Tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ lại xuất kích bắn hạ máy bay Pakistan

Google News

Sau vài ngày yên lặng, Không quân Ấn Độ bắt đầu hoạt động trở lại dọc đường biên giới LoC khi nhận thấy có động thái bất thường từ Pakistan.

Truyền thông Ấn Độ cho biết, vào ngày 4/3, một tiêm kích Su-30MKI của không quân nước này đã xuất kích và bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của Pakistan hoạt động trong không phận Ấn Độ, gần khu vực tranh chấp Jammu và Kashmir..
Các báo cáo cho thấy chiếc UAV bị rơi xuống vùng kiểm soát của Pakistan, gần đường giới tuyến thuộc khu vực Toba. Các nguồn tin Ấn Độ cho rằng chiếc UAV bị chặn ở cùng nơi diễn ra cuộc đối đầu trên không giữa các lực lượng Ấn Độ và Pakistan vào ngày 27/2.
Như vậy sau vài ngày tạm dừng các hoạt động bay chiến đấu, Không quân Ấn Độ đã lại xuất kích để ngăn chặn các hành động từ phía Pakistan, loại tiêm kích được sử dụng lần này là Su-30MKI tối tân chứ không còn là MiG-21 Bison lạc hậu nữa.
Tiem kich Su-30MKI An Do lai xuat kich ban ha may bay Pakistan
 Máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ
Được biết đây đã là chiếc máy bay trinh sát không người lái thứ hai của Pakistan bị Ấn Độ bắn rơi trong vòng 1 tuần. Trước đó vào hôm 26/2, một chiếc UAV khác đã bị tổ hợp tên lửa đất đối không SPYDER bắn hạ.
Ấn Độ chưa cho biết cụ thể chủng loại máy bay không người lái của Pakistan bị bắn hạ là gì và nó có khả năng mang theo vũ khí hay không, tuy nhiên trong biên chế Không quân Pakistan có khá nhiều UAV vũ trang do Trung Quốc sản xuất cũng như sản phẩm nội địa.
Giải pháp sử dụng UAV vào thời điểm này xem chừng là lựa chọn khá hợp lý, khi có thể tránh gây thương vong cho phi công trước hỏa lực dày đặc của đối phương đang giăng sẵn, đồng thời chi phí vận hành cũng rẻ hơn nhiều so với điều động tiêm kích.
Tiem kich Su-30MKI An Do lai xuat kich ban ha may bay Pakistan-Hinh-2
 Chiếc máy bay trinh sát không người lái của Pakistan bị tên lửa SPYDER của Ấn Độ bắn rơi hôm 26/2
Về phía Ấn Độ, có thể New Delhi sẽ đưa ra động thái đáp trả tương xứng bằng việc tăng cường UAV Heron do Israel sản xuất lên khu vực giao tranh để nâng cao khả năng kiểm soát chiến trường trong thời gian thực.
Nhưng nếu triển khai phương tiện tối tân như chiếc Heron thì Ấn Độ cũng đối diện trước nguy cơ rất cao sẽ phải gánh chịu thiệt hại khá lớn về tài chính.
Trong lúc này cộng đồng quốc tế đang đặc biệt lo ngại Pakistan sẽ đưa ra hành động đáp trả nào đó khiến cuộc xung đột lại bị thổi bùng lên, bất chấp việc mới đây Islamabad đã đưa ra hành động mang tính hòa giải là trao trả cho Ấn Độ viên phi công lái chiếc MiG-21 Bison bị bắn rơi hôm 27/2.
Theo Tùng Dương/Đất Việt