So với các tàu ngầm tấn công thông thường sử dụng động cơ diesel-điện, tàu ngầm tấn công hạt nhân có hiệu suất hoạt động vượt trội hơn hẳn, khi nó không còn phụ thuộc vào sự đẩy không khí, do đó tàu ngầm không nhất thiết phải nổi lên mặt nước thường xuyên.
Mặt khác, với nguồn năng lượng khổng lồ từ lò phản ứng hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân có thể vận hành tốc độ cao trong một thời gian dài, và thời gian tiêu thụ nhiên liệu cũng được mở rộng, chỉ trừ trường hợp phải tiếp tế đồ ăn.
|
Tàu ngầm tấn công hạt nhân một trong bộ ba vũ khí răn đe chiến lược của các cường quốc. Ảnh: Military.com. |
Chính vì lợi thế này, tàu ngầm tấn công hạt nhân thường được trang bị các loại vũ khí tấn công từ chiến thuật cho đến chiến lược.
Hiện tại các cường quốc quân sự trên thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ... đều phát triển các hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân đông đảo bên cạnh các tàu ngầm tấn công thông thường.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân có gì đặc biệt?
Do thuộc loại vũ khí răn đe chiến lược nên các tàu ngầm hạt nhân tấn công thường có lượng giãn nước lớn. Việc trọng tải lớn sẽ giúp cho chúng mang được nhiều loại vũ khí, trang bị, các hệ thống sona thủy âm, hệ thống trinh sát, hệ thống thu thập thông tin tình báo....
Theo đó, tàu ngầm lớp Yasen-M của Nga có lượng giãn nước khoảng 13.800 tấn, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ có lượng giãn nước 16.764 tấn, tàu ngầm lớp Typhoon của Nga có lượng giãn nước lên tới 45.000 tấn, tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn của Trung Quốc có lượng giãn nước khoảng 10.000 tấn.
Với khả năng hoạt động bí mật ở độ sâu lớn, các tàu ngầm hạt nhân tấn công thường mang theo nhiều loại vũ khí có sức mạnh hỏa lực cao để tạo ưu thế răn đe chiến lược. Ví dụ, tàu ngầm lớp Typhoon của Nga được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm, 2 ống phóng ngư lôi 659mm, 20 ống phóng tên lửa đạn đạo RSM-52 với mỗi tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân. Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ mang được 40 quả tên lửa đạn đạo Trident II, 154 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, 8 ngư lôi Mk-48.
Các tàu ngầm hạt nhân của Nga, Mỹ có khả năng tàng hình rất cao, chúng có thể hoạt động dài ngày trên biển mà không cần nổi lên mặt nước để tiếp nhiên liệu hoặc cung ứng hậu cần. Ví dụ, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ được thiết kế theo hình con cá nhằm giảm tiếng ồn phát ra khi di chuyển đồng thời giúp tàu di chuyển nhanh hơn do giảm lực cản của nước. Bên cạnh đó, các thiết bị có thể gây ra tiếng ồn được đặt ở khu vực cách âm và gia cố thêm đai giảm chấn. Đồng thời, các giếng phóng hạt nhân được đặt dọc thân tàu để giảm tiếng ồn đến từ dòng chảy dưới đáy đại dương.
|
Tàu ngầm hạt nhân lớp Typhoon của Nga. Ảnh: Lenta |
Tàu ngầm hạt nhân Nga-Mỹ mang theo gì khi đi biển?
Để thực hiện được nhiệm vụ uy hiếp chiến lược, tàu ngầm hạt nhân tấn công của các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc thường được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau như: Ngư lôi, tên lửa hành trình, tên lửa chống ngầm phóng từ dưới nước, thủy lôi tự hành trình, phương tiện lặn tác chiến không người lái và tên lửa phòng không phóng từ tàu ngầm.
- Ngư lôi hạng nặng: ngư lôi hạng nặng chống tàu ngầm/tàu nổi cho đến nay vẫn là hệ thống vũ khí cơ bản trang bị cho tàu ngầm hạt nhân tấn công của các nước.
