"Sát thủ vô hình" trong cuộc xung đột Nga-Ukraine

Google News

Xung đột Nga-Ukraine là cuộc chiến lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến 2 và hình thức tác chiến đã thay đổi rất nhiều từ khi lực lượng Đồng minh đánh bại quân Đức Quốc xã.

Mặc dù các bên tham chiến vẫn sử dụng chiến thuật, thậm chí khí tài quân sự có từ Thế chiến 2, chẳng như máy bay phản lực và tên lửa vác vai nhưng đã có sự xuất hiện của hình thức tác chiến không gian mạng và tác chiến điện tử.

Các hệ thống tác chiến điện tử Palantin-K EW của Nga trong một cuộc diễn tập ở vùng Voronezh, Nga năm 2021. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tác chiến điện tử

Tác chiến mạng và tác chiến điện tử đều đóng vai trò thiết yếu trong cuộc chiến ở Ukraine. Tác chiến điện tử đặc biệt quan trọng trên các chiến trường hiện đại và đang được áp dụng rộng rãi. Bộ Quốc phòng Mỹ định nghĩa tác chiến điện tử là những hoạt động quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối phương. Nó có thể ảnh hưởng đến mọi thiết bị điện tử và có thể được thực hiện từ trên mặt đất, trên không, trên biển, đất liền hoặc trong không gian.

Tác chiến điện tử được chia thành 3 lĩnh vực chính. Trước hết là tấn công điện tử: sử dụng năng lượng điện từ để phá vỡ hoặc làm gián đoạn việc sử dụng phổ điện từ của đối phương. Thứ 2, phòng thủ điện tử: bảo vệ sự tiếp cận của các lực lượng thân thiện với phổ điện từ. Thứ 3, hỗ trợ tác chiến điện tử: xác định và liệt kê các phát xạ điện tử từ lực lượng thân thiện hoặc từ đối phương để cho phép tấn công hoặc phòng thủ.

Một ví dụ nổi bật của chiến tranh điện tử ở Ukraine là đánh chặn hoặc làm gián đoạn liên lạc điện tử. Trong lĩnh vực này, Nga được cho là có lợi thế vượt trội so với Ukraine bởi từ trước đến nay, Nga vẫn được xem là quốc gia hàng đầu thế giới về năng lực tác chiến điện tử. Theo một quan chức tình báo của Ukraine, “Nga đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng khi làm gián đoạn nỗ lực do thám và liên lạc của các chỉ huy với quân đội”. Quan chức này cho rằng, Moscow đã “gây nhiễu” máy thu GPS trên những máy bay không người lái mà Ukraine sử dụng để xác định vị trí và bắn pháo vào mục tiêu của đối phương.

Trong khi đó, quân đội Nga thường sử dụng các phương tiện bọc thép hạng nặng để chuyên chở hệ thống tác chiến điện tử. Nhưng những phương tiện này rất dễ bị phát hiện bằng mắt thường và bằng thiết bị điện tử. Máy bay không người lái của Ukraine có thể phát hiện chúng thông qua video và thu nhận tín hiệu điện tử của chúng.  

Ông Herm Hasken, cựu chuyên gia mật mã tại Bộ Tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt Mỹ, cho biết: “Điều này có thể khiến chúng bị tấn công ngay lập tức vì chúng được coi là những mục tiêu có giá trị cao”. Ukraine cũng được cho là nhắm mục tiêu vào các hệ thống tên lửa phóng loạt của Nga.

Tác chiến không gian mạng

Ngoài tác chiến điện tử, tác chiến trong không gian mạng cũng được áp dụng trong cuộc chiến. Dù có vai trò nhỏ hơn nhưng hình thức này đã tạo ra nhiều ảnh hưởng trước và trong quá trình xung đột nổ ra.

Tác chiến không gian mạng được sử dụng để làm gián đoạn hoặc làm mất quyền truy cập mạng Internet của đối phương. Vũ khí không gian mạng có nhiều dạng, trong đó có việc sử dụng mã độc xóa dữ liệu wiper để xóa dữ liệu khỏi máy tính của đối phương, tấn công website, làm thay đổi giao diện hiển thị của một trang web hoặc thực hiện cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán để người dùng không thể sử dụng tài nguyên của một máy tính. Nga bị cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công vào các trang web và mạng lưới thông tin của Ukraine trong thời gian qua.

Trong khi đó, Ukraine nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến không gian mạng cũng như trong cung cấp thông tin tình báo. Thời gian gần đây, Mỹ tiết lộ rằng nước này đã thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến. Phát biểu với Sky News, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng của Mỹ - Tướng Paul Nakasone nói rằng: “Mỹ đã tiến hành một loạt hoạt động trong lĩnh vực không gian mạng bao gồm tấn công, phòng thủ và hoạt động thông tin”.

Ông Nakasone không nêu thông tin chi tiết về các hoạt động đó hoặc nói rõ các mục tiêu nhưng Nhà Trắng cho biết, họ không vượt qua ranh giới mà Tổng thống Joe Biden đã đặt ra nhằm tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Moscow./.

Theo Hồng Anh/VOV