Trong một cuộc họp báo thường kỳ vừa được tổ chức, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc - Đại tá Ngô Khiêm cho biết, nước này đã tiếp nhận lô chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35SK thứ hai từ Nga, thông tin này ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý lớn từ giới truyền thông trong và ngoài nước này.
Theo Đại tá Ngô Khiêm, máy bay chiến đấu Su-35 là chương trình hợp tác quan trọng được Trung quốc và Nga triển khai. Hiện nay, hai bên đang tích cực thúc đẩy các hoạt động bao gồm huấn luyện bay theo kế hoạch, tiến độ đang diễn ra một cách thuận lợi.
Đáng quan tâm hơn, phi đội Su-35SK đầu tiên của Trung Quốc đang được triển khai gần các khu vực vùng biển mà Bắc Kinh đang có tranh chấp với các nước láng giềng kéo dài từ Biển Hoàng Hải tới xuống tận Biển Đông. Đồng thời, báo chí nước này thường xuyên bình luận về khả năng nhiều quốc gia trong khu vực sẽ mua sắm loại tiêm kích đa năng lợi hại trên.
|
Đội ngũ chuyên gia người Nga bên cạnh những chiếc Su-35SK bàn giao cho phía Trung Quốc. Nguồn ảnh: Twitter. |
Việc Trung Quốc đưa Su-35SK ra các khu vực tranh chấp trên biển được cho là nhằm tạo dựng ưu thế quân sự vượt trội khi so sánh trước các đối thủ tiềm tàng trong khu vực.
Hiện tại các quốc gia có vùng biển đảo nằm ở Đông Nam Á đang bị Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp vẫn chưa sở hữu loại tiêm kích nào đủ sức đối đầu trực diện với Su-35SK, và nếu có đi nữa cùng không đủ năng lực tác chiến toàn diện như những chiếc chiến đấu cơ Trung Quốc.
Còn nếu Trung Quốc đưa Su-35SK ra hướng biển quần đảo Senkaku hay lên phía biển Nhật Bản thì sẽ phải chạm trán với số lượng đông đảo F-15 nâng cấp, chưa kể còn có khả năng đụng đầu phải F-22 và F-35 của Mỹ, lúc này thế yếu lại thuộc về Su-35SK.
Mời độc giả xem video: Chiến đấu Su-35 Người ngoài hành tinh" của Nga. (Nguồn BBC).
Bên cạnh đó, từ phía Trung Quốc hướng xuống phía Nam đòi hỏi phải triển khai tiêm kích có tầm hoạt động rộng, cho nên các biến thể Flanker sẽ ưu tiên triển khai tại đây, khu vực biển gần sẽ là vùng phụ trách của J-10 hay J-8II.
Bằng hành động đưa Su-35SK ra các vùng biển tranh chấp, Trung Quốc còn gián tiếp khiến các quốc gia khác đẩy nhanh kế hoạch mua sắm chiếc chiến đấu cơ tối tân này, trước mắt là Indonesia, họ dự kiến sẽ mua lượng Su-35 nhiều không thua gì Trung Quốc.
|
Biên đội 5 chiếc Su-35SK Nga vừa bàn giao cho Trung Quốc trong đợt thứ hai, bay kèm máy bay chỉ huy IL-76TD. Nguồn ảnh: Morpheus Du. |
Được lợi nhiều nhất trong diễn biến trên có lẽ chính là Tập đoàn Sukhoi của Nga, khi nhu cầu về chiến đấu cơ Su-35 tăng vọt, thậm chí họ sẽ nhận được cả hợp đồng nâng cấp Su-30MKM của Không quân Hoàng gia Malaysia, khiến chúng có năng lực tác chiến đủ để đối đầu trực diện trước Su-35SK của Trung Quốc.
Ngoài ra cũng cần quan tâm thêm thêm một chi tiết đáng chú ý nữa, đó là vừa qua Trung Quốc đã giới thiệu phiên bản mới nhất của họ tiêm kích J-11 do nước này chế tạo với định danh J-11D, đây được xem là biến thể sao chép Su-35 khi nó có đặc điểm bề ngoài rất giống, có lẽ chúng cũng được điều động về phía Nam trong tương lai không xa.
Chí Linh