Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Europe 1, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định: “Chúng ta sẽ không thể bảo vệ công dân châu Âu nếu chúng ta không quyết định có một đội quân riêng của châu Âu”.
Tổng thống Macron cho rằng cần có một quân đội châu Âu để đối phó tốt hơn trước mối đe dọa Nga. Bên cạnh đó, Tổng thống Macron cũng muốn quân đội châu Âu “độc lập” hơn đối với đối tác chiến lược ở bên kia Đại Tây Dương, cụ thể là Mỹ. “Chúng ta phải có một quân đội châu Âu có thể tự bảo vệ mà không phụ thuộc vào mỗi nước Mỹ”, người đứng đầu chính phủ Pháp nhấn mạnh.
|
Tổng thống Emmanuel Macron tới thị sát một cuộc tập trận tại doanh trại Suippes, gần Reims, Pháp. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Pháp Macron chỉ trích người đồng cấp Mỹ Donald Trump về quyết định rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga. “Khi tôi thấy Tổng thống Trump thông báo rút khỏi hiệp ước giải trừ vũ khí quan trọng được hình thành sau khủng hoảng tên lửa năm 1980, tôi tự hỏi ai là nạn nhân chính trong vụ việc này? Là châu Âu và an ninh châu Âu”.
Nhà lãnh đạo Pháp dự đoán hành động của Tổng thống Trump sẽ đem lại hậu quả nặng nề cho châu Âu.
Tổng thống Pháp là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên công khai cho rằng quyết định rút khỏi INF của Tổng thống Trump gây hại đối với an ninh châu Âu. Trước đó, động thái của Tổng thống Trump đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ chính phủ Đức.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Evgeny Osipov tại Viện Lịch sử Quốc tế Moskva, ý tưởng thành lập lực lượng vũ trang châu Âu không phải là mới, nó xuất hiện từ những năm 1950, song để trở thành hiện thực thì là một điều bất khả thi vì những lý do chính trị và kinh tế.
Lý do khiến ý tưởng thành lập quân đội châu Âu một lần nữa xuất hiện trong thời điểm hiện tại có thể là do chính sách của Tổng thống Trump cũng như sự kiện Brexit. Tuy nhiên, kinh tế luôn luôn là một thách thức khi xây dựng kế hoạch cho dự án này.
“Việc thành lập các lực lượng vũ trang chung của châu Âu và thực sự thống nhất là một dự án đắt đỏ. Hiện tại ngân sách châu Âu không có tiền cho dự án đó và cũng chưa rõ nguồn tiền này sẽ đến từ đâu. Kinh tế châu Âu vẫn bất ổn. Có nhiều yếu tố khiến nó bất ổn hơn, như tình hình ở Italy… Một số quốc gia châu Âu chỉ đơn giản là không quen dành tiền cho quốc phòng”, chuyên gia Evgeny Osipov giải thích.
Trong khi đó, nhà phân tích Sergey Fedorov làm việc trong Viện Nghiên cứu châu Âu Moskva chỉ ra rằng thậm chí nếu không có Anh thì Mỹ tại NATO vẫn còn nhiều quốc gia ủng hộ khác, trong đó có Ba Lan và ba quốc gia Baltics. Một số quốc gia không mấy thể hiện quan hệ với Mỹ còn bày tỏ mong muốn mua vũ khí của Mỹ thay vì đầu tư vào các dự án vũ khí đầy cạnh tranh của châu Âu. Cụ thể, Bỉ và Hà Lan gần đây đều ký kết thỏa thuận mua chiến đấu cơ của Mỹ.
Chuyên gia Osipov tin rằng tuyên bố của Tổng thống Macron không phải thực sự muốn nhắm tới sự thay đổi trong cách phòng vệ của châu Âu mà chỉ đưa ra nhằm có lợi cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm vào tháng 5/2019.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức