Ukraine tiết lộ cách quân Nga "né" hỏa thần HIMARS

Google News

Theo truyền thông Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thừa nhận, các lực lượng Nga là đối thủ khó nhằn, học hỏi và thích nghi nhanh.

Ukraine tiet lo cach quan Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov. Ảnh: Ukrainska Pravda

Trang Ukrainska Pravda ngày 10/4 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố rằng quân đội Nga đã chuyển các kho đạn dược, trang thiết bị tới khu vực xa hơn so với vị trí của quân Ukraine.

Ông Reznikov cho rằng nguyên nhân của động thái này là do quân đội Ukraine đã nhận được các vũ khí hiện đại của phương Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine lưu ý, Kiev đã "nhận được các vũ khí có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến như "hỏa thần" HIMARS hay các tổ hợp pháo 155mm.

Theo Ukrainska Pravda, các tổ hợp tên lửa của phương Tây giúp quân đội Ukraine tấn công mục tiêu như kho đạn, nhiên liệu hay các sở chỉ huy của Nga trong phạm vi 80km.

Tuy nhiên, ông Reznikov thừa nhận: "Người Nga là đối thủ khó nhằn. Họ học hỏi rất nhanh. Vì vậy, chiến thuật thực hiện các hoạt động quân sự liên tục thay đổi".

"Sau khi nhận thấy sự nguy hiểm của HIMARS, quân đội Nga bắt đầu chuyển các kho đạn, nhiên liệu và sở chỉ huy tới địa điểm xa hơn so với vị trí của quân Ukraine, chừng 120km. Điều này rõ ràng làm phức tạp công tác hậu cần của họ nhưng cũng khiến chúng tôi không thể tấn công các mục tiêu này bằng HIMARS và các tổ hợp tên lửa khác. Vì vậy, chúng tôi cần tìm ra các giải pháp khác để mở rộng phạm vi tấn công", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói thêm.

Ông Reznikov cho biết đó là lý do Ukraine đang thảo luận với các đối tác và đồng minh về việc Kiev cần vũ khí mới để mở rộng phạm vi tấn công, bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 120km, 150km hay thậm chí là hơn 300km.

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Đan Mạch, ông Reznikov còn đề xuất rằng các chuyên gia, phi công nước ngoài có nguyện vọng, giấy phép phù hợp cũng như có chuyên môn về bảo dưỡng pháo tự hành, xe tăng, hay điều khiển chiến đấu cơ, được chào đón tới làm việc tại Ukraine.

"Các chuyên gia và phi công nước ngoài có thể tới Ukraine làm việc. Nếu các phi công biết điều khiển chiến đấu cơ F-16 và sẵn sàng tham chiến, binh đoàn quân ngoại quốc luôn mở cửa chào đón", ông Reznikov nói.

Ukraine rất mong muốn và không ít lần kêu gọi Mỹ và đồng minh phương Tây cung cấp chiến đấu cơ F-16. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đây không loại trừ khả năng các thành viên của khối sẽ chấp thuận lời kêu gọi này của Kiev. Tuy nhiên, tới nay, Kiev mới chỉ nhận được các chiến đấu cơ Mig-19 từ một số đồng minh.

Theo Nguyễn Thái/Người Đưa Tin