Theo các thông báo ban đầu của cả hai phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến đợt giao hàng đầu tiên gồm những thành phần cơ bản của tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf sẽ được tiến hành vào ngày 10/7.
Cách đây vài hôm thậm chí còn xuất hiện thông tin cho rằng đã có cấu kiện đầu tiên của hệ thống S-400 được đưa tới Ankara, tuy nhiên sau đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cho biết công việc vẫn đang trong giai đoạn tiến hành theo kế hoạch.
|
Các cấu kiện của tổ hợp phòng không S-400 được cho là đã có mặt trên 2 chiếc An-124 Ruslan |
Trong diễn biến mới nhất, tài khoản Twitter có tên Trung tá Temmuz đã đăng tải một số bức ảnh về quá trình được anh ta chú thích là Nga bắt đầu đưa các cấu kiện của tên lửa S-400 lên 2 máy bay vận tải hạng nặng An-124 Ruslan từ chiều hôm qua, nếu không có gì thay đổi thì hàng đã đến nơi.
Nếu thông tin trên được xác thực thì đây có thể coi như cái kết về thương vụ mua sắm vũ khí đình đám và gây nhiều ồn ào nhất trong suốt thời gian qua, khi sau nhiều nghi ngờ thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm sở hữu S-400 bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cần lưu ý thêm rằng trước đó có rất nhiều ý kiến đánh giá của các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng việc Ankara hỏi mua S-400 chỉ là đòn gió nhằm ép Mỹ phải bán cho họ các tổ hợp phòng không chuyên đánh chặn tên lửa đạn đạo là PAC 3 hoặc THAAD mà thôi.
Gần đây nhất thậm chí còn xuất hiện thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách rút chân khỏi hợp đồng S-400 này để nhận các gói cứu trợ kinh tế từ Mỹ nhằm nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi cơn suy thoái đã kéo dài.
|
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc nhận được tổ hợp phòng không tầm xa S-400 Triumf |
Mặc dù thương vụ mua sắm tên lửa phòng không S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xem như đã hoàn thành nhưng dư âm của hợp đồng này chắc chắn sẽ còn kéo dài và chưa thể sớm chấm dứt, khi Mỹ gần như chắc chắn sẽ đình chỉ việc bàn giao các tiêm kích F-35 Lighting II cho Ankara cũng như loại họ khỏi chuỗi cung ứng.
Chưa dừng lại đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn đứng trước nguy cơ bị đình chỉ việc hỗ trợ kỹ thuật nhằm bảo dưỡng, duy trì tình trạng kỹ thuật các loại vũ khí có nguồn gốc Mỹ mà điển hình là phi đội tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon.
Ngoài ra Ankara sẽ có rất nhiều việc phải làm trong tương lai để duy trì quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ, bởi bên cạnh quân sự thì họ còn gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế của Mỹ, sẽ là thảm họa nếu có thêm đòn đánh không liên quan đến lĩnh vực quốc phòng.
Theo Tùng Dương/baodatviet