Vũ khí hạt nhân, không phải toàn bộ sức mạnh của Nga

Google News

(Kiến Thức) - Qua rồi cái thời các cường quốc mang vũ khí hạt nhân ra dể đe dọa nhau, với sự lên ngôi của các loại vũ khí tác chiến phi đối xứng và trong tay Nga đang có rất nhiều loại vũ khí như vậy.

Một trong những loại vũ khí Nga mà hiện tại và tương lai gần sắp tới Mỹ sẽ không thể có đối trọng đó là tổ hợp áp chế vệ tinh Nudol.

Tổ hợp vũ khí áp chế vệ tinh Nudol đã từng xuất hiện trong thông điệp liên bang được Tổng thống Nga Putin phát biểu hồi tháng ba vừa rồi. Những hình ảnh đầu tiên của tổ hợp này được cho là đặt trên xe phóng tương tự như cơ cấu phóng của S-300V. Theo nhiều nguồn tin của Nga, tổ hợp Nudol có tên mã đầy đủ là “A-235/RTTs-181M/OKR Samolet-M”. Cái tên này có nghĩa là tổ hợp vũ khí của Nga bao gồm ba bộ phận cấu thành, cho phép nó hoạt động ở cả tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.

Vu khi hat nhan, khong phai toan bo suc manh cua Nga
 Hình ảnh được cho là của tổ hợp Nudol. Ảnh: Sputnik.
Nếu điều này là sự thực, có thể khẳng định các tên lửa Nudol chỉ là cơ cấu phóng di động, nó sẽ nhận được thông tin tình báo từ các hệ thống radar cảnh báo sớm khổng lồ đặt dưới mặt đất của Nga như Don-2M hay Voronezh hoặc Darial.

Điều khiến Nga có thể yên tâm đó là nước này đã nghiên cứu tổ hợp vũ khí áp chế vệ tinh Nudol từ những năm 90 – nghĩa là tới nay đã gần 30 năm và gần như Mỹ không có bất cứ một loại vũ khí nào tương tự từng được đề cập tới. Việc Nga công khai loại vũ khí này cũng chứng tỏ rằng hệ thống áp chế vệ tinh Nudol đã gần như hoàn thiện và sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất có thể trong tương lai.

Một loại vũ khí nữa của Nga mà Mỹ cùng phương Tây cũng không hề có đối trọng đó là tổ hợp Triadan-2S. Đây là tổ hợp bao gồm hai cơ cấu riêng biệt với cơ cấu thứ nhất là hệ thống Rudolf và cơ cấu thứ hai là hệ thống Triadan-2S. Trong khi hệ thống Triadan-2S có nhiệm vụ áp chế về mặt tín hiệu với các vệ tinh của đối phương thì Rudolf lại có nhiệm vụ tấn công (một cách vật lý) và phá huỷ hoàn toàn mục tiêu.

Giống với Nudol, tổ hợp vũ khí Triadan-2S của Nga hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa được triển khai. Tuy nhiên, có thể coi Nga là một quốc gia có kinh nghiệm trong tác chiến chống vệ tinh của đối phương với việc phát triển các loại vũ khí có tầm bắn vũ trụ ví dụ như hệ thống tên lửa chống vệ tinh 79M6 (được trang bị cùng MiG-21D trong quá khứ).

Chưa hết, Nga hiện còn đang phát triển hệ thống vũ khí chống vệ tinh mang tên ASAT. Theo những thông tin được đăng tải trên tờ RIA Novosti, hệ thống này được mô tả với cái tên Porubshchik-2. Trong đó, phiên bản tiếng Nga của tờ báo này đã đăng tải khá chi tiết về hệ thống này thực chất là một chiếc máy bay cảnh báo sớm, có kết hợp với khả năng phát hiện, định vị và tiêu diệt vệ tinh đối phương. Tất nhiên là toàn bộ hệ thống này vẫn đang chỉ trong quá trình nghiên cứu và phát triển. Mặc dù vậy có thể khẳng định, hiện tại Nga đang dần dần hoàn thiện gần như toàn bộ hệ thống tác chiến phòng – chống – tiêu diệt vệ tinh của mình.

Mặc dù vậy, Nga cũng gặp vấn đề lớn trong việc… cạnh tranh nội bộ. Cụ thể, quân đội nước này có quá nhiều loại vũ khí với độ hiện đại… tương đương nhau. Dẫn tới việc khó khăn cho quân đội Nga trong việc triển khai với số lượng lớn các loại vũ khí này. Lấy ví dụ, rõ ràng Không quân Nga không mấy quan tâm tới chiến đấu cơ thế hệ thứ năm như Su-57 mà hoàn toàn có thể đặt niềm tin của họ vào Su-35 – một loại máy bay thế hệ thứ 4++ cực kỳ hiện đại và rẻ hơn rất rất nhiều lần so với Su-57.

Chưa hết, đối thủ nặng ký nhất của Su-57 thực chất lại không đến từ nước ngoài mà đến từ trong nước. Có thể nhắc lại thất bại thảm hại của chương trình MiG-35 hoặc đề án MiG 1.44 trước kia đều đã bị Sukhoi đánh bại một cách toàn diện.

Vu khi hat nhan, khong phai toan bo suc manh cua Nga-Hinh-2
 MiG 1.44 - đề án trong mơ bị xoá sổ. Ảnh: Tube.

MiG-35 may mắn hơn MiG 1.44 ở chỗ cuối cùng nó đã được chọn để sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên điều đó cũng làm rõ một vấn đề, đó là Nga ngày nay không hề giống Liên Xô trước đây, quân đội Nga hoàn toàn không có đủ tiềm lực về kinh tế và khả năng sản xuất để có thể “ôm đồm” toàn bộ các loại vũ khí được các hãng sản xuất của nước này nghiên cứu ra.

Điều này cũng có nghĩa, trong ba tổ hợp vũ khí chống vệ tinh kể trên, rất có thể sẽ chỉ có một tổ hợp duy nhất được đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên có thể khẳng định cả vào lúc đó, Mỹ cũng khó có thể đuổi kịp được với Nga về khả năng tác chiến chống vệ tinh ngoài không gian.

Mời độc giả xem Video: Những con quái vật của công binh Nga.

Tuấn Anh