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, các nước thành viên NATO luôn lo ngại về Hành lang Suwalk với chiều dài 64 km, từ Grodno (Belarus) đến khu vực Kaliningrad. Lầu Năm Góc luôn coi Hành lang Suwalk là điểm dễ tổn thương nhất của NATO và muốn bảo vệ khu vực này. Và căn cứ quân sự Ba Lan sẽ khá phù hợp để thực hiện mục đích này.
Nhận xét về căn cứ quân sự Mỹ tại Ba Lan, trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Ba Lan, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước này Tomasz Shatkovsky nhấn mạnh, một căn cứ như vậy không chỉ có ảnh hưởng về mặt chính trị-chiến lược trong kế hoạch phòng vệ lâu dài, mà còn có ảnh hưởng đáng kể về mặt quân sự. Ba Lan sẽ nhanh chóng nhận được quân tiếp viện trong tình huống bị tấn công. Ông cũng nói thêm: “ Khi đó, Ba Lan sẽ không còn được coi là một quốc gia vùng đệm. Và điều này sẽ có tác động đáng kể đến cảm giác an ninh cũng như các khía cạnh kinh tế, quan trọng đối với Ba Lan, Mỹ và toàn bộ NATO”.
Tuy nhiên, nếu đề xuất của Ba Lan được Mỹ chấp thuận thì Washington và Warsaw sẽ vi phạm “ Đạo luật sáng lập Nga-NATO”, được các bên ký kết vào năm 1997. Trong Đạo luật này, NATO đã cam kết không triển khai binh lính dọc biên giới Nga trên cơ sở thường trực.
Ủy viên Ủy ban Hội đồng Liên bang về Quốc phòng và An ninh Nga Franz Klintsevich nhấn mạnh, các binh sĩ Mỹ đang hiện diện tại Ba Lan trên cơ chế luân chuyển không đặt ra một mối đe dọa cho Nga. Bởi vì họ làm nhiệm vụ phục vụ cơ sở hạ tầng, đảm bảo việc bố trí các vũ khí tấn công, giám sát sân bay. Còn cựu phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính trị Nga PIR-Center Yevgeny Buzhinsky cho rằng, Nga có thể phải đối mặt với mối đe dọa về sự xuất hiện của tên lửa tầm trung và tầm ngắn gần biên giới nước này mà việc triển khai chúng được quy định bởi Hiệp ước vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF). " Nếu tại Ba Lan có căn cứ quân sự Mỹ và nếu Washington rút khỏi Hiệp ước INF thì có khả năng người Mỹ sẽ triển khai những vũ khí đó ở căn cứ của họ”, ông cảnh báo./.
Theo Thùy Linh/Quân đội Nhân dân