Thủ tướng Ấn Độ Naranda Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ USD hôm 5/10 tại New Delhi, theo đó, Nga sẽ cung cấp 5 hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Ấn Độ. Các đơn vị S-400 sẽ bắt đầu được bàn giao vào tháng 10/2020.
|
Hệ thống S-400. Ảnh: Sputnik |
Vì sao Ấn Độ cần S-400?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ J. Jeganaathan thuộc Khoa nghiên cứu an ninh quốc gia tại Đại học Jammu ở Ấn Độ cho biết, việc mua S-400 là rất cần thiết đối với Ấn Độ, nó sẽ bù đắp cho sự mất đối xứng, đặc biệt là trong quá trình hiện đại hóa vũ khí chiến lược mà Ấn Độ đang thực hiện.
Ấn Độ nằm ở vị trí đặc biệt bên sườn của 2 nước là Trung Quốc và Pakistan đang ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự bất ổn trong khu vực cũng khiến Ấn Độ cần phải đẩy mạnh khả năng phòng vệ. Tất nhiên, dù không muốn xảy ra chiến tranh với hai “mặt trận” trong khu vực thì ít nhất S-400 cũng là một biện pháp răn đe đối với cả Trung Quốc và Pakistan.
Theo Tiến sỹ Jeganaathan, “Thỏa thuận S-400 còn liên quan đến quyền tự quyết và sự độc lập của Ấn Độ, một mốc quan trọng trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã nhấn mạnh sự độc lập Ấn Độ trong quan hệ với các cường quốc toàn cầu, vì thế, thỏa thuận S-400 cũng là một động thái cho thấy rõ quan điểm độc lập này.
“Ấn Độ có mối quan hệ khá mạnh mẽ với Mỹ và đây là mối quan hệ rất chiến lược. Hai bên cũng đã ký Thỏa thuận an ninh Logistics, các cuộc họp cấp cao và thượng đỉnh 2+2 cũng mang đến kết quả là ký thỏa thuận chống khủng bố và hợp tác đối phó các mối đe dọa chung. Tất cả những yếu tố này có nghĩa là Ấn Độ có mối quan hệ gần gũi một cách chiến lược với Mỹ”.
Tuy nhiên, quan hệ Ấn Độ - Nga cũng có lịch sử lâu dài và sâu sắc về khía cạnh cung cấp khí tài quân sự chiến lược. Nga cũng là nhà cung cấp đáng tin cậy tất cả các loại vũ khí chiến lược cũng như các loại vũ khí hạt nhân, xây dựng khả năng hạt nhân của Ấn Độ và các vũ khí, khí tài quân sự.
“Nga là một người bạn lâu năm, một người bạn đáng tin cậy lâu năm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chia sẻ lợi ích chiến lược với Mỹ, và trên quan điểm đó, tôi nghĩ Mỹ sẽ thừa nhận những quan ngại của Ấn Độ và chấp nhận thỏa thuận”, ông Jeganaathan nói.
Ấn Độ theo đuổi chính sách độc lập
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, Tướng Bipin Rawat nói rằng, Ấn Độ kiên quyết theo đuổi chính sách độc lập dù phải đối mặt với khả năng bị Mỹ trừng phạt do mua hệ thống S-400 của Nga.
“Khi phía Nga hỏi về các lệnh trừng phạt của Mỹ, câu trả lời của chúng tôi là: ‘Có, chúng tôi đánh giá có khả năng Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt đối với Ấn Độ, nhưng chúng tôi theo đuổi chính sách độc lập. Các bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Dù chúng tôi cũng có các mối liên kết với Mỹ về một số công nghệ kỹ thuật, nhưng chúng tôi theo đuổi chính sách độc lập’”, ông Rawat nói.
Ông Rawat cũng cho biết thêm, Ấn Độ cũng đang xem xét mua trực thăng Kamov và các hệ thống vũ khí khác của Nga. Tuyên bố đưa ra sau chuyến thăm Nga 6 ngày của ông Rawat, trong đó ông đã gặp các quan chức quân sự chóp bu của Nga để thảo luận hợp tác quân sự song phương.
Ấn Độ có thể tránh được trừng phạt của Mỹ?
Mỹ cảnh báo sẽ trừng phạt nếu Ấn Độ ký thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga trị giá 5 tỷ USD.
Mỹ được cho là đang cố ngăn các nước khác mua hệ thống S-400 của Nga, đặc biệt bằng cách viện dẫn đến Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Theo CAATSA được Tổng thống Donald Trump ký vào tháng 8/2017 và Đạo luật có hiệu lực từ năm 2018, các nước ký thỏa thuận với Nga về quốc phòng hoặc tình báo có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt thứ cấp. Đạo luật này nhằm trừng phạt Nga liên quan đến việc sáp nhập Crimea năm 2014, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 cùng các cáo buộc khác.
Về phần mình, Ấn Độ đã nói rõ rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không ngăn được nước này tiến hành các giao dịch mua bán quan trọng từ Nga.
Tuy nhiên, nhiều khả năng, Ấn Độ sẽ được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Theo Tiến sỹ Jeganaathan, thỏa thuận S-400 giữa Ấn Độ với Nga đã được thảo luận từ rất lâu trước khi CAATSA có hiệu lực, vì thế, Ấn Độ nên được coi là một ngoại lệ. “Tôi nghĩ nhiều khả năng Mỹ sẽ miễn trừ Ấn Độ khỏi CAATSA, và tôi không nghĩ nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ Ấn – Mỹ”.
Từ trước khi Ấn Độ chính thức ký thỏa thuận mua S-400 với Nga, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nói rằng, Mỹ đang thảo luận về việc liệu Ấn Độ có nên được miễn trừ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga và Iran hay không. Ông cho biết, Washington không có ý định "trừng phạt các đối tác chiến lược lớn như New Delhi”.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã đưa ra 2 điều kiện miễn trừ CAATSA cho Ấn Độ và yêu cầu nước này phải đáp ứng ít nhất một trong các điều kiện, đó là giảm phụ thuộc vào Nga và tăng cường đáng kể hợp tác với Mỹ, cả hai điều kiện này New Delhi đều có thể đáp ứng khá dễ dàng.
Vẫn có cách “né” nếu bị trừng phạt
Các ngân hàng Nga đang để ngỏ việc giao dịch bằng tiền tệ quốc gia với Ấn Độ trong trường hợp không thể giao dịch bằng đồng USD do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tiến sỹ Jeganaathan cho biết: “Tôi nghĩ điều này sẽ có khả năng sẽ sớm diễn ra, và nhiều khả năng hai bên sẽ giao dịch bằng đồng rupee của của Ấn Độ. Chúng tôi đã làm điều tương tự với Iran: một số giao dịch thanh toán giữa Ấn Độ và Iran được thực hiện bằng đồng rupee, vì thế tôi nghĩ có khả năng cao, Nga và Ấn Độ cũng sẽ giao dịch bằng đồng rupee.
Theo Thùy Linh/VOV