Tại sao Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa quân đội?

Google News

Với tổng số 2,8 triệu binh sĩ, bao gồm cả lục quân, hải quân và không quân – quân đội Trung Quốc (PLA) có số lượng công dân mặc đồng phục cao gấp đôi so với Mỹ.

Tuy nhiên, theo National Interest, giới lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhận ra rằng quân số đông là một cản ngại cho mục tiêu phát triển một lực lượng hiện đại. Ngay cả khi Hải quân Giải phóng quân Nhân dân (PLAN) trở thành lực lượng hải quân lớn nhất trên thế giới, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hướng tới hiện đại hóa chứ không chỉ là số lượng.

Tai sao Trung Quoc tiep tuc hien dai hoa quan doi?
 Tiêm kích J-10 của quân đội Trung Quốc.
Tuần trước, NBC News đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa quân đội.

"Hãy cho thế giới biết rằng 'người dân Trung Quốc hiện nay có tổ chức và không thể bị coi thường'", ông Tập nói trong một bài phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân, trích lời Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bài phát biểu của ông Tập được đưa ra nhân kỷ niệm 70 năm ngày triển khai quân đội Trung Quốc đến bán đảo Triều Tiên để giúp bảo vệ Triều Tiên trước liên minh mang danh Liên hợp quốc do Mỹ dẫn đầu hỗ trợ Hàn Quốc trong cuộc xung đột 1950-1953. Tháng 10 năm 1950, chí nguyện quân PLA vượt sông Áp Lục ở biên giới với Triều Tiên trong khi Liên Xô cung cấp thêm lực lượng phòng không.

Trong cuộc xung đột, khoảng hai triệu quân Trung Quốc đã giao tranh với các lực lượng do Mỹ dẫn đầu. Xung đột kết thúc trong bế tắc và trong khi một hiệp định đình chiến đã được ký kết thì chiến tranh Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, cuộc chiến đã cho thế giới thấy khả năng chiến đấu của PLA.

"Sau những trận chiến gian khổ, quân đội Trung Quốc và Triều Tiên, được trang bị vũ khí tận răng, đã đánh bại đối thủ, phá vỡ huyền thoại về sự bất khả chiến bại của quân đội Mỹ, và buộc những kẻ xâm lược phải ký hiệp định đình chiến vào ngày 27 tháng 7 năm 1953", ông Tập giải thích và nói thêm rằng những nỗ lực hiện đại hóa quân đội hiện nay là rất quan trọng đối với Bắc Kinh và cả nước Trung Quốc. "Không có quân đội mạnh, không thể có đất mẹ mạnh mẽ."

Trong tháng này, ông Tập cũng đã đến thăm một căn cứ của PLA ở tỉnh Quảng Đông và khuyến khích lực lượng lính thủy đánh bộ đóng tại đó dành "tâm trí và sức lực" để "chuẩn bị cho chiến tranh", "duy trì trạng thái cảnh giác cao độ" và "tuyệt đối trung thành , hoàn toàn trong sáng và hoàn toàn đáng tin cậy. "

Đó cũng là phương cách đe dọa chiến tranh ở cấp độ cao nhất.

Căng thẳng gia tăng trong những tuần gần đây khi Washington thông qua thương vụ bán khí tài quân sự trị giá 1,8 tỷ USD cho Đài Loan. Kế hoạch bán hàng quân sự cho nước ngoài (FMS) đã được phê duyệt chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và đã được trình lên Quốc hội Mỹ từ Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc vào thứ Tư.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đến London vào tháng Bảy để "xây dựng một liên minh" chống lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc đọ sức giữa Mỹ với Trung Quốc đang diễn ra trên nhiều mặt - từ Biển Đông đến lĩnh vực không gian mạng. Mới tuần trước, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã đưa ra một cảnh báo rằng các tổ chức được nhà nước Trung Quốc bảo trợ đã gia tăng các cuộc tấn công vào các công ty Mỹ, bao gồm cả những công ty hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ. NSA cảnh báo rằng một trong những mối đe dọa lớn đối với hệ thống an ninh quốc gia Mỹ, công nghiệp quốc phòng Mỹ, và thậm chí cả các mạng thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn là các tin tặc ở Trung Quốc làm việc theo lệnh của Bắc Kinh.

Rõ ràng, Trung Quốc đã học được rằng không phải số lượng nam giới mặc đồng phục mới là yếu tố quan trọng, mà là khả năng tham gia vào nhiều lĩnh vực của họ. Trong khi Bắc Kinh chắc chắn có thể chi tiêu hơn cả Liên Xô trước đây, câu hỏi đặt ra là họ có thể thu được gì cho những nỗ lực hiện đại hóa của mình.

Theo Anh Minh/Tiền Phong