Như chúng ta đều biết tiêm kích đa năng Sukhoi Su-35 được hãng chế tạo máy bay Sukhoi của Nga phát triển từ nguyên mẫu tiêm kích huyền thoại Su-27 nhưng đã được nâng cấp nhiều tính năng hiện đại hơn như cánh bay lớn hơn, động cơ đẩy công suất mạnh hơn, tính năng tàng hình tốt hơn.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, so với các dòng máy bay chiến đấu khác hiện có trong biên chế của Quân đội Nga, Su-35 có nhiều ưu điểm vượt trội ở một số đặc điểm chính sau:
Thứ nhất, cải tiến về hình dáng bên ngoài giúp Su-35 có tầm bay hoạt động xa hơn, khả năng mang vũ khí nhiều hơn, kết cấu khoa học hơn đồng thời khả năng tàng hình tốt hơn. Theo công bố của Nga, với thiết kế khí động học và vật liệu hiện đại, chỉ số phản xạ radar RCS trên Su-35 đã giảm rất nhiều so với Su-27. Bên cạnh đó, so với Su-27, Su-35 có phần cánh mũi, mũi lớn hơn và sử dụng nhiều sợi cacbon hơn nên nâng cao tính năng tàng hình.
|
Máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Sukhoi Su-35. Ảnh: Lenta |
Thứ hai, máy bay Su-35 sử dụng động cơ thế hệ mới 117S, có lực đẩy và công suất mạnh hơn so với động cơ trên nguyên mẫu Su-27. Động cơ này được phát triển dựa trên nguyên mẫu động cơ AL-31F, tuy nhiên động cơ 117S đã được nâng cấp đường kính lớn hơn phiên bản nguyên mẫu tới 3%, theo đó đường kính cánh quạt đã tăng lên 932mm thay vì 905mm như trên AL-31F. Đồng thời, động cơ 117S còn sử dụng công nghệ tua bin áp suất thấp, tua bin cao áp tiên tiến và hệ thống kiểm soát số hóa chính xác SDU-D.
Ngoài ra, vòi phun của động cơ trên 117S còn có khả năng quay được các hướng khác nhau cho phép Su-35 có thể linh hoạt chuyển hướng trong thời gian ngắn. Với những kỹ thuật hiện đại mới được áp dụng như vậy, động cơ 117S có công suất cao hơn 16% so với phiên bản AL-31F, với công suất cực đại đạt tới 14.500kN, động cơ trung gian có công suất cực đại đạt tới 8.800kN.
Tuổi thọ của động cơ này cũng lớn hơn gấp từ 2 - 2,7 lần so với động cơ cũ (khoảng 4.000 giờ hoạt động). Theo đó thời gian bảo dưỡng giữa hai lần cách nhau từ 500 -1.000 giờ.
|
Hệ thống radar Irbis-E. Ảnh: Lenta |
Thứ ba, các trang thiết bị điện tử trên Su-35 là những thiết bị hiện đại và mới hoàn toàn so với các dòng máy bay chiến đấu trước đây. Các hệ thống trang thiết bị mới được trang bị trên Su-35 bao gồm: Khoang nghế ngồi được làm bằng kính, các thao tác đều được số hóa, hệ thống thông tin liên lạc mới hoàn toàn. Đặc biệt, Su-35 được trang bị hệ thống radar Irbis-E, đây là loại radar quét mảng pha điện tử bị động, sử dụng băng tần X có đường kính là 900mm.
Radar Irbis-E có khả năng quét một góc 240 độ, nên mở rộng phạm vi tìm kiếm, trinh sát mục tiêu hơn rất nhiều so với các loại radar khác từng được trang bị trên các máy bay chiến đấu của Nga trước đây. Loại radar này có thể theo dõi cùng một lúc 30 mục tiêu khác nhau, đồng thời sử dụng 2 tên lửa đường đạn dẫn dường bán chủ động để tiêu diệt cùng một lúc 2 mục tiêu hoặc sử dụng 8 tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động tiêu diệt 8 mục tiêu.
Theo các công bố chính thức từ Nga, radar Irbis-E có cự ly phát hiện phía trước từ 350 - 400km và cự lt phát hiện từ phía sau là 150km với mục tiêu có độ RCS là 3m2 (tương đương với máy bay chiến đấu F-16). Với mục tiêu có độ RCS là 0,01m2 thì phạm vi phát hiện đạt 90km.
Bên cạnh đó, Su-35 còn được trang bị hệ thống tìm kiếm hồng ngoại OLS-35. Hệ thống này một lần có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau, cự ly phát hiện tối đa là 90km đối với phần đuôi mục tiêu và 50 km đối với phía trước mục tiêu. Nhờ hệ thống này, Su-35 có thể công kích mục tiêu mà không cần bật radar phát hiện mục tiêu.
Thứ tư, Su-35 được trang bị hỏa lực cực mạnh. Các máy bay Su-35 được trang bị tên lửa không đối không và không đối đất thế hệ mới. Trong đó, các loại tên lửa không đối không bao gồm: R-27ER1/EP1/ET1; RVV-BD. Ngoài ra, Su-35 còn sử dụng tên lửa hai tầng động cơ là RVV-SD và RVV-MD cho phép cự ly bắn trúng mục tiêu lên tới 110km, giúp cho Su-35 có khả năng không chiến cực mạnh.
Mời độc giả xem video: Chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 trình diễn khả năng cơ động trên không. (nguồn Cargospotter)
Lam Ngọc