Starstreak được sản xuất trở lại sau hơn 10 năm
Thales, gã khổng lồ công nghệ và quốc phòng của Pháp, đang tái khởi động việc sản xuất Starstreak lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, sau khi Ukraine sử dụng các hệ thống phòng không siêu tốc này để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga.
Động thái của Thales là ví dụ mới nhất cho thấy nhu cầu vũ khí ở Ukraine, kết hợp với việc tăng chi tiêu quân sự của các nước phương Tây, đang làm hồi sinh các dây chuyền sản xuất từng bị suy tàn.
Tuy nhiên, Thales cho biết quá trình tái khởi động sản xuất Starstreak có thể mất hơn 1 năm. Điều đó cũng cho thấy mức độ phức tạp của việc sản xuất vũ khí và các vấn đề chuỗi cung ứng trong toàn ngành đang làm chậm quá trình tái vũ trang của phương Tây trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang gia tăng.
Giám đốc điều hành Thales, ông Patrice Caine cho biết, nhiệm vụ tổng thể là thúc đẩy sản xuất vũ khí: “Sẽ mất một chút thời gian để đặt hàng, sản xuất và giao những tên lửa này”.
“Tuy nhiên, thời gian tổng thể của quá trình sản xuất sẽ khá dài”, ông Caine nhấn mạnh. Một vấn đề là cần phải làm là xây dựng các kho linh kiện.
Starstreak sẽ được sản xuất tại nhà máy của Thales ở Belfast, Bắc Irealand. Đây cũng là nơi đang tăng cường sản xuất 2 loại vũ khí quan trọng khác cho Ukraine, trong đó có 1 loại tên lửa chống tăng đã giúp Kiev phá hủy hàng chục xe tăng Nga trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Starstreak được thiết kế vào những năm 1980 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đi vào hoạt động trong thập kỷ sau đó. Kể từ đó tới nay, loại vũ khí này đã được xuất khẩu khắp thế giới từ Belfast, nơi chu kỳ sản xuất cuối cùng của nó được thực hiện vào năm 2012.
Năm 2022, chính phủ Anh đã gửi cho Ukraine một lô tên lửa [Starstreak] từ kho dự trữ như một phần của gói viện trợ hàng nghìn tên lửa đất đối không.
Giám đốc điều hành Thales cho biết, công ty hiện đang khởi động lại việc sản xuất Starstreak trong bối cảnh mối quan tâm đến loại vũ khí này ngày càng tăng. Đơn đặt hàng ban đầu là nhằm bổ sung nguồn cung cấp cho Vương Quốc Anh nhưng số lượng tên lửa không được tiết lộ. Cả Thales và Bộ Quốc phòng Anh đều từ chối bình luận về giá cả của loại vũ khí này.
Starstreak là duy nhất trong số các hệ thống phòng không di động. Tên lửa có thể tăng tốc lên hơn Mach 3 trong tích tắc trước khi phóng 3 mũi tên dẫn đường bằng laser về phía mục tiêu. Nó có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 6km.
Theo công ty tình báo quốc phòng Janes, tên lửa do Anh sản xuất có tốc độ nhanh hơn biến thể chính Stinger – tên lửa phòng không di động do tập đoàn Raytheon Technologies của Mỹ sản xuất. Stinger có thể đạt tốc độ lên tới Mach 2,9.
Trong khi Stinger là tên lửa tầm nhiệt, Starstreak là tên lửa được dẫn đường bằng tia laser. Khuyết điểm của loại tên lửa này là người bắn phải theo dõi mục tiêu, nhưng điều đó giúp cho Starstreak không bị các biện pháp gây nhiễu hay các biện pháp đối phó và né tránh khác của đối phương đánh lừa. Chúng có thể đánh trúng các mục tiêu nhỏ hơn và tỏa ít nhiệt hơn.
Những thách thức mới trong chuỗi cung ứng
Cuộc xung đột ở Ukraine đang thúc đẩy việc xem xét lại nhiều chương trình vũ khí. Ông Caine cho biết, Thales cũng đang xem xét khởi động lại dây chuyền sản xuất đạn 120mm, được sử dụng trong súng cối và xe tăng, vốn đã không còn hoạt động trong 10 năm qua. Ukraine đã “rút cạn” kho đạn pháo do Mỹ và các đồng minh nắm giữ.
BEA Systems của Anh cho biết họ đang xem xét khởi động lại việc sản xuất lựu pháo M777. Việc sử dụng lựu pháo này trên chiến trường Ukraine đã khiến nhiều khách hàng một lần nữa quan tâm tới chúng.
Dù vậy, BAE cũng đã cảnh báo, việc tái khởi động sản xuất sẽ mất thời gian dài. Công ty cần tìm một nhà cung cấp titan mới cũng như nhiều linh kiện khác nhau. Người phát ngôn của BAE cho biết công ty vẫn đang đánh giá khả năng khởi động lại việc sản xuất.
Nhiều công ty trong ngành công nghiệp vũ khí cho biết họ vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, chip máy tính, động cơ tên lửa, nhiên liệu tên lửa, cũng như chi phí cao hơn.
Hơn một nửa các chương trình mua sắm quốc phòng lớn của Mỹ đã bị trì hoãn vào năm 2022 do sự gián đoạn của nhà cung cấp và các vấn đề khác.
Nhà sản xuất vũ khí Raytheon đã phải thiết kế lại một số bộ phận của tên lửa Stinger khi nhận được đơn đặt hàng đầu tiên sau gần hai thập kỷ vào năm 2021. Một số bộ phận được sử dụng trong các phiên bản trước đây hiện không còn được sản xuất.
Thales cũng phải đối mặt với thách thức đảm bảo quy trình sản xuất tuân thủ các quy định hiện hành. Ví dụ, quy trình sản xuất của Starstreak trước đây đã sử dụng một số hóa chất hiện bị cấm, ông Alex Cresswell, Giám đốc điều hành chi nhánh của Thales tại Vương quốc Anh cho biết.
Một phiên bản của Starstreak cũng sẽ được sản xuất tại Ấn Độ theo một phần thỏa thuận đạt được trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Tại cơ sở của Thales ở Belfast, việc nối lại sản xuất tên lửa Starstreak sẽ làm dày thêm lịch trình sản xuất vốn đã bận rộn.
Một phát ngôn viên của Thales tại đây cho biết nhà máy đang làm việc để lấp đầy một số kho dự trữ tên lửa đa năng hạng nhẹ (LMM) của Anh. Loại tên lửa tầm ngắn này được Anh gửi tới Ukraine vào năm 2022.
Nhà máy ở Belfast cũng là lắp ráp hệ thống tên lửa chống tăng NLAW với các thành phần do Saab của Thụy Điển thiết kế.
NLAW đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Kiev trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Theo phát ngôn viên quân đội Ukraine, khi các lực lượng nước này đã sử dụng chúng nhắm vào các đoàn xe tăng Nga tiến vào thành phố.
Saab cho biết, kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, họ đã nhận được các đơn đặt hàng NLAW mới trị giá khoảng 400 triệu USD từ Anh, Phần Lan và Thụy Điển.
Theo Hoàng Phạm/VOV