Vì sao hải quân nhiều nước cấm phụ nữ đặt chân lên tàu ngầm?

Google News

Lực lượng tàu ngầm nhiều nước không tuyển phụ nữ do không gian chật hẹp trên tàu không đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho cả hai giới.

Hãng thông tấn InterFax năm 2015 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết phụ nữ sẽ được phục vụ trên tàu ngầm nước này sau năm 2018. Tuy nhiên, hải quân Nga sau đó đã nhanh chóng bác bỏ thông tin.
"Hải quân Nga và nhiều quốc gia chưa cho phép phụ nữ phục vụ trên tàu ngầm dù họ đã được thực hiện nhiệm vụ trên tàu nổi", MSK dẫn lời giải thích của chuẩn đô đốc Viktor Kochemazov, người đứng đầu Cục Huấn luyện Tác chiến hải quân. "Không gian chật hẹp trên tàu ngầm không đảm bảo điều kiện hoạt động bình thường cho công việc chuyên nghiệp của cả hai giới".
Vi sao hai quan nhieu nuoc cam phu nu dat chan len tau ngam?
Trung úy Janine Asseln trên tàu ngầm U-32 của Hải quân Đức. Ảnh: DPA. 
Chuẩn đô đốc này lấy ví dụ từ hải quân Mỹ, lực lượng có nhiều tàu ngầm hạt nhân với thiết kế rộng rãi hơn, mang lại sự thoải mái cho thủy thủ đoàn và cho phép phụ nữ lên phục vụ trên tàu ngầm. Tuy nhiên, những nữ quân nhân Mỹ hoạt động trong không gian gò bó trên tàu ngầm đã gặp phải các tình huống khó chịu do nam đồng nghiệp gây ra.
Hải quân Mỹ năm 2014 đã phải điều tra một hạ sĩ bị cáo buộc quay lén ít nhất ba nữ đồng đội đang tắm hoặc thay đồ trên tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo USS Wyoming. Các video sau đó đã được phát tán cho các nam quân nhân trong thủy thủ đoàn. "Những vụ quấy rối đã xảy ra trong lực lượng tàu ngầm Mỹ và hải quân Nga không muốn điều này", chuẩn đô đốc Kochemazov khẳng định.
Kochemazov cho biết hải quân Nga trong tương lai gần không có kế hoạch cho nữ quân nhân phục vụ trong lực lượng tàu ngầm. "Nữ giới với năng lực riêng có hoàn toàn đủ điều kiện để phục vụ tại các đơn vị khác thay vì bên trong khoang chật chội của tàu ngầm. Chúng ta hoàn toàn đủ các nam quân nhân giỏi để vận hành tàu ngầm", Kochemazov nói.
Hải quân nhiều nước, nhất là những quốc gia mua tàu ngầm của Nga, vẫn tiếp tục duy trì quy định này với các lý do tương tự. Một số chuyên gia quân sự tin rằng ngoài yếu tố khách quan về không gian sinh hoạt của tàu ngầm, hải quân các nước không cho phép phụ nữ lên tàu ngầm vì một số lý do khác.
Từ xa xưa, thủy thủ trên các tàu chiến toàn là đàn ông và hạm trưởng thường cấm phụ nữ lên tàu vì lo ngại rằng sự xuất hiện của người khác giới sẽ gây xao nhãng, thậm chí là sự ghen tị giữa các thủy thủ. Những thái độ tiêu cực này sẽ cản trở các nam thủy thủ thực hiện công việc của mình, gây nguy hiểm cho nhau và thậm chí có thể đe dọa đến người phụ nữ, theo Marine Insight.
Một cách giải thích khác mang tính huyền bí hơn cho quy định này là do các thủy thủ tàu chiến, những người thường xuyên hoạt động trong môi trường biển đầy nguy hiểm, thường có quan niệm mang màu sắc "tâm linh" rằng sự xuất hiện của phụ nữ trên tàu có thể khiến "thần biển" nổi giận và gây ra bão tố đe dọa con tàu, theo Forces. Những quan niệm như vậy không có cơ sở khoa học, nhưng vẫn lan truyền trong giới thủy thủ.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều quốc gia trên thế giới cho phép phụ nữ đặt chân lên tàu ngầm. Na Uy năm 1985 là nước đầu tiên biên chế nữ quân nhân trên tàu ngầm, tiếp theo là một số nước như Thụy Điển, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh và Mỹ.
Hải quân Mỹ từng cấm phụ nữ phục vụ trên tàu ngầm trong 110 năm từ khi thành lập năm 1900 với lý do không gian trên tàu hạn chế và không thể đảm bảo tính riêng tư cho các nữ quân nhân. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc bỏ lệnh cấm vào năm 2010 và lực lượng tàu ngầm nước này đang có 130 nữ binh sĩ. Tàu ngầm USS New Jersey dự kiến được biên chế năm 2021 và các tàu ngầm mới của nước này được thiết kế phòng ngủ và phòng tắm riêng phục vụ cho các nữ quân nhân.
Lực lượng tàu ngầm Anh từng không tuyển phụ nữ với lý do lo ngại sức khỏe các nữ quân nhân bị tổn hại do nồng độ khí CO2 cao trên tàu, nhưng Bộ Quốc phòng Anh năm 2011 khẳng định lý do này không có cơ sở. Hải quân Anh năm 2013 bỏ lệnh cấm nữ quân nhân phục vụ trên tàu ngầm.
Theo VOV