Theo website chính thức của hãng Kongsberg, Na Uy, chính phủ Indonesia và Kongsberg đã ký thỏa thuận trị giá 77 triệu USD để mua sắm hệ thống phòng không NASAM do Na Uy chế tạo. Hợp đồng bao gồm việc cung cấp hệ thống mang phóng, radar, trung tâm chỉ huy và hỗ trợ đào tạo, hậu cần.
Trong khi đó, đạn tên lửa AMRAAM dành cho NASAM sẽ được cung cấp trong một thỏa thuận khác với Mỹ. Điều đó có nghĩa là hợp đồng với Kongsberg, phía Quân đội Indonesia chỉ nhận được các thành phần do Na Uy sản xuất. Phần quan trọng nhất là tên lửa đất đối không vẫn phải chờ sự đồng ý của Washington.
|
Hệ thống phòng không NASAM tại vị trí trực chiến. Ảnh: Wikipedia. |
NASAM là hệ thống phòng không tầm thấp đến tầm trung bán cơ động do Kongsberg của Na Uy hợp tác sản xuất với Tập đoàn Raytheon của Mỹ. Hệ thống NASAM được đưa vào sử dụng từ những năm 1990 trong lực lượng phòng không một số nước châu Âu.
Điểm đặc biệt của hệ thống NASAM là sử dụng tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM. Phiên bản sử dụng để phóng từ mặt đất được gọi là SLAMRAAM (phóng từ mặt đất của AMRAAM). Việc sử dụng tên lửa AIM-120 nhằm giảm thời gian phát triển và tiết kiệm chi phí.
Mời độc giả xem video: Quá trình triển khai và tác chiến của hệ thống phòng không NASAM. (Nguồn Armyreco)
Tên lửa AIM-120 có tầm bắn từ 75-180 km khi phóng từ máy bay. Tuy nhiên, khi sử dụng phóng từ bệ phóng trên mặt đất, tên lửa đạt tầm bắn chỉ 25 km, tầm cao 15 km. Bệ phóng được đặt trên khung gầm cố định với 6 tên lửa cho mỗi bệ. Nó được triển khai đến khu vực tác chiến bằng xe tải. Khung gầm của nó có 4 chân chống thủy lực để cố định trên mặt đất.
Cảm biến chính của hệ thống là radar AN/MPQ-64 Sentinel do Mỹ chế tạo. Radar này hoạt động ở băng tần X, có khả năng quét điện tử. Radar có khả năng bao quát 360 độ. Ăng ten có khả năng quay 30 vòng/phút, phạm vi phát hiện mục tiêu khoảng 40 km.
|
Cận cảnh một bệ phóng di động NASAM khai hỏa với tên lửa AIM-120. Nguồn ảnh: Airforce-Technology. |
Radar này có khả năng kháng nhiễu tốt và phát hiện mục tiêu với độ chính xác cao. Điểm cộng của NASAM là có thiết kế dạng module nên dễ dàng nâng cấp để đáp ứng các mối đe dọa hiện tại và tương lai.
Hệ thống phòng không này có khả năng đối phó hiệu quả với các mục tiêu như máy bay cánh cố định, máy bay không người lái, trực thăng và các loại vũ khí dẫn đường công nghệ cao. Tuy nhiên, phạm vi tác chiến của hệ thống chỉ phù hợp cho nhiệm vụ phòng thủ điểm, hoặc khu vực hẹp.
Quân đội Mỹ đã sử dụng hệ thống phòng không NASAM để bảo vệ một số vị trí xung quanh Washington. Bên cạnh đó, khả năng cơ động kém là điểm trừ của NASAM. Kongsberg và Raytheon đang phát triển phiên bản NASAM-2, mở rộng tầm bắn lên 40 km dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2019.
Quốc Minh