Theo các nhà phân tích, UAV có thể trở thành một trong những yếu tố quyết định cục diện chiến trường năm 2023, đặc biệt khi quân đội Ukraine đang có kế hoạch tiến hành cuộc phản công lớn vào cuối mùa xuân.
Ukraine đã tăng cường kho dự trữ máy bay không người lái trong suốt cuộc xung đột, chủ yếu sử dụng 2 loại UAV là trinh sát và tấn công. Trong số này, phải kể đến Leleka-100 và A1-SM Fury vốn là những máy bay không người lái trinh sát do Ukraine tự sản xuất, được các đơn vị pháo binh sử dụng để xác định vị trí tập kết binh sỹ, trung tâm chỉ huy và các hệ thống pháo của đối phương. Ukraine cũng có UAV Tu-141 từ thời Liên Xô nhưng sử dụng khá hạn chế. Bên cạnh đó, các đơn vị tình nguyện của Ukraine, trong đó có cả các chuyên gia công nghệ thông tin đã triển khai UAV thương mại để giám sát và theo dõi lực lượng Nga.
Ngoài UAV trinh sát, Kiev cũng sử dụng những máy bay không người lái được trang bị vũ khí, để tìm kiếm, xác định và thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào cứ điểm đối phương.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái Switchblade – một loại vũ khí đáng gờm, được mệnh danh là “sát thủ cảm tử” vì chỉ sử dụng một lần duy nhất song lại có thể gây sát thương lớn đối với bộ binh hay phá hủy xe tăng hoặc đạn pháo. Bên cạnh đó, Ukraine cũng sửa đổi UAV thương mại thành UAV mang vũ khí để thả chất nổ vào đối phương.
Tuy vậy, loại UAV được cho là hiệu quả nhất trong kho vũ khí của quân đội nước này là máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, được thiết kế để tấn công và tiêu diệt xe tăng. Phía Ukraine cho biết, UAV này đã phá hủy 1 máy bay trực thăng, 5 tàu hải quân, 2 đoàn tàu hậu cần, 10 hệ thống tên lửa đất đối không và 47 phương tiện mặt đất.
Những nhiệm vụ UAV có thể thực hiện trong cuộc phản công
Khi quân đội Ukraine chuẩn bị tiến hành cuộc phản công, họ sẽ phải đối mặt với những thách thức mới. Nga đã xây dựng các công sự kiên cố dọc theo chiến tuyến, đào hào sâu, thiết lập bãi mìn để cản bước tiến của quân đội Ukraine. Theo các nhà phân tích, những hệ thống phòng thủ này mọc lên như nấm tại bán đảo Crimea và một phần khu vực Donbass do Nga kiểm soát.
Khi các lực lượng Ukraine đối mặt với những chướng ngại vật, họ sẽ phải giảm tốc độ di chuyển và khi đó có thể trở thành mục tiêu của pháo binh Nga. Trong trường hợp quân đội Ukraine vượt qua được những chướng ngại vật này, họ sẽ phải giao chiến với các đơn vị tăng thiết giáp và binh sỹ Nga đồn trú tại các vị trí được bảo vệ kiên cố. Các lực lượng Nga có thể gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Ukraine trước khi lùi sang một vành đai chướng ngại vật khác và chu kỳ này có thể lặp lại.
Nhà phân tích Vikram Mittal, thuộc Học viện Quân sự Mỹ dự đoán, trong cuộc phản công sắp tới, Ukraine nhiều khả năng sẽ sử dụng UAV với tần suất lớn, để thực hiện nhiệm vụ trinh sát và xác định vị trí các đơn vị pháo binh Nga được bố trí để ngăn Ukraine vượt chướng ngại vật. Ngoài ra, những UAV này có thể cung cấp dữ liệu quan trọng về vị trí phòng thủ của Nga, hoặc tấn công và phá hủy các cứ điểm quan trọng giúp Ukraine xuyên thủng phòng tuyến của đối phương.
Vấn đề lớn nhất đối với Ukraine là dọn sạch chướng ngại vật. Trong trường hợp này, Ukraine có thể sửa đổi máy bay không người lái để chúng có thể mang theo vũ khí. Một chiến thuật thường được sử dụng là thả chất nổ vào bãi mìn và kích nổ các quả mìn của đối phương, tượng tự như cách các hệ thống rà phá bom mìn của Nga và Mỹ thực hiện. Bên cạnh đó, Kiev có thể triển khai UAV tấn công các vị trí chiến lược để san phẳng các hào chống tăng, cho phép xe tăng của họ di chuyển dễ dàng hơn.
Ngoài những nhiệm vụ trên, UAV có thể thực hiện nhiệm vụ tiếp tế. Khi các đơn vị Ukraine tiến công qua tuyến phòng thủ của Nga, nhiều khả năng họ sẽ bị cắt đứt tuyến tiếp tế. Trong trường hợp này, UAV sẽ được sử dụng để cung cấp cho đạn dược và nhu yếu phẩm cần thiết khác.
Ukraine cũng có thể trang bị cho UAV công nghệ tác chiến điện tử tiên tiến, nhằm làm gián đoạn liên lạc hoặc đánh lừa các đơn vị của đối phương. Sự phát triển của công nghệ đã dẫn tới việc tạo ra những hệ thống điện tử nhỏ gọn, có thể được tích hợp cho máy bay không người lái.
Theo nhà phân tích Vikram Mittal, nhiều máy bay không người lái hiện có trong kho vũ khí của Ukraine hầu như không có các tính năng vượt trội, nhưng quân đội nước này đã tìm cách sửa đổi để giúp chúng có thêm nhiều ứng dụng mới. Ukraine được cho là đã trang bị cho UAV Tupolev Tu-141 thời Liên Xô chất nổ để tấn công căn cứ không quân Nga.
Xung đột Nga-Ukraine đã chứng kiến cuộc cạnh tranh công nghệ gay gắt giữa các bên để đạt lợi thế trên chiến trường, báo hiệu những gì có thể diễn ra trong chiến tranh tương lai. Ngành công nghiệp máy bay không người lái đang bắt kịp với tốc độ của cuộc chiến, cho phép Nga và Ukraine sở hữu những UAV tiên tiến hơn. Trong giai đoạn sắp tới của cuộc xung đột, UAV có thể trở thành phương tiện thiết yếu và các bên sẽ tiếp tục tận dụng phương tiện này để cung cấp các khả năng mới cho lực lượng của họ./.
Theo Hồng Anh/VOV