Ngày 5/1/1973, Liên Xô thả dù thành công chiếc thiết giáp dù BMD-1 đầu tiên của nước này từ máy bay vận tải Antonov An-12. Điều làm cuộc thử nghiệm này trở nên đặc biệt chính là việc kíp chiến đấu của chiếc BMD-1 trên gồm 3 người đã ngồi sẵn trong xe khi nó được thả xuống từ độ cao 800 mét, và khi vừa tiếp đất chiếc xe đã ngay lập tức chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Từ thời điểm đó biệt danh "xe tăng bay" đã được gán những chiếc thiết giáp dù BMD Liên Xô cho tới tận ngày nay.
|
Hàng dài các xe chiến đấu bộ binh BMD-1 thuộc biên chế các sư đoàn đổ bộ đường không Liên Xô năm 1981. Ảnh: Sputnik.
|
Trong Chiến tranh Lạnh, khả năng triển khai khí tài hạng nặng và tốc độ triển khai chúng trên chiến trường luôn là nỗi ám ảnh đối với các tướng lĩnh quân đội Liên Xô vì lãnh thổ quốc gia này quá rộng lớn. Cũng chính từ nỗi ám ảnh đó, Liên Xô đã là quốc gia đầu tiên trên thế giới có khả năng triển khai xe thiết giáp bằng dù từ máy bay vận tải, đảm bảo khả năng triển khai quân với số lượng lớn tới bất cứ đâu trong vòng 24 giờ đồng hồ.
Ngày nay, từ chính bài học của các tướng lĩnh Liên Xô năm xưa, quân đội nhiều nước trên thế giới đã tự phát triển cho mình các đơn vị thiết giáp dù chuyên biệt phù hợp với cả các xung đột hạn chế cho tới