Uy lực ghê gớm ít bị để ý của mìn chống tăng (2)

Google News

(Kiến Thức) - Các loại mìn chống tăng hiện đại không chỉ đánh vào gầm xe tăng còn có khả năng “đục nóc” tăng, xe cơ giới với sức xuyên khủng khiếp. 

Mìn tấn công vào nóc xe tăng, thiết giáp
Hiện nay, quân đội nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu, sử dụng loại mìn chống tăng tiến công vào nóc xe tăng và xe cơ giới. Các chiến binh dùng ống phóng, phóng mìn (đầu đạn nổ lõm) theo quỹ đường đạn cầu vồng (với sự dẫn đường của tia hồng ngoại), để tiến công vào nóc của xe tăng, xe thiết giáp đối phương. Phương án này được sử dụng hiệu quả, do các trận địa mìn được bố trí ở những vị trí bất ngờ nhất, nằm ngoài khu vực “bàn đạp” tiến công của đối phương. Hiệu ứng nổ lõm với luồng xuyên phá mạnh sẽ phá hủy cả xe tăng và sát thương bộ binh đi cùng bằng các mảnh vỡ của quả mìn. Điều này đem đến kỳ vọng về hiệu quả của việc cải tiến các loại mìn cóc, mìn chống tăng trong hệ thống phòng thủ quốc gia của các nước đang phát triển, với chi phí rẻ và hiệu quả cao.
Suc manh ghe gom it bi de y cua min chong tang (2)
 Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: wikivisually
Đi đầu trong xu thế này là quân đội Nga. Viện Nghiên cứu kim loại Nhiznhe Tagil và Trung tâm Nghiên cứu chế tạo máy NIMI đã kết hợp nghiên cứu, chế tạo được một loại mìn mang tên Ì-225 - “Vũ khí công binh với đầu đạn casset để tiêu diệt sinh lực và xe tăng, xe thiết giáp của đối phương”.
Mìn Ì - 225 được lắp tổ hợp các loại cảm biến địa chấn, từ trường và hồng ngoại. Khi mìn được kích hoạt ở chế độ sẵn sàng chiến đấu, các cảm biến sẽ phát hiện được mục tiêu đi vào khu vực (khoảng 150 - 250m). Ngay lập tức, các cảm biến của mìn sẽ thông báo cho người điều khiển bãi mìn về tính chất của mục tiêu (người, động vật hay xe tăng, thiết giáp); số lượng, tốc độ, hướng di chuyển của mục tiêu; khoảng cách từ mìn đến mục tiêu. Từ đó người điều khiển bãi mìn đưa ra các giải pháp: Có cần thiết phải sử dụng mìn hay không; đưa bao nhiêu quả mìn vào trạng thái SSCĐ; cần phải kích nổ bao nhiêu quả mìn đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu để tiêu diệt mục tiêu? Nếu mục tiêu nằm trong khoảng sát thương của nhiều quả mìn, thì thiết bị điều khiển sẽ thông báo những quả mìn nào cần phải kích nổ?
Theo các chuyên gia Nga, qua kiểm nghiệm cho thấy, Ì-225 có hiệu quả sát thương, phá hủy cao. Đặc biệt, nó là loại mìn thông minh với ưu điểm nổi bật là tùy vào tính chất, số lượng mục tiêu để kích nổ số lượng nhiều hay ít, những quả chưa được kích nổ vẫn có thể sẵn sàng tiêu diệt, phá hủy các mục tiêu tiếp sau.
Đáng chú ý, mìn Ì-225 không nằm trong danh sách bị cấm của Hiệp ước Ottawa và Công ước quốc tế II của Giơ-ne-vơ về vũ khí sát thương. Tên gọi của loại mìn này là “Vũ khí công binh” chỉ hoạt động khi có lệnh của người điểu khiển. Trong khi theo Công ước quốc tế Ottawa, mìn được định nghĩa là vũ khí được cài đặt dưới đất, trên mặt đất hoặc gần mặt đất để kích nổ khi có sự có mặt, gần bên cạnh hoặc sự tác động của con người hoặc các phương tiện cơ giới.
Mìn chống máy bay trực thăng
Ngoài ưu điểm nổi trội trong chiến đấu phòng ngự, mìn còn được ứng dụng trong các hình thức chiến thuật khác như phục kích, tập kích và ngăn chặn đường rút quân, chuyển quân của đối phương. Trong đó, đáng kể nhất là mìn được dùng để đánh máy bay trực thăng trong phòng ngự.
Suc manh ghe gom it bi de y cua min chong tang (2)-Hinh-2
 Hình đồ họa mìn chống máy bay. Nguồn ảnh: Kaskus