Ưu thế của ngư lôi hạng nặng đó là ít bị các hệ thống thám trắc bằng rađa, hồng ngoại, quang học mà tàu nổi đối phương thường dùng đều không thể phát hiện ra ngư lôi tiến công do tín hiệu sóng điện từ mà ngư lôi phát ra dưới nước bị phân tán.
Bên cạnh đó, uy lực của phần đầu đạn ngư lôi 533mm khá mạnh kết hợp với phát nổ dưới nước tạo ra siêu áp lực gây ra hiệu ứng hủy diệt cực lớn đối với kết cấu tàu chiến mặt nước.
|
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ. Ảnh: US Navy |
-Tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo: Các loại tên lửa trang bị trên tàu ngầm hạt nhân được chia thành hai loại là tên lửa chống hạm và tên lửa tiến công mục tiêu trên bộ.
Những tên lửa này có thể được phóng từ ống phóng ngư lôi hoặc ống phóng thẳng đứng chuyên dụng riêng. Trong đó, hệ thống phóng thẳng chuyên dụng có tần suất phóng nhanh, kích cỡ tên lửa không bị hạn chế, số lượng tên lửa dự trữ không bị ảnh hưởng bởi số lượng ngư lôi. Hiện nay, hệ thống phóng thẳng đứng chuyên dụng được dùng khá phổ biến để phóng tên lửa hành trình.
Hải quân Mỹ bắt đầu lắp đặt hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng chuyên dụng trên tàu ngầm cải tiến lớp Los Angeles, bố trí thành 3 hàng, 12 ống phóng bên ngoài vỏ thép chịu áp lực phía đầu tàu ngầm, mỗi hàng 4 ống phóng
tên lửa hành trình Tomahawk. Trong khi đó, tàu ngầm lớp Ohio được thiết kế 7 hàng, mỗi hàng 22 ống phóng tên lửa Tomahawk và 2 khoang vận chuyển, do đó mỗi tàu ngầm lớp Ohio phóng được 154 quả tên lửa Tomahawk.
|
Tên lửa Tomahawk. Ảnh: Wikipedia |
- Tên lửa chống ngầm: Tiêu biểu cho loại tên lửa này là tên lửa chống ngầm Subroc của Hải quân Mỹ. Do tốc độ ngư lôi khá chậm, khi mục tiêu cách xa, sử dụng ngư lôi tiến công rất có thể bở lỡ cơ hội tiêu diệt mục tiêu, thậm chí khiến chính tàu ngầm cũng bị đe dọa.
Vì vậy, tên lửa chống ngầm phóng từ dưới nước đã ra đời. Loại tên lửa này khi phóng lên khỏi mặt nước không khác gì tên lửa chống hạm được phóng từ ống phóng ngư lôi. Khi tên lửa lên cao, sau khi bay đến khu vực mục tiêu lại phóng ra một quả ngư lôi chống tàu ngầm hạng nhẹ rồi lại bay xuống nước, mở bộ tự điều khiển bằng âm thanh để tìm tàu ngầm đối phương.
- Phương tiện không người lái: Từ những năm 1980, các nước Anh, Mỹ, Pháp đã bắt đầu coi trọng nghiên cứu chế tạo và ứng dụng phương tiện lặn tác chiến không người lái. Hiện nay Mỹ đã phát triển được hơn 10 loại phương tiện không người lái phóng từ tầu ngầm hạt nhân có kết cấu, kích thước khác nhau. Tàu ngầm hạt nhân mang theo máy lặn không người lái có thể dùng để rà phá thủy lôi, trinh sát tầm xa, tiếp sức thông tin liên lạc giữa các tàu ngầm, thông tin vệ tinh, hoặc cũng có thể dùng trực tiếp tác chiến.
Mời độc giả xem video: Khám phá bên trong một tàu ngầm tấn công hạt nhân của Hải quân Mỹ. (nguồn Nation)
Lam Ngọc