Phòng ngự bằng tên lửa
Sau năm 1945, Liên Xô là quốc gia tích cực nhất trong việc phát triển hệ thống tên lửa phòng không SAM – hệ thống đầu tiên ra đời là S-25 Berkut, được dẫn đường bằng radar (tên gọi Nato là SA-1 “Guild”). Nóng lòng muốn tự bảo vệ mình khỏi các cuộc không kích hạt nhân của Mỹ, Liên Xô tiếp tục đa dạng hóa các hệ thống SAM của mình trong những năm sau đó, bao quát tất cả mọi tầm xa và tầm cao, trong đó có hệ thống SA-3 “Goa” tầm thấp và các hệ thống cơ động tầm xa như là SA-4 “Ganef”.
Tên lửa S-75 Dvina, thường được biết đến với tên gọi NATO là SA-2 “Guideline”, là loại tên lửa đất đối không hoạt động ở tầm trung đến tầm cao. Tên lửa này ra mắt lần đầu vào năm 1958, sau đó trở thành thứ vũ khí phòng không chủ đạo của Liên Xô trong khoảng từ thập kỷ 1960 đến thập 1980.
|
Tên lửa phòng không SA-2. Ảnh: AUS.
|
Tuy nhiên sau khi trải qua các chương trình nâng cấp lớn định kỳ, loại tên lửa này chỉ còn phục vụ tích cực với số lượng ít ở Liên bang Nga và một vài nước khác. SA-2 là loại tên lửa phòng không có kích thước khá lớn, cao đến 10,8m – vì thế trong Chiến tranh Việt Nam, nó thường được các phi công Mỹ mệnh danh là “cột điện bay”. Nó có tầm bắn xa là 50 km và độ cao hoạt động hiệu quả lên đến 28km, được vận hành bởi một động cơ tên lửa hai tầng. Tên lửa chứa đầu đạn 195kg với thuốc nổ mạnh (HE), có thể kích hoạt khi tiếp xúc, gần đích, hoặc theo lệnh, tuỳ thuộc vào loại ngồi nổ.
Sức nổ từ đầu đạn này có khả năng phá huỷ hoặc là hư hại một máy bay trong bán kính sát thương thông thường là 65m. Các quả tên lửa SA-2 được vô tuyến dẫn đường tìm đến các mục tiêu bằng các tín hiệu phát ra từ một ra-đa chỉ huy tên lửa làm việc song song cùng với các hệ thống cảnh báo sớm.
Trong chiến đấu
Tên lửa SA-2 của Liên Xô thường được vận hành theo nhóm 6 quả tên lửa, với tốc độ Mach 3 là loại vũ khí phòng không đáng gờm. Năm 1960, Mỹ chứng kiến tầm bắn kinh ngạc của nó. Vào ngày 1/5, một chiếc máy bay gián điệp U-2, do Gary Powers lái đã bị bắn rơi trên bầu trời Sverdlovsk, Nga, trong khi đang bay ở trần bay rất cao.
Một chiếc U-2 khác cũng bị bắn rơi khi đang bay ở Cuba vào tháng 10/1962. Thế nhưng Mỹ sẽ chỉ được nếm trải toàn bộ sức mạnh của SA-2 trên bầu trời Việt Nam, khi chúng ta được sự hỗ trợ của Liên Xô đã xây dựng được một hệ thống phòng không tinh nhuệ bậc nhất trên thế giới.
|
Ảnh minh họa. Ảnh: Slio.
|
Các phi công Mỹ khi tấn công vào bầu trời miền bắc đã vấp phải sự chống trả quyết liệt từ những quả tên lửa SA-2 của lực lượng phòng không ta. Thực ra thì các phi công Mỹ có thể dễ dàng qua mặt các tên lửa nếu họ phát hiện ra được chúng sớm, và loại máy bay chống phòng không như chiếc F-4G Wild Weasel đã sử dụng tín hiệu phát ra từ radar dẫn đường của tên lửa SA-2 để không kích chính xác vào các bệ phóng của SAM.
Việc bay ở tầm trung và cao trở nên nguy hiểm bởi hỏa lực của tên lửa SA-2, máy bay của Mỹ buộc phải bay ở những độ cao thấp hơn, nơi chúng hứng chịu những tổn hại nặng nề bởi hỏa lực từ các loại vũ khí phòng không thông thường.
|
Một trận địa tên lửa phòng không SA-2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Flickr.
|
SA-2 cũng được sử dụng trong một số các cuộc xung đột ở Trung Đông, và người ta ước tính đã có tổng cộng khoảng 13.000 quả tên lửa phòng không được phóng ra kể từ khi chúng được đưa vào xử dụng. Các tên lửa SA-2 góp phần đại diện cho một thời kỳ phòng không thay đổi - thời kỳ mà để sống sót trên không, chiến tranh điện tử cũng trở nên thiết yếu không kém gì so với các kỹ năng bay chiến thuật.
Mời độc giả xem Video: Cận cảnh tên lửa S-75 bắn thử tiêu diệt mục tiêu bay.
Tuấn Anh