Khởi đầu bằng mua thiết kế nước ngoài
Sau chiến tranh Triều Tiên, các lực lượng vũ trang Hàn Quốc (ROK) chủ yếu sử dụng vũ khí nhỏ dư thừa của Mỹ như khẩu M1 Garands và M2 carbines, mặc dù những vũ khí này hoàn toàn không phù hợp với quân đội Hàn Quốc. Không chỉ có vũ khí cầm tay, suốt trong một thời gian dài, phần lớn các vũ khí của ROK sử dụng đều do Mỹ sản xuất; được mua trực tiếp từ Mỹ hoặc được trao cho ROK thông qua các chương trình viện trợ quân sự khác nhau.
Bắt đầu từ cuối những năm 1960, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Park Chung-hee luôn khuyến khích phát triển ngành công nghiệp quốc phòng độc lập, có thể tự sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội, tránh việc phải phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí của nước ngoài và tương lai có thể xuất khẩu.
|
Súng trường tiến công K2 |
Hàn Quốc bắt đầu tự lực sản xuất vũ khí bằng cách mua bản quyền từ các công ty Mỹ; Tập đoàn sản xuất vũ khí Colt của Mỹ đã cấp phép sản xuất súng trường tiến công M16 cho Hàn Quốc để thay thế những khẩu M1 Garands cho lực lượng vũ trang Hàn Quốc.
Vào ngày 31/3/1971, ROK và Mỹ đã ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất súng trường tiến công; thỏa thuận ủy quyền cho Daewoo Precision Industries Ltd (là công ty nội địa của Hàn Quốc) được ký hợp đồng sản xuất 1.166.000 khẩu M16A1 và hợp đồng sản xuất kết thúc vào năm 1984.
Hợp đồng này đã cho Daewoo kinh nghiệm cần thiết trong thiết kế và sản xuất; tuy nhiên Tổng thống Park muốn phát triển hơn nữa khả năng của công nghiệp quốc phòng trong nước, đã ra lệnh phát triển một mẫu súng trường tiến công của riêng Hàn Quốc, tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc vào vũ khí Mỹ.
Đến tự lực nghiên cứu, phát triển
Năm 1972, các kỹ sư của Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc đã bắt đầu Chương trình Súng trường XB, mục đích là chế tạo một mẫu súng trường tiến công theo thông số kỹ thuật và đặc điểm của Hàn Quốc; sau khi phân tích những điểm mạnh yếu của khẩu M16A1 (nhất là qua cuộc chiến tranh Việt Nam) đã quyết định lấy mẫu súng trường tấn công AR-18 của nhà thiết kế vũ khí người Mỹ Eugene Stoner làm cơ sở thiết kế (Stoner cũng là cha đẻ của khẩu AR-15/ M16A1).
AR-18 là một mẫu súng trường tiến công tiên tiến, sử dụng nguyên lý lên đạn bằng trích khí ngắn và khóa nòng xoay; khẩu súng của Hàn Quốc không sử dụng nguyên lý này mà sử dụng thiết kế trích khí dài, được sao chép từ khẩu AK47 của Liên Xô. Khóa an toàn kiêm chọn chế độ bắn nằm bên phải thân súng, có thể sử dụng dễ dàng bằng ngón tay phải mà tay không phải rời vòng cò; có 4 chế độ đó là: vị trí khóa an toàn; vị trí bắn phát một; vị trí liên thanh 3 viên và chế độ hoàn toàn tự động.
|
Cấu tạo bên trong của khẩu K2 |
Súng trường của Hàn Quốc là một thiết kế không mới, nhưng đã tiếp thu được những ưu điểm của các loại súng trường tiến công nổi tiếng khi đó như khóa nòng xoay kiểu M16A1, loa che lửa của khẩu Stoner 63; thoi đẩy về và lò xo hồi vị kiểu AK47, tay kéo khóa nòng và khóa an toàn kiểu FN FAL.
Súng có chiều dài nòng 465 mm, cỡ nòng 5,56 mm, sử dụng đạn theo tiêu chuẩn của khối NATO (5,56×45mm), hộp tiếp đạn 30 viên, sơ tốc đầu đạn khoảng 920 mét/giây; tầm bắn hiệu quả từ 460 tới 600 mét (tùy từng phiên bản) và tầm bắn tối đa lên tới 2.400 mét. Tốc độ bắn lý thuyết của súng khoảng 750 phát/phút; tốc độ bắn chiến đấu 100 phát/phút; trọng lượng của súng là 3,27 kg, tương đương với các loại súng trường 5,56 mm khác của NATO.
Chiều dài của súng là 980 mm; khi gấp báng súng ở tư thế hành quân, chiều dài giảm xuống còn 730 mm, rất phù hợp với các lực lượng đặc nhiệm tác chiến trong môi trường hẹp hoặc các lực lượng đổ bộ đường không.
Súng sử dụng bộ phận ngắm cơ khí với tầm ngắm từ 300 đến 800 m như của khẩu M16A1; những phiên bản cải tiến sử dụng kính ngắm quang học.
Súng được đặt tên là K2 và được đưa vào phục vụ chính thức trong ROK từ năm 1984; một ưu điểm của súng là được chế tạo phần lớn bằng phương pháp dập kim loại, có sử dụng nhiều bộ phận bằng nhựa độ bền cao; đánh giá tổng thể súng rất chắc chắn và có giá thành chế tạo rẻ, có thể sản xuất hàng loạt lớn khi có nhu cầu quốc phòng.
