Quân đội Trung Quốc sẽ không khai hỏa trước
Đây được xem là động thái thận trọng của Bắc Kinh tìm cách giảm leo thang căng thẳng với Hoa Kỳ ở Biển Đông, các nguồn thạo tin nói với báo SCMP.
Hiện tại, cả hai nước Trung Quốc và Mỹ đều tăng cường hoạt động tại các vùng biển tranh chấp, làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ việc vượt ngoài tầm kiểm soát, nhưng Bắc Kinh không muốn để cho phe hiếu chiến của Mỹ có cơ hội leo thang thêm.
|
Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc. |
Các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã ra lệnh cho các phi công và sĩ quan hải quân thực hiện kiềm chế trong các cuộc đụng độ ngày càng thường xuyên với máy bay và tàu chiến Mỹ. Trong khi đó, các chi tiết khác đã xuất hiện về cuộc điện đàm giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước vào tuần trước.
Cuộc gọi yêu cầu đàm phán lần đầu tiên được đề xuất bởi phía Hoa Kỳ khoảng "một tháng trước đó" nhưng ban đầu đã được đón nhận lạnh nhạt ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết lãnh đạo Trung Quốc sau đó đã thay đổi ý định và quyết định tiếp cận khi căng thẳng leo thang ở các vùng Biển Đông và Hoa Đông tiếp tục gia tăng.
Tháng trước, Mỹ đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay gồm hàng không mẫu hạm USS Nimitz và hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, để tập trận gần các khu vực Trung Quốc đang chiếm đóng trên Biển Đông cũng như thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên không vào ban đêm hiếm hoi gần các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến của Trung Quốc trong những tuần gần đây.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân và các nhiệm vụ tầm xa xung quanh Đài Loan và khu vực Biển Đông nhạy cảm.
Bất chấp những lời lẽ cứng rắn của dư luận Trung Quốc khi coi các nhóm tấn công của tàu sân bay Mỹ là “những con hổ giấy”, các nguồn tin cho biết, quân đội của Bắc Kinh vẫn cảnh giác với các cuộc đụng độ bất ngờ.
Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh đã liên lạc thông qua "nhiều kênh khác nhau" với Mỹ rằng họ đã yêu cầu quân đội của mình "không bao giờ nổ súng trước" trong một cử chỉ thiện chí để giữ tình hình trong tầm kiểm soát.
|
Hai hạm đội tàu sân bay Mỹ hoạt động trên Biển Đông trong tháng 7/2020. |
“Thật dễ dàng để đưa ra lệnh nổ súng, nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể kiểm soát được hậu quả. Tình hình hiện nay rất căng thẳng và rất nguy hiểm ”, người này nói.
Ông này cho biết thêm rằng quân đội Trung Quốc là một "lực lượng quân sự khác" so với thời điểm năm 2001 - ám chỉ sự cố trên vùng trời đảo Hải Nam khi một máy bay tình báo Mỹ va chạm với một máy bay chiến đấu của PLA.
Trong vụ việc này, Phi công Wang Wei của Trung Quốc đã thiệt mạng và máy bay Mỹ buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam. Các thủy thủ đoàn cuối cùng đã được thả sau khi Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố thận trọng về vụ việc.
“Ngày nay, quân đội Trung Quốc đã phát triển nhiều biện pháp đối phó. Người Mỹ sẽ không thể để quay trở về nguyên vẹn nếu một tai nạn như vậy xảy ra một lần nữa.
Nhưng, chúng tôi rất rõ ràng rằng quân đội Trung Quốc sẽ chỉ đáp trả bằng vũ lực khi coi đó là phương sách cuối cùng, khi mọi thứ khác đã thất bại." – nguồn tin nói với SCMP.
Một nguồn tin khác cho biết hai bên đã thiết lập các giao thức để xử lý các cuộc chạm trán quân sự nhưng những thỏa thuận này cần được cập nhật để phản ánh tình hình mới nhất.
Nguồn tin không nói rõ liệu điều này có được hai bộ trưởng quốc phòng Mark Esper và Ngụy Phượng Hòa thảo luận trong cuộc điện đạm ngày 6 tháng 8 hay không.
Trung Quốc và Mỹ đã thiết lập hiệp định tham vấn hàng hải quân sự vào năm 1998 để tránh tai nạn trong các cuộc chạm trán gần.
Năm 2014, hai nước đã đồng ý về sáng kiến thông báo cho nhau về các hoạt động quân sự lớn và quy tắc ứng xử cho các cuộc chạm trán giữa hải quân nói riêng và quân sự nói chung.
Nhưng trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ngày càng trở nên quyết liệt hơn trong các luận điệu chống lại Trung Quốc, nhắm thẳng vào thể chế chính trị của Bắc Kinh và tuyên bố rằng chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc trước đây là "một thất bại".
Chiến thuật ngôn từ của lãnh đạo Trung Quốc đã thay đổi
|
Ông Vương Nghị khi trả lời phỏng vấn hãng Tân Hoa xã. |
Ngoài việc gia tăng các hoạt động ở Biển Đông, Mỹ cũng đã chính thức bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, nói rằng chúng là "bất hợp pháp" và đe dọa tự do hàng hải.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo ngại về an ninh, khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói với quan chức trong Bộ Chính trị của nước này vào cuối tháng trước rằng “các yếu tố không chắc chắn và không ổn định” là một mối đe dọa ngày càng tăng đối với Trung Quốc.
Nhưng trong những tuần gần đây, các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã thay đổi giọng điệu, có vẻ như họ đã chuyển sang giai đoạn đấu tranh một cách khôn khéo và kêu gọi đối thoại để kiềm chế rủi ro.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng chọn cách tiếp cận hòa giải hơn khi thảo luận về Biển Đông trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã vào tuần trước.
Khi đó ông Vương Nghị đã không đề cập đến “đường chín đoạn”, vạch rõ yêu sách của Trung Quốc đối với 90% vùng biển tranh chấp.
Thay vào đó, ông Vương Nghị nói rằng “Biển Đông là ngôi nhà chung của các quốc gia trong khu vực” nhưng không nên là “nơi tranh giành chính trị quốc tế”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn cáo buộc Mỹ đã vi phạm cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp của Bắc Kinh với các bên tranh chấp khác ở Biển Đông và cáo buộc rằng Washington đang tìm cách thúc đẩy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á theo hướng xấu.
Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi "đối thoại thẳng thắn và hiệu quả" để kiểm soát xung đột, nhưng nói rằng họ sẽ kiên quyết bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia” – tức yêu sách đòi chủ quyền đối với toàn bộ diện tích Biển Đông mà ông Vương Nghị đã khôn khéo về mặt kỹ thuật không nhắc đến nữa trong bài phỏng vấn với Tân Hoa xã.
Theo Bình Nguyên/Báo Giao thông