“Tôi rất tự hào khi trở thành một thành viên trong gia đình tàu ngầm. Và tôi đã sẵn sàng ra ngoài một lần nữa,” Harmonie, chuyên gia bảo mật 27 tuổi trên tàu Le Vigilant, người vừa trở về từ chuyến đi dài 10 tuần trên tàu ngầm cho biết.
Pháp đã trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Anh) đưa các thủy thủ nữ lên tàu ngầm hạt nhân, những con tầu hoạt động lâu hơn ở các vị trí cô lập hơn các tàu truyền thống.
|
Karen,một trong bốn nữ sỹ quan tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Pháp. Ảnh: Reuters |
Các quan chức hy vọng sự góp mặt của 4 nữ thủy thủ sẽ truyền cảm hứng cho toàn thủy thủ đoàn.
Tàu ngầm là binh chủng cuối cùng của Hải quân Pháp không có sự phục vụ của phụ nữ vì lo ngại liên quan tới những sự hy sinh bắt buộc trong những nhiệm vụ dài ngày cũng như khó khăn trong việc sắp xếp nơi sinh hoạt trong một môi trường không gian chật hẹp.
Toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 110 người trên tàu ngầm Vigilant chỉ tiếp xúc với thế giới bên ngoài mỗi tuần một lần qua một tin nhắn ngắn gọn vẻn vẹn 40 từ được gửi tới từ các thành viên gia đình của họ.
Tàu ngầm hạn chế tối đa việc liên lạc qua sóng vô tuyến và duy nhất chỉ có thuyền trưởng mới biết điểm đến của con tàu và những chi tiết khác trong mỗi nhiệm vụ. “Tàng hình và bảo mật” là khẩu hiệu của hạm đội tàu ngầm Pháp.
|
Tàu ngầm hạt nhân của Pháp |
Camille, nữ thủy thủ tàu ngầm 29 tuổi, mới gia nhập biên chế tàu Vigilant, cho biết “Điều khác biệt ở đây, so với một con tàu bình thường, là sự kết nối một chiều với thế giới bên ngoài. Hai tháng rưỡi sống dưới nước là điều có thể, và thật thú vị!".
Cô và 3 người phụ nữ khác đã phải trải qua 2 năm đào tạo chuyên môn để có được vị trí của mình trên tàu.
Pauline, bác sĩ 31 tuổi của con tàu, đã phải rèn luyện nâng cao kỹ năng phẫu thuật và nha khoa của mình để tránh xảy ra bất kỳ trường hợp nào buộc phải chuyển cấp cứu khẩn cấp làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ của con tàu.
"Điều đó chắc chắn mang đến cho bạn một chút lo lắng, bởi vì bạn là bác sĩ duy nhất trên tàu và mang trên mình rất nhiều trách nhiệm" cô nói.
Và khi đã trở thành sỹ quan, những người phụ nữ này cũng có phòng riêng của mình với phòng tắm liền kề bên cạnh. Ngoài ra không cần thêm những bố trí đặc biệt khác.
Dẫu vậy, việc đưa phụ nữ lên các tàu ngầm hạt nhân khác của Pháp không phải là điều nhất thiết phải làm, vì tàu ngầm có kích thước nhỏ hơn tàu thường rất nhiều nên rất khó tái cấu trúc cho đoàn thủy thủ hỗn hợp. Pháp đang thiết kế những tàu ngầm chiến đấu thế hệ mới dành cho thủy thủ đoàn gồm cả nam và nữ.
Những nữ thủy thủ vẫn đang học hỏi, rút kinh nghiệm và tiến bộ từng ngày. Họ phải cố gắng để vượt qua những khó khăn, như: phải xa nhà nhiều ngày, cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình.
Tất nhiên, mọi việc vẫn đang tiến triển tốt, và cùng với tiến trình đó là một cuộc tuần tra tiếp theo vào mùa thu với sự góp mặt của các nữ thủy thủ đoàn đã được lên kế hoạch.
Theo HK/Tiền Phong