Súng trường K2 cũng được trang bị lưỡi lê để chiến đấu cận chiến, lưỡi lê tương tự như lê của dòng M16. Bên cạnh đó, K2 cũng có thể lắp súng phóng lựu dưới nòng 40 mm kiểu K201; đây là phiên bản M203 được sản xuất theo giấy phép tại Hàn Quốc.
|
Binh lính Hàn Quốc luyện tập với súng trường K2 |
Súng trường tiến công K2 được giới quân sự đánh giá là kết tinh của nhiều trường phái vũ khí trên thế giới; súng có khả năng bắn chính xác của khẩu M16A1, độ tin cậy của khẩu AK47 và mức độ chắc chắn của khẩu FN FAL.
Sau khi được chấp nhận đưa vào biên chế, đã có hàng trăm nghìn khẩu K2 được sản xuất và phần lớn được trang bị cho các binh sĩ ROK; mặc dù hiện tại, ROK vẫn đang còn trang bị một lượng tương đối lớn súng M16A1 cũ hơn; tuy nhiên một điểm thuận lợi đó là 2 loại súng này đều sử dụng chung đạn của nhau; hình dáng cũng không quá khác biệt nên binh sĩ ROK có thể dễ dàng sử dụng cả khẩu K2 và M16A1 mà không cần phải có những đào tạo riêng biệt cũng như dễ dàng trong công tác đảm bảo đạn dược.
Ngoài phiên bản K2, còn có phiên bản K1 tương tự như K2, nhưng có nòng ngắn hơn và báng súng có thể gập vào. Khẩu K1 có tầm bắn hiệu quả 250 mét, phần lớn được trang bị cho lực lượng tăng, thiết giáp, đổ bộ đường không và lực lượng đặc biệt vì tính năng nhỏ gọn.
Nhiều tiềm năng cải tiến
Đầu những năm 2000, công ty S&T Motiv (công ty con của Tập đoàn Deawoo) đã bắt đầu nâng cấp khẩu K2 để hướng tới việc tích hợp nhiều phụ kiện theo xu hướng bắt đầu xuất hiện trên súng trường tiến công của Mỹ và NATO. Ốp lót tay kiểu cũ bị tháo bỏ, thay vào đó là ốp có ray Picatinny để lắp các phụ kiện như kính ngắm, đèn pin…Những khẩu súng nâng cấp này được đặt tên là K2A.
Một trong những cải tiến đáng chú ý đó là súng trang bị kính ngắm điểm đỏ được sản xuất trong nước; các ray có khả năng gắn các đèn chỉ thị mục tiêu bằng laser. Khẩu K2A sau khi nâng cấp, có tính năng không hề kém các loại súng trường tiến công hiện đại của phương Tây.
Đầu những năm 1980, Quân đội Mỹ đưa ra Chương trình vũ khí cá nhân của tương lai (OICW), nhằm phát triển súng trường tấn công thế hệ tiếp theo, mục đích thay thế cho khẩu M16 nhiều tranh cãi. OICW yêu cầu một loại súng có khả năng như súng trường tấn công; đồng thời có thể tiêu diệt được các mục tiêu ẩn nấp sau công sự bằng loại đạn nổ trên không như súng phóng lựu, nhưng với mức độ chính xác cao hơn nhiều.
|
Súng trường K2 với súng phóng lựu 40 mm kiểu K201 |
Các nhà thiết kế vũ khí Mỹ đã đề xuất giải pháp kết hợp tính năng của súng trường tiến công và súng phóng lựu vào trong một thiết kế duy nhất. Mẫu súng mới có tên XM29 OICW; đây là một khẩu súng lai kết hợp hệ thống súng trường tấn công 5,56 mm thông thường với súng phóng lựu 20 mm.
Điều này đã thúc đẩy Hàn Quốc phát triển vũ khí của riêng mình giống như của OICW; kết quả là họ đã chế tạo ra khẩu K11. Về cơ bản, đây là khẩu súng trường K2 kết hợp với súng phóng lựu 25 mm, tuy nhiên khẩu K11 có cấu tạo rất phức tạp, súng được trang bị máy tính đường đạn, máy đo xa laser và bắn đạn có ngòi nổ điện tử được lập trình. Tính năng này cho phép xạ thủ K11 điều chỉnh ngòi nổ đạn lựu, dễ dàng tiêu diệt các mục tiêu sau khối chắn. Trong khi OICW cuối cùng đã bị hủy bỏ vì quá đắt đỏ, phức tạp, nặng nề và kém hiệu quả, thì khẩu K11 đã được trang bị cho bộ binh Hàn Quốc (trong phạm vi hẹp), làm tăng đáng kể hỏa lực của lực lượng bộ binh.
Bước sang thế kỷ XXI, việc chế tạo vũ khí nhỏ của riêng một quốc gia không còn là chuẩn mực mạnh mẽ của sức mạnh quân sự; ví dụ như Pháp, một cường quốc quân sự hiện đang nhập khẩu súng trường mới của Đức cho quân đội của mình và có vẻ như Anh cũng sẽ theo Pháp, sau năm 2030 sẽ sử dụng súng trường tấn công của nước ngoài cho quân đội của mình.
Với hoàn cảnh lịch sử, việc thiết kế và trang bị khẩu súng trường tiến công K2 là một cột mốc quan trọng đối không chỉ với quân đội mà với cả nền công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc. Mặc dù theo yếu tố thời gian, khẩu súng này đã dần lạc hậu, nhưng nền tảng thiết kế hiện đại của nó vẫn còn nhiều tiềm năng để nâng cấp. Với năng lực công nghiệp quốc phòng hiện tại của Hàn Quốc, khẩu K2 không chỉ đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang Hàn Quốc mà còn hướng tới xuất khẩu và chắc chắn là trong tương lai, Hàn Quốc sẽ không phải nhập khẩu vũ khí của nước ngoài cho quân đội của mình như trong thập niên 50 đến 70 của thế kỷ XX.
Theo Trịnh Ngọc Tiến/Báo quân khu 7