Quân đội Nga đang được trang bị vũ khí mang tên TEMP 20 (mìn chống máy bay trực thăng - PVM). Mìn PVM có thể đặt, rải bằng tay hoặc hệ thống phóng rải điều khiển từ xa. Khi phóng rải, mìn rơi xuống đất và xòe 6 cánh (ở trạng thái SSCĐ). Cảm biến âm thanh có thể phát hiện máy bay trực thăng ở khoảng cách 3,2km và cảm biến quang ảnh nhiệt có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 1km. Hệ thống cảm biến sẽ quay đầu đạn nổ lõm về phía mục tiêu và ở khoảng cách 180m. Lúc này, khối nổ lõm sẽ được kích nổ (6,4kg thuốc nổ TG-50/50). Mục tiêu (máy bay trực thăng) sẽ bị tiêu diệt bằng luồng xuyên phá với vận tốc lên đến 3.000m/s. Mìn được lắp thiết bị chống tháo gỡ và ở tư thế sẵn sàng chiến đấu 3 tháng. Khi hết thời gian sẵn sàng chiến đấu và điện áp của nguồn nuôi sụt giảm, thiết bị tự hủy kích hoạt và nó tự hủy.
Theo các chuyên gia quân sự Nga, mìn PVM là loại vũ khí có thể làm thay đổi tình hình chiến trường, đặc biệt phù hợp cho lực lượng quân đội những nước có tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ yếu hơn đối phương. Việc sử dụng mìn PVM rất thuận tiện và hiệu quả cao, do nó có thể đặt ở bất kỳ địa điểm nào trong hậu phương của đối phương để tiến công mục tiêu. Mìn có trọng lượng 12kg, trong đó có 6,4kg thuốc nổ TG-50/50.
Suc manh ghe gom it bi de y cua min chong tang (2)-Hinh-3
 Ảnh phải là hình dạng mìn chống máy bay PVM và cách bố trí đánh máy bay trực thăng.
Mìn có thể được lực lượng đặc công hoặc trinh sát đặc nhiệm cài đặt ở gần căn cứ của đối phương; khu vực địa hình đồi núi phức tạp hoặc trong thành phố, hướng máy bay trực thăng của đối phương sẽ bay qua. Loại mìn này có thể đặt để phòng thủ, chống lại đối phương tiến hành đổ bộ đường không, gần khu vực căn cứ quân sự hoặc những mục tiêu quan trọng. Nguồn điện dùng cho mìn có thể bảo đảm liên tục từ 3 - 9 tháng.
Ngoài ra, bằng các thiết bị vô tuyến có thể chuyển mìn từ trạng thái sẵn sàng chiến đấu sang trạng thái an toàn và ngược lại. Mìn PVM có thể tiến công các mục tiêu có tốc độ đến 100m/s, vì thế, tất cả các máy bay trực thăng hiện đại đều có thể bị tiêu diệt, phá hủy các loai máy bay trực thăng bay tầm thấp trong phạm vi 100m, bằng các mảnh nổ phá có định hướng. Trên mỗi quả mìn có hai đầu đạn, một đầu đạn là loại mìn định hướng để bắn ra các viên bi kim loại một đầu đạn sử dụng lượng nổ lõm để nâng cao hiệu quả tiêu diệt, phá hủy mục tiêu.
Bên cạnh nước Nga, còn có Bulgaria cũng phát triển thành công mìn chống máy bay mạnh mẽ - AHM-200-1. Mìn sử dụng ngòi cảm biến âm thanh kết hợp với cảm biến SHF Dopler để kích hoạt. Các loại âm thanh gây nhiễu trong tự nhiên, chuyển động của con người, động vật hay các loại xe quân sự đều không thể kích hoạt loại ngòi nổ này. Hệ thống điều khiển ngòi kích hoạt mìn đảm nhiệm phân tích, xử lý tín hiệu thu được từ các cảm biến và kích hoạt ngòi nổ khi máy bay đi vào vùng hoạt động của mìn, hệ thống này cũng ngắt ngòi nổ khi hết một khoảng thời gian hoạt động đuợc đặt trước. Các chế độ như đưa mìn vào trạng thái không hoạt động, hay tự hủy khi hết khoảng thời gian hoạt động đều có thể được lập trình và lựa chọn từ trước. Mìn trong trạng thái kích hoạt cũng được kích nổ trong trường hợp có can thiệp bên ngoài, nhằm chống di dời hay tháo dỡ. Có thể lựa chọn sóng ra-đi-ô để kích hoạt, đưa mìn về trạng thái không hoạt động hay kích nổ.
Biến thế của AHM-200-1 là loại AHM-200-2 và 4AHM-100. Trong đó, mìn 4AHM-100 được thiết kế để tiêu diệt máy bay trực thăng bay thấp của đối phương. Mìn 4AHM-100 gồm 4 đầu đạn bố trí theo hình vuông và một cảm biến điều khiển đặt ở trung tâm. Các đầu đạn có kèm theo ngòi tích hợp, chúng được kích hoạt tức thời bằng cảm biến thông qua tín hiệu được mã hóa. Mìn được ngụy trang theo bề mặt địa hình khu vực rải mìn nên rất khó bị phát hiện.
Theo các chuyên gia quân sự, trong chiến tranh trên bộ tuơng lai, mìn vẫn giữ vai trò rất quan trọng. Các cường quốc quân sự vẫn chú trọng nghiên cứu, phát triển các loại mìn hiện đại để đưa vào biên chế cho các lực lượng, đặc biệt là cho lực lượng bộ binh và tác chiến đặc biệt.
Mạnh Thắng