|
Người Niger biểu tình ở thủ đô Niamey để phản đối hiện diện quân sự của Mỹ ngày 13/4. (Ảnh: Reuters)
|
Các nhà lãnh đạo mới của quốc gia Tây Phi này yêu cầu Mỹ rút gần 1.000 nhân viên quân sự khỏi Niger. Trước khi cuộc đảo chính diễn ra năm ngoái, Niger vẫn là đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, lực lượng Nga sử dụng một khu nhà riêng tại Căn cứ Không quân 101, cạnh sân bay quốc tế Diori Hamani ở Niamey, thủ đô của Niger.
Điều này đưa quân đội Nga và Mỹ đến gần nhau hơn, vào thời điểm sự cạnh tranh ngoại giao và quân sự giữa hai quốc gia ngày càng gay gắt vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Nó cũng đặt ra câu hỏi về số phận của các cơ sở Mỹ sau khi rút quân.
“(Tình hình) không nghiêm trọng và trong thời gian ngắn có thể quản lý được”, vị quan chức cho biết.
Mỹ và các đồng minh buộc phải rút quân khỏi một số quốc gia châu Phi, khi các chính quyền mới lên nắm quyền sau đảo chính muốn tránh xa phương Tây. Ngoài việc sắp rời Niger, quân đội Mỹ cũng đã rời Chad trong những ngày gần đây, trong khi lực lượng Pháp phải rời khỏi Mali và Burkina Faso.
Trong khi đó, Mátxcơva đang mở rộng vị thế ở châu Phi, nơi Nga được coi là một quốc gia thân thiện, không có quá khứ thuộc địa ở lục địa này.
Trong những năm gần đây, Mali trở thành một trong những đồng minh châu Phi thân cận nhất của Nga. Lực lượng quân sự tư nhân Wagner đang hiện diện ở đó để chống lại quân nổi dậy thánh chiến.
Vị quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Niger thông báo với chính quyền của Tổng thống Joe Biden việc khoảng 60 quân nhân Nga sẽ có mặt ở Niger.
Sau cuộc đảo chính Niger, quân đội Mỹ đã chuyển một số lực lượng của họ ở Niger từ Căn cứ Không quân 101 đến Căn cứ Không quân 201 ở thành phố Agadez. Chưa rõ còn thiết bị quân sự nào mà Mỹ vẫn để ở Căn cứ Không quân 101 hay không.
Mỹ xây dựng Căn cứ Không quân 201 ở miền trung Niger với chi phí hơn 100 triệu USD. Từ năm 2018, nơi đây được sử dụng để tấn công các nhóm Jama'at Nusrat al-Islam wal Muslimeen (JNIM) và chi nhánh của al Qaeda bằng máy bay không người lái.
Quyết định của Niger yêu cầu Mỹ rút quân được đưa ra sau cuộc họp ở Niamey hồi giữa tháng 3, khi các quan chức cấp cao của Mỹ nêu lo ngại về sự xuất hiện của lực lượng Nga và thông tin Iran đang tìm kiếm nguyên liệu thô ở nước này, bao gồm uranium.
Vị quan chức cho biết, dù thông điệp của Mỹ gửi tới Niger không phải là tối hậu thư, nhưng rõ ràng lực lượng Mỹ không thể hiện diện ở cùng căn cứ với lực lượng Nga.
Quan chức này nói: “Họ đã không làm tốt điều đó”.
Một vị tướng của Mỹ đã được cử đến Niger để cố gắng thu xếp cuộc rút quân chuyên nghiệp và có trách nhiệm.
Mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra về tương lai của quân đội Mỹ tại Niger, nhưng vị quan chức này cho biết trước mắt lực lượng này sẽ trở về căn cứ của Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, đặt tại Đức.
Theo Tú Linh/Tiền phong