Ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, ngoại trừ Việt Nam có duy trì một số lượng lớn tên lửa phòng không, các quốc gia khác đều không "mặn mà" với loại khí tài này. Báo Kiến Thức xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Shangsu Wu, đăng tải trên tờ The Diplomat về vấn đề này.
Các loại máy bay chiến đấu đang trở thành một gánh nặng về kinh tế cho nhiều quốc gia – trong đó có cả các nước Đông Nam Á. Giá thành cao, kèm theo chi phí đào tạo phi công và lực lượng phục vụ, chưa kể đến việc duy trì hoạt động và nâng cấp, cùng với tính dễ tổn thương khi đậu trên mặt đất … là những vấn đề làm đau đầu các quốc gia sở hữu máy bay chiến đấu.
Trong bối cảnh đó, các loại tên lửa đất đối không (Surface-to-Air Missiles) được xem như một lựa chọn khác phù hợp hơn với các quốc gia Đông Nam Á - vốn không quá dư dả tiền bạc. Mặc dù hầu hết các nước ở khu vực này đều đã sở hữu một vài phi đội máy bay chiến đấu thế hệ mới, song kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, các quốc gia này đều chỉ mua sắm rất hạn chế loại khí tài đắt đỏ này.
Một số nhỏ các máy bay chiến đấu hiện đại khó có thể đảm bảo ngăn chặn các cuộc xâm nhập của đối phương vào không phận rộng lớn của một quốc gia. Mặt khác, các phi đội máy bay quý giá này thường được tập trung tại một hoặc một vài căn cứ không quân - khiến chúng dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công bất ngờ - nhất là từ các cường quốc bên ngoài khu vực. Vì những gánh nặng tài chính, một số quốc gia như Campuchia hay Lào thậm chí đã từ bỏ hoàn toàn khả năng sử dụng các máy bay chiến đấu của mình.
|
Tổ hợp tên lửa phòng không S-75 được Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ - Nguồn ảnh: TTT |
So với máy bay chiến đấu thì tên lửa phòng không là lựa chọn hợp lý hơn nếu xét về khía cạnh chi phí cho cơ sở vật chất và nhân lực. Do không phải phụ thuộc vào đường băng hay các hạ tầng phục vụ cồng kềnh, nên tên lửa phòng không sẽ khó bị tê liệt bởi các cuộc tấn công phủ đầu của kẻ địch.
Kích thước nhỏ gọn cũng cho phép tên lửa phòng không có thể được ngụy trang dễ dàng, cũng như được bảo vệ trong hầm trú ẩn. Không những vậy, tên lửa phòng không còn là phương pháp tác chiến phi đối xứng có tính kinh tế để vô hiệu hóa máy bay địch, đặc biệt có hiệu quả khi chống lại các lực lượng không quân khu vực, vốn khó chấp nhận được những tổn thất lớn.
Bởi vậy, tên lửa phòng không có thể thay thế máy bay chiến đấu trong một số nhiệm vụ chiến đấu, qua đó giải phóng các máy bay quý giá cho một số nhiệm vụ quan trọng như chặn kích, hộ tống, trinh sát và tuần tra trên biển. Hơn thế nữa, việc hợp nhất giữa các tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu cho phép tạo thành lưới lửa phòng không với sức mạnh tổng hợp.
Việc sử dụng tên lửa phòng không đã có tiền lệ từ lâu ở khu vực Đông Nam Á. Trong chiến tranh Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận được nhiều tổ hợp tên lửa S-75 và S-125 của Liên Xô, cùng với hàng ngàn đạn tên lửa để tạo thành một hệ thống phòng không tinh vi chống lại lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới của Hoa Kỳ.
Tương tự như vậy, ngay từ thập niên 1960, các tổ hợp tên lửa Bloodhound của Anh và S-75 của Liên Xô cũng đã được triển khai lần lượt tại Singapore và Indonesia. Trong những năm 1980 và thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, nhiều loại tên lửa phòng không - đặc biệt là tên lửa vác vai (MANPAD) - đã xuất hiện trong khu vực.
Song song với các loại tên lửa phòng không, quân đội các quốc gia Đông Nam Á cũng duy trì một số loại pháo phòng không với vai trò phụ trợ. Tuy nhiên, năng lực phòng không hiện tại của khu vực Đông Nam Á được xem là không đủ để bổ sung cho không quân.
|
Các bệ phóng tên lửa Bloodhound của Anh |
Hiện nay, hầu hết các loại tên lửa phòng không ở vùng Đông Nam Á chỉ là loại vác vai, do vậy chỉ giữ vai trò giới hạn ở mức chiến thuật. Mặc dù các tên lửa MANPAD trong tay lực lượng Mujahideen đã định hình lại cả cuộc chiến tranh Afghanistan chống lại Liên Xô trong thập niên 1980. Thế nhưng, tầm bắn ngắn của tên lửa vác vai không cho phép chống lại các mục tiêu tầm cao, cũng như bất lực trước hầu hết các loại tên lửa tấn công hàng không.
Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung như loại Rapier của Anh hay Spyder của Israel cho phép bảo vệ tốt hơn cho các lực lượng quân sự và các căn cứ quan trọng, nhưng không đủ sức mạnh hỏa lực để bao phủ một khu vực rộng lớn, hoặc đánh trả máy bay địch ở cự ly trên 30km. Hiện nay, chỉ có Việt Nam là duy trì một số nhỏ các tiểu đoàn tên lửa S-300 cho phép phòng không trên một phạm vi rộng lớn có bán kính hàng trăm km. Nhờ có tầm bắn xa, S-300 trở nên rất giá trị trong việc chống lại máy bay chiến đấu đối phương ở tầm xa.
|
Một xe mang phóng tên lửa thuộc tổ hợp tên lửa phòng không S-300 trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam |
Nhìn chung, có nhiều dư địa cho các nước Đông Nam Á phát triển hệ thống phòng không của mình. Tuy nhiên, những lý do như phạm vi lãnh thổ, sự nhạy cảm về chính trị và sự thiếu linh hoạt của tên lửa phòng không đã ngăn cản các quốc gia Đông Nam Á tăng cường biên chế loại vũ khí này. Ngoài các tổ hợp tên lửa phòng không, việc tích hợp nhiều loại cảm biến và nhiều đơn vị khác nhau vào một chuỗi thống nhất cũng đặt ra một thách thức về công nghệ và kinh tế cho các lực lượng vũ trang trong khu vực.
Đối với những quốc gia có lãnh thổ rộng lớn như Indonesia, việc xây dựng một hệ thống phòng không toàn diện bao phủ phần lớn bầu trởi là hoàn toàn bất khả thi. Trong bối cảnh đó, máy bay chiến đấu vẫn phải giữ vai trò trụ cột của hệ thống phòng không, và tên lửa phòng không chỉ được sử dụng để tăng cường hỏa lực ở từng khu vực cụ thể. Khả năng phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời cũng đặt ra vấn đề trong việc sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa.
Ngoài một vài ngọn núi cao gần bờ biển để đặt radar cảnh giới, các tên lửa phòng không sẽ phải dựa vào các máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) để giám sát không gian. Những loại máy bay có chức năng cảnh báo sớm và chỉ huy hỏa lực trên không thường rất đắt đỏ, dễ tổn thương và đòi hỏi phải có máy bay hộ tống trong thời chiến.
|
Bắn thử tên lửa phòng không cải tiến S-125-2TM ở Việt Nam |
Đối với những quốc gia nhỏ như Singapore và Brunei, việc dựa vào lưới lửa phòng không của tên lửa có thể sẽ khả thi. Tuy nhiên, các dải hỏa lực của tên lửa phòng không sẽ trùm lên các nước láng giềng, gây ra những căng thẳng chính trị mà có thể không mang lại lợi ích cho an ninh quốc gia. Đối với các quốc gia khác trong khu vực, việc triển khai tên lửa phòng không tại các vùng lãnh thổ đang tranh chấp có thể được xem như hành vi khiêu khích.
Cuối cùng, trong khi máy bay chiến đấu được thiết kế cho nhiều mục đích như trinh sát, đánh chặn các máy bay không xác định, chống tàu và bảo vệ mặt đất, thì tên lửa phòng không gần như chỉ có một chức năng duy nhất. Trong thời bình, các máy bay chiến đấu có sự linh hoạt hơn so với tên lửa phòng không, cho phép các chỉ huy quân sự - cũng như các nhà lãnh đạo chính trị đưa ra quyết định. Về mặt kỹ thuật, tên lửa phòng không chỉ có thể bắn tiêu diệt mục tiêu, chứ không thể có bất cứ lựa chọn nào khác với cường độ thấp hơn (như bắn cảnh cáo hay gây hư hại nhẹ).
Trên cơ sở những ưu và khuyết điểm đó, tên lửa phòng không có lẽ sẽ khó trở thành lực lượng chủ đạo của một quân đội trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế khu vực tiếp tục gặp khó khăn, thì các tên lửa phòng không - nhất là các loại tên lửa ác vai hay loại tầm ngắn - sẽ là giải pháp nhanh chóng và kinh tế hơn các máy bay chiến đấu để tăng cường khả năng phòng không của các quốc gia, nhất là khi phải đối đầu với một kẻ địch mạnh. Nói cách khác, tên lửa phòng không có thể là một chỉ số hữu ích để đánh giá mức độ nhận thức của các nước Đông Nam Á về những mối đe dọa từ bên ngoài.
Thanh Hoa