Hàng triệu khẩu súng lậu vẫn được buôn bán trên thế giới mỗi ngày, đây chính là nguồn cung cấp vũ khí đáng tin cậy dành cho các lực lượng vũ trang vô chính phủ, các lực lượng khủng bố, phiến quân hay lính đánh thuê, tất cả các loại vũ khí phổ biến đều có thể được tìm thấy trên thị trường chợ đen với cái giá cực kỳ phải chăng và tất nhiên không thể thiếu được đó là các khoản… khuyến mãi đi kèm khi mua với số lượng lớn. Vậy, nguồn cung cấp những loại vũ khí lậu này là từ đâu?
Bán vũ khí ra chợ đen để… nuôi quân
Lật lại lịch sử, năm 1991 đánh dấu một thời khắc quan trọng ảnh hưởng đến toàn bộ lịch sử nhân loại, đó là việc Liên Xô sụp đổ. Sự sụp đổ của Liên Xô có ảnh hưởng cực kỳ lớn tới thị trường vũ khí chợ đen với việc hàng loạt các mặt hàng vũ khí giảm giá một cách kinh khủng do nguồn cung cấp vũ khí chỉ sau một đêm đã tăng vọt lên mức gần như vô tận.
Tổng cộng, có 15 nước Cộng hòa thuộc liên bang Xô Viết với lực lượng quân đội, các nhà máy sản xuất vũ khí, các khu công nghiệp quốc phòng bỗng dưng bị “bỏ rơi” sau khi Liên Xô sụp đổ. Việc “bị bỏ rơi” này dẫn đến một vấn đề đó là các nước thuộc Liên Xô (cũ) không thể có đủ khả năng tài chính để nuôi một lực lượng lớn quân đội được xây dựng theo kiểu Liên Xô và vốn dĩ đã được nuôi dưỡng bởi các khoản viện trợ khổng lồ của Liên Xô.
Ngay khi các tướng lĩnh quân sự của các nước Cộng hòa này đau đầu với việc cân đối tài chính thì các tay “lái buôn” vũ khí đã xuất hiện trước mặt họ với những lời đề xuất cực kỳ rộng rãi về việc mua lại các kho vũ khí của quân đội thuộc các nước Cộng hòa với giá cao, thậm chí các tay “lái buôn” vũ khí còn tự đấu giá với nhau để phân chia thị trường thu mua vũ khí từ các nước Cộng hòa này.
|
Những kho súng mới cóng thuộc vào hàng "dự trữ quốc gia" của các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã trở thành món mồi béo bở cho các tay thương lái. Nguồn ảnh: Maxim. |
Sau mấy chục năm căng thẳng bởi cuộc chiến tranh lạnh, kho vũ khí của các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô đã trở nên nhiều tới mức các tướng lĩnh quân đội sẵn sàng bán các loại vũ khí theo “cân” mà vẫn kiếm được những khoản tiền khổng lồ nhằm chi trả lương cho lực lượng quân đội vẫn chưa thể giải thể bớt chỉ trong ngày một ngày hai. Tất nhiên là một khoản không hề ít tiền “hoa hồng” được trả thông qua các tài khoản trung gian từ nước ngoài.
Mỗi thương vụ mua bán vũ khí của các “lái buôn” với các tướng lĩnh quân đội các nước Cộng hòa thường diễn ra nhanh chóng, các loại vũ khí được ưa chuộng nhất thường là súng trường tấn công AK-47 với số lượng hàng chục triệu khẩu được đổ đống và bán theo cân. Sau đó là đến các loại súng phóng lựu, súng chống tăng và khi giá của những loại vũ khí cá nhân này xuống quá thấp do nguồn cung quá lớn thì các lái buôn tiếp tục đề nghị mua luôn cả… xe tăng, xe thiết giáp.
|
Hàng trăm nghìn chiếc xe tăng, xe thiết giáp nằm phơi sương do không còn nhiên liệu vận hành sau khi Liên Xô sụp đổ. Nguồn ảnh: Hollila. |
Tất nhiên, lời đề nghị đó được chấp nhận ngay lập tức, hàng loạt các xe tăng chủ lực được tuồn ra thị trường một cách “danh chính ngôn thuận” mà không gặp phải bất cứ một vướng mắc nào về thủ tục pháp lý do các quốc gia Cộng hòa chủ động tạo điều kiện hoặc cố tình “làm ngơ” trước các hành động bán vũ khí ra nước ngoài nhằm thu về một lượng tiền mặt dù không quá lớn cũng giúp họ (các quốc gia Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ) sống sót được qua giai đoạn trở mình đầy gian nan này.
Con đường đi tới thị trường tiêu thụ
Các nước Cộng hòa có thể tạo điều kiện tốt nhất cho các tay buôn lậu vũ khí thu mua và tập kết hàng hóa nhưng lại không thể giúp được những tay “lái buôn” này việc vận chuyển vũ khí tới tay người mua, và đây chính là lúc tài năng cũng như bản lĩnh của các tay buôn lậu được bộc lộ hết mức.
Thị trường tiêu thụ các loại vũ khí chợ đen tại thời điểm những năm cuối thế kỷ 20 thường là châu Phi và một vài quốc gia Trung Đông. Với thị trường Trung Đông, việc vận chuyển bằng đường bộ với số lượng lớn có thể diễn ra một cách khá dễ dàng. Tuy nhiên việc vận chuyển vũ khí từ Đông Âu sang tới châu Phi lại là điều không hề đơn giản.
|
Súng trường tấn công AK-47, loại vũ khí được ưa chuộng nhất trong giới buôn lậu với giá thành rẻ, lãi cao, vận chuyển dễ dàng, bảo quản được trong mọi điều kiện thời tiết và nguồn hàng cực kỳ lớn. Nguồn ảnh: Resistance. |
Cách hiệu quả nhất mà các tay buôn lậu vũ khí có thể làm đó là sử dụng những con tàu hàng hải mang quốc tịch của một nước trung lập. Bằng các mối quan hệ cực kỳ rộng lớn của mình, các tay buôn lậu vũ khí sẽ cài lên tàu được một vài hoặc thậm chí hàng chục công-tơ-nơ chứa hàng nóng đã được ngụy trang nhằm và cập bến châu Phi an toàn.
