Ý tưởng thành lập binh chủng vũ trụ được Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra từ giữa năm 2018 tuy nhiên tới thời điểm hiện tại với "đội quân" thứ 6 của Quân đội Mỹ mới chính thức hình thành. Và theo Cơ quan nghiên cứu chiến lược Mỹ - RAND việc Lầu Năm Góc hay bản thân Tổng thống Trump muốn xây dựng binh chủng vũ trụ xuất phát từ những nguyên nhân đưới đây.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và sắc lệnh thành lập binh chủng Vũ trụ Mỹ, một nhánh quân sự độc lập và là binh chủng thứ 6 của Quân đội Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Nhất thể hóa lực lượng phòng thủ không gian
Thứ nhất: Việc thành lập binh chủng Vũ trụ sẽ giúp Quân đội Mỹ khắc phục hạn chế cơ cấu tổ chức chỉ huy phân tán. Theo thống kê của RAND, tính đến tháng 2/2017, Lầu Năm Góc đang biên chế gần 60 cơ quan đầu mối trực thuộc chịu trách nhiệm đối với các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực hàng không vũ trụ. Đây rõ ràng là một sự lãng phí nguồn nhân lực cũng như chồng chéo về cơ chế chỉ huy.
Theo đó, các chức năng, nhiệm vụ tác chiến vũ trụ như giám sát vũ trụ, chi viện đường không, phóng vệ tinh, khống chế chỉ huy đường không sẽ do các cơ quan thuộc Cục phòng thủ tên lửa đường đạn chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược và lập kế hoạch, trong khi đó thực hiện nhiệm vụ tác chiến thực tế lại do 3 quân chủng là Hải, Lục, Không quân đảm nhận theo từng hướng chiến trường phụ trách.
Chính vì vậy, việc thành lập một lực lượng tác chiến chuyên trách sẽ giúp Quân đội Mỹ khắc phục được việc cơ cấu chỉ huy phân tán, qua đó giúp nâng cao năng lực tác chiến trong môi trường tác chiến này hơn.
|
Chiến đấu cơ F-35 thuộc lực lượng Không quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
Giúp Tổng thống Trump dễ dàng kiểm soát quân đội
Thứ hai: Việc thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ thực sự là một chiến lược tốt đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhiều chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, với chiến lược “chia để trị”, ông Trump sẽ kiểm soát tốt hơn đối với từng lực lượng vũ trang, đồng thời qua đó giúp ông nâng cao vị thế của tổng thống trong giới chức lãnh đạo quân đội cũng như binh sĩ.
Nâng cao năng lực phòng thủ không gian
Thứ ba: Nâng cao năng lực tiến công nhanh trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng chính là một trong các tư tưởng chiến lược được Tổng thống Trump đề ra trước đây. Theo đó, Mỹ sẽ dùng mọi biện pháp từ sử dụng tên lửa đường đạn xuyên lục địa cho tới vũ khí ngoài không gian để tiến công nhanh phủ đầu đối phương, qua đó nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho Mỹ và đồng minh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích quân sự lo ngại, chiến lược mới này của Mỹ sẽ đẩy nhiều quốc gia khác chạy đua vũ trang theo Mỹ, điều này sẽ khiến môi trường hòa bình thế giới bị đe dọa.
|
Các quân binh chủng hiện có trong biên chế các Lực lượng Vũ trang Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
Duy trì vị thế cường quốc quân sự số 1 thế giới
Thứ tư: Về cơ bản việc thành lập binh chủng vũ trụ sẽ giúp Mỹ mở rộng lực lượng quân sự, duy trì vị thế bá chủ thế giới. Trong tương lai dài hạn, việc thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ sẽ giúp Quân đội Mỹ chiếm quyền kiểm soát trên không tuyệt đối, đây chính là chiến lược lâu dài được giới lãnh đạo chính trị, quân sự Mỹ xác định.
Trước đây, ngay từ những năm 1960, Mỹ đã xây dựng chiến lược đường không vũ trụ, theo thời gian chiến lược này đã có nhiều lần điều chỉnh nhưng vẫn đảm bảo tư tưởng xuyên suốt đó là phải xây dựng được một lực lượng tác chiến vũ trụ mạnh, đủ sức bảo đảm an ninh quốc gia trong mọi tình huống.
Sau khi Tổng thống Trump lên nhận chức, ông tiếp tục hối thúc chính quyền đương nhiệm đẩy mạnh chiến lược tác chiến vũ trụ với mong muốn đưa Mỹ trở thành nước bá chủ trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
Mời độc giả xem video: Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu vì sao nước Mỹ cần tới binh chủng vũ trụ. (nguồn CNN)
Lam Ngọc