Cán bộ, nhân viên Nhà máy Z119, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ gọi Thiếu tá Trần Đức Thiện - Trợ lý Kỹ thuật với cái tên thân mật: Kỹ sư trẻ say mê sáng tạo. Đam mê kỹ thuật từ nhỏ, lớn lên được học tập đúng chuyên ngành Ra đa, anh đã mày mò nghiên cứu, sáng tạo và sở hữu gần 20 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
|
Thiếu tá Trần Đức Thiện bên một số sản phẩm do anh tham gia thiết kế, chế tạo. |
Bước vào phòng chế thử của Nhà máy Z119, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc rất nghiêm túc. Với dáng người gầy nhỏ, lại bị che lấp bởi các thiết bị, máy móc xung quanh, nên mãi tôi mới nhận ra Thiếu tá Trần Đức Thiện đang cặm cụi trong một góc khuất của căn phòng. Khuôn mặt anh đăm chiêu lấm tấm mồ hôi, đôi mắt không rời khỏi các mảng mạch, linh kiện điện tử; hai bàn tay thoăn thoắt thực hiện các thao tác: Chọn, hàn, đo, điều chỉnh… với các linh kiện, dụng cụ và thiết bị máy móc chuyên dùng trên mặt bàn. Phát hiện ra sự có mặt của tôi, Thiện hồ hởi khoe: “Mảng xử lý đa năng B12IP112 của ra đa 1L13-3 sử dụng công nghệ FPGA được chế thử thành công rồi các anh ạ! Tới đây thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng sẽ thuận lợi cho công việc nhiều lắm”.
Thiếu tá Trần Đức Thiện cho biết, trong quá trình sửa chữa nhiều lần mảng xử lý đa năng B2IP112 trên ra đa 1L13-3 hiện nay không còn mảng mạch dự phòng. Trong khi đó việc đảm bảo vật tư sửa chữa hết sức khó khăn do khan hiếm các chủng loại linh kiện, có loại không còn sản xuất. Đây là một vấn đề hết sức nan giải cho nhà máy. Mảng B2IP112 bảo đảm tất cả các chức năng tính toán số học cho hệ thống xử lý của đài ra đa 1L13-3, nếu không có nó thì đài coi như vô dụng.
Trước khó khăn đó, Thiện đã trăn trở, tìm tòi, học hỏi ở nhiều nơi. Cuối cùng, anh nảy ra suy nghĩ liệu có thể sử dụng công nghệ mới hiện nay để thiết kế chế tạo mảng này được không? Thử đi, thử lại nhiều lần đều thất bại, cuối cùng anh đã tìm ra được phương án thích hợp. Đó là sử dụng công nghệ FPGA để chế tạo khối xử lý đa năng và ứng dụng công nghệ Asíc để thiết kế mảng. Với công nghệ này, mảng B2IP112 chế tạo mới sử dụng 100% linh kiện có sẵn trên thị trường và có tính năng kỹ, chiến thuật tương đương mảng mạch do Liên Xô sản xuất trước đây. Thành công của đề tài hoàn toàn có thể giúp Nhà máy chủ động trong đảm bảo các linh kiện thay thế và dự phòng.
Nói về Trần Đức Thiện, ai cũng nhận xét anh là một kỹ sư trẻ năng nổ, nhiệt tình, xông xáo; đặc biệt là người đam mê nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật. Chưa đầy 10 năm (từ năm 2009 đến năm 2018) về nhận công tác tại Nhà máy, hàng loạt các đề tài nghiên cứu, chế thử của anh đã ra đời như: Card thu thập và truyền dữ liệu ra đa theo phương pháp mã hóa đường truyền; Mảng xử lý đa năng 2BIP112 cho ra đa 1L13-3 sử dụng công nghệ FPGA; Bộ chuyển đổi phương vị góc cho ra đa P18; Thiết bị sửa chữa đơn các mảng chức năng cho ra đa 1L13- 3… và gần đây là đề tài “Thiết bị phối ghép ra đa cải tiến P-18M và ra đa PRV-16 tạo hệ thống chỉ thị mục tiêu 3 tọa độ.
Những đề tài trên đều được cấp trên đánh giá cao, áp dụng hiệu quả trong thực tế, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng, đáp ứng kịp thời yêu cầu tiến độ sản xuất của nhà máy, góp phần bảo đảm kịp thời cho công tác sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị.
Đại tá Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Nhà máy, cho biết: “Các đề tài, sáng kiến của Thiếu tá Trần Đức Thiện không chỉ kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc về công tác sửa chữa khắc phục hỏng hóc trên khí tài ra đa mà còn rút ngắn thời gian thực hiện công việc và tiết kiệm cho nhà máy hàng trăm triệu đồng”.
Theo LẠI THẾ THỦY/Phongkhongkhongquan