Thậm chí, có những tàu hàng ngụy trang được chất đầy các công-tơ-nơ vũ khí đã khéo léo qua mắt các lực lượng tuần duyên của các nước châu Âu để đến châu Phi một cách an toàn. Tất cả đều nhờ vào tài quan hệ và đút lót của những tay lái buôn vũ khí với khả năng kiểm soát gần như toàn bộ thông tin của hệ thống hải quan nơi mà các tàu buôn vũ khí của họ đi qua.
Một cách khác ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn nhưng vẫn được lựa chọn thường xuyên đó là sử dụng các máy bay vận tải cỡ lớn bay thẳng đến địa điểm nhận hàng. Các quốc gia châu Phi trong thời gian này thường có hệ thống radar cực kỳ lỏng lẻo và một chiếc máy bay vận tải cỡ lớn hoàn toàn có thể “lách” qua hệ thống rada này một cách đơn giản để đưa hàng chục tấn vũ khí tới tận tay người mua mà rất ít khi gặp phải sự cản trở đến từ các lực lượng An ninh Quốc tế.
Thị trương vũ khí lậu thế kỷ 21
Sau hàng chục năm phá giá thị trường bằng nguồn cung cấp các loại vũ khí quân dụng từ trong kho của các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đến đầu thế kỷ 21, thị trường vũ khí cá nhân đã có sự thay đổi nhất định.
|
Các loại vũ khí lậu trên thị trường chợ đen vũ khí thế kỷ 21 lại hướng tới... kiểu dáng, tính năng và độ nguy hiểm càng cao, giá càng lớn. Nguồn ảnh: Krock. |
Đó là việc các loại vũ khí quân dụng ít được ưa chuộng như trước, do thị trường đã bão hòa, một lực lượng vô chính phủ có thể tìm mua được hàng tấn súng AK-47 từ các quốc gia lân cận một cách dễ dàng với giá phải chăng thay vì phải đặt hàng ở tận nước ngoài với nhiều rủi ro và phải chờ lâu ngày.
Thêm vào đó, các nhóm khủng bố, phiến quân trong giai đoạn hiện tại lại có nhu cầu khác so với những năm cuối thế kỷ 20. Nếu như trước đây, vũ khí là thứ duy nhất các lực lượng khủng bố đòi hỏi thì giờ đây vũ khí loại nào, đặc tính kỹ thuật ra sao mới là điểm quyết định. Ngày nay, các loại vũ khí được ưa chuộng nhất trên thị trường chợ đen chính là những loại tên lửa phòng không vác vai, các loại tên lửa chống tăng, tên lửa đối đất độ chính xác cao và các loại vũ khí có sức công phá mạnh. Đây là các món vũ khí rất phù hợp với lực lượng phiến quân với lối đánh du kích hay với các lực lượng khủng bố, các tên lửa vác vai với khả năng bắn hạ các máy bay chở khách sẽ giúp chúng tạo được tiếng vang lớn trên toàn thế giới.
Thị trường vũ khí chợ đen trong tương lai sẽ ra sao?
Thị trường tiêu thụ vũ khí lậu chưa từng được thu hẹp lại, thập chí có phần còn được mở rộng ra với hàng loạt các nhóm khủng bố tự xưng, các đội quân vô chính phủ, chống chính phủ được thành lập với số lượng tăng một cách chóng mặt, điều đó đồng nghĩa với việc trong tương lai, các tay lái buôn vũ khí lậu vẫn sẽ có “đất” kinh doanh một cách đàng hoàng, các tướng lĩnh quân đội thoái hóa biến chất vẫn sẽ có nơi tiêu thụ các loại vũ khí mà họ lấy cắp từ trong kho quân nhu mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì khó khăn.
|
Việc chặn các ngả đường buôn lậu vũ khí chỉ làm giá thành sản phẩm tăng cao chứ không thể chấm dứt được vấn nạn này. Nguồn ảnh: Vocativ. |
Mặc dù các nước châu Âu và Mỹ luôn coi trọng việc giảm thiểu, ngăn chặn thậm chí là triệt hạ toàn bộ các đường dây buôn bán vũ khí lậu trên toàn thế giới, nhất là việc buôn bán vũ khí cho các nhóm khủng bố, các tổ chức tội phạm quy mô lớn hoạt động trong phạm vi châu Âu. Tuy nhiên “đạo cao một thước, ma cao một trượng”; chừng nào nhu cầu mua vũ khí vẫn còn thì khi đó vẫn sẽ có các nguồn cung đảm bảo “mua tận gốc, bán tận ngọn, chuyển hàng tận tay” các khách hàng. Điều duy nhất các lực lượng An ninh chống buôn lậu có thể làm được chỉ là "tác động” vào giá vũ khí trên thị trường chợ đen với các đợt truy quét, gây “khan hàng” khiến cho các con buôn có cơ hội đẩy giá lên cao chứ vũ khí trên thị trường chợ đen xưa nay vẫn vậy, chưa bao giờ thiếu, vấn đề là giá bao nhiêu.
Nhật Vi