Một loại vũ khí cực kỳ hữu dụng trong việc tiêu diệt công sự, boong ke của đối phương nhưng cũng rất nguy hiểm cho cả người sử dụng hiện đã bị đưa vào danh sách các loại vũ khí cấm giống với số phận của bom napan.
|
Quân đội Mỹ sử dụng súng phun lửa bắn từ xuống tuần tra. Ảnh: Wiki. |
Súng phun lửa thực chất không phải là súng
Dù tên gọi của loại súng phun lửa này là súng nhưng thực tế lại không phải vậy. Súng phun lửa có cấu tạo giống với một bình xịt áp lực hơn là một khẩu súng. Cấu tạo của nó bao gồm hai bộ phận một là bình nén chứa nhiên liệu phía sau và một là vòi phun. Bình nén được nạp nhiên liệu với áp suất cao khi phun ra có thể bay xa tới 40 mét, khi sử dụng người lính sẽ đeo bình nén nhiên liệu phía sau lưng và cầm vòi phun ở phía trước bụng.
Súng phun lửa có tầm bắn gần, người lính không cần phải ngắm bắn như khi sử dụng các loại súng thông thường khác mà sẽ vừa bắn vừa điều chỉnh đường phụt lửa giống với việc sử dụng vòi phun nước vậy. Vậy nên, xét trên nhiều góc độ khác nhau thì đây không phải là một loại súng, chỉ đơn giản là một bình xịt nhiên liệu gây cháy cỡ nhỏ mà thôi.
Súng phun lửa không dễ bốc cháy như... trên phim
Trong phim, cảnh tượng thường thấy đó là người lính vác theo khẩu súng phun lửa trên vai sẽ nổ tung, biến thành một ngọn đuốc sống ngay khi bình chứa nhiên liệu trên vai anh ta bị bắn trúng, tuy nhiên thực tế lại khác.
|
Súng phun lửa được binh lính Mỹ sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ảnh: Wiki. |
Tùy từng quốc gia mà nhiên liệu sử dụng trong súng phun lửa sẽ khác nhau và khả năng bắt cháy cũng khác nhau. Tuy nhiên việc bắn vào thùng đựng nhiên liệu người lính đang đeo trên lưng chưa chắc có thể khiến thùng nhiên liệu này nổ tung ngay lập tức như được.
Các loại súng phun lửa hiện đại được sử dụng trong thế chiến thứ hai thường có hai bình nhiên liệu được nối với nhau bằng van an toàn tự động, trong đó có một bình chứa nhiên liệu cháy còn một bình chứa khí nén, trong trường hợp bình chứa khí nén bị bắn nổ thì bình chứa nhiên liệu cháy vẫn sẽ còn nguyên vẹn và không thể đồng thời phát nổ được do nó đã được khóa van.
Trong trường hợp bình chứa nhiên liệu cháy bị bắn trúng việc phát nổ ngay lập tức cũng khó có thể xảy ra trừ khi xung quanh người lính đang có nhiều nguồn lửa gây cháy vì thực tế, việc bắn vào thùng chứa nhiên liệu cháy của súng phun lửa cũng giống như bắn vào thùng xăng xe ô-tô vậy, dù nhiên liệu cháy có phun ra xung quanh nhưng sức nóng từ một viên đạn cũng khó có thể khiến nó bốc cháy ngay được.
Nhiên liệu của súng phun lửa có chứa... keo
Loại keo này được trộn vào nhiên liệu của súng phun lửa khiến nó có đặc tính bám dính trên bề mặt dựng đứng mà không bị trôi xuống như các loại chất lỏng thông thường khác. Mục đích của việc khiến nhiên liệu của súng phun lửa có khả năng bám dính là do khi tác chiến dưới trời mưa lớn, nếu không có khả năng bám dính thì những đám cháy do súng phun lửa gây ra sẽ dễ dàng bị nước mưa xối xả cuốn trôi đi mất, thậm chí trôi... ngược về phía quân mình, vậy nên khả năng bám dính là rất quan trọng đối với súng phun lửa.
Khi bị súng phun lửa phụt trúng người, lớp keo này sẽ bám lên kẻ cơ thể gây ra những vết bỏng cực sâu, khiến người lính bị thương nặng, thậm chí là tử vong do nhiễm trùng nếu không được sơ cấp cứu đúng cách.
Sử dụng súng phun lửa là cầm chắc... cái chết
Cự ly tác chiến thông thường trong các cuộc chiến tranh tổng lực như hồi chiến tranh thế giới thứ hai vào khoảng 120 tới khoảng 200 mét, tùy theo từng điều kiện địa hình mà cự ly tác chiến có thể ngắn hơn. Trong khi đó, cự ly của súng phun lửa tối đa chỉ khoảng từ 50 tới 80 mét. Điều này đồng nghĩa với việc để sử dụng hiệu quả được loại súng này người lính sẽ phải chạy vào giữa hai làn đạn của cả quân ta và quân địch, sau đó áp sát lại phía địch và khai hỏa.
|
Tầm hoạt động của súng phun lửa là rất ngắn, tối đa chỉ khoảng 80 mét thậm chí ngắn hơn khi gió ngược thổi mạnh. Ảnh: Armchair. |
Chưa hết, số phận của những người lính sử dụng súng phun lửa còn hẩm hiu hơn rất nhiều khi tầm bắn của loại súng này cũng nằm trong tầm ném của... lựu đạn và ngay khi họ tiếp cận được về phía đối phương, nguy cơ bị ném cho cả "rổ" lựu đạn là rất cao. Thông thường súng phun lửa chỉ được sử dụng khi hỏa lực bộ binh của phe ta áp đảo so với phe địch, đối phương không thể bắn trả được hoặc chống trả một cách cầm chừng, trong trường hợp hỏa lực của đối phương quá dữ dội thì việc đưa súng phun lửa tiếp cận lại gần không khác nào một mệnh lệnh cảm tử.
Tuấn Anh