Thiếu vũ khí, Ukraine dùng cả hải pháo thời Liên Xô để chống UAV

Google News

Do thiếu vũ khí phòng không, Quân đội Ukraine phải sử dụng cả những khẩu pháo trang bị trên tàu chiến từ thời Liên Xô, ra đời cách đây 70 năm, biến thành vũ khí hỏa lực phòng không để chống lại UAV của Nga.

Thieu vu khi, Ukraine dung ca hai phao thoi Lien Xo de chong UAV

Hải pháo pháo 2M-3 của Liên Xô được Quân đội Ukraine cải tiến đưa lên xe Kamaz 6×6 thành pháo phòng không. Nguồn bulgarianmilitary 

Tờ Bulgarian Military cho biết, một hình ảnh hấp dẫn đã xuất hiện trên mạng xã hội Ukraine, cho thấy một cảnh tượng đáng chú ý trên chiến trường, khi một chiếc xe tải Kamaz 6×6 của Quân đội Ukraine, được trang bị tháp pháo hải quân 2M-3 với các khẩu pháo 25 mm, ra đời từ đầu thập niên 1950.

Loại vũ khí “độc đáo” này, là một ví dụ khác về vũ khí phòng không, nhằm để chống máy bay không người lái, được sinh ra từ yêu cầu chiến đấu và do việc thiếu hụt nghiêm trọng các loại vũ khí tương ứng của Ukraine hiện nay.

Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine giống như một bức tranh cho vô số sự “sáng tạo ngẫu hứng” trên chiến trường. Từ khung gầm bánh lốp đến bánh xích, chúng ta đã thấy một bộ sưu tập vũ khí đa dạng và phong phú, được trang bị trên những phương tiện này; một số vũ khí có từ thời Thế chiến thứ nhất, như súng máy Maxim, được trang bị thêm trên xe bán tải.

Về lịch sử phát triển của pháo hải quân 2M-3; đây là loại pháo được hải quân Liên Xô phát triển từ năm 1945 đến năm 1949, nó được thiết kế chủ yếu để trang bị cho các tàu vận tải quân sự và tàu chiến đấu nhỏ hoặc tàu ngầm.

Thieu vu khi, Ukraine dung ca hai phao thoi Lien Xo de chong UAV-Hinh-2
Hải pháo pháo 2M-3 của Liên Xô. Nguồn Wikipedia  

Pháo tự động 25 mm 2M-3 chỉ trang bị cho các tàu của hải quân Liên Xô, không thấy trên máy bay hoặc xuất hiện trên các phương tiện trên bộ. Việc sản xuất pháo 2M-3 và 2M-8 bắt đầu vào năm 1953 và kéo dài cho đến năm 1984, chủ yếu ở Liên Xô.

Thiết kế của 2M-3 bắt nguồn từ pháo tự động KM-84 25 mm trước đó; tháp pháo không được bọc giáp kín và trông có phần đơn giản; hệ thống điều khiển bằng thủy lực hoặc bằng tay. Trọng lượng pháo nặng 1.500kg.

Tháp pháo của 2M-3 chứa hai khẩu pháo tự động 110 PM, được bố trí theo kiểu “trên-dưới” chứ không phải theo kiểu song song thông thường. Pháo thủ ngồi trực tiếp ở tháp pháo phía bên trái, còn hai khẩu pháo 25mm được bố trí theo chiều dọc ở giữa và bộ phận tiếp đạn ở bên phải.

Mặc dù bộ điều khiển tầm, hướng của pháo hoạt động bằng thủy lực, nhưng điều khiển bằng tay cũng có sẵn để dự phòng. Pháo được làm mát bằng không khí, nhưng cũng có một vòi nước được sử dụng để làm mát nòng trong quá trình bắn liên tục.

Thieu vu khi, Ukraine dung ca hai phao thoi Lien Xo de chong UAV-Hinh-3
Hải pháo pháo 2M-3 của Liên Xô. Nguồn Wikipedia 

Với tốc độ bắn 450 phát/phút, tầm bắn hiệu quả của pháo 2M-3 tới 2.500 mét và tuổi thọ nòng khoảng 12.000 viên; loại vũ khí này là minh chứng cho kỹ thuật đỉnh cao của Liên Xô.

Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua và công nghệ phát triển, pháo 2M-3 và 2M-8 bắt đầu mất đi sức hấp dẫn. Bản chất năng động của chiến tranh hải quân đòi hỏi phải có vũ khí linh hoạt, tiên tiến hơn.

Do đó, các khẩu pháo 2M-3 và 2M-8 dần dần được cho ngừng hoạt động, nhường chỗ cho sự ra đời của các loại vũ khí hải quân hiện đại như các loại pháo bắn nhanh trên tàu hải quân như AK-630 hay Kashtan của Liên Xô sau này.

Việc Quân đội Ukraine tận dụng các khẩu pháo 2M-3 trên tàu hải quân, lắp lên xe Kamaz 6×6 là một cách làm sáng tạo, nhưng cũng phản ánh sự thiếu hụt vũ khí phòng không của Quân đội Ukraine hiện nay.

Tiến Minh (theo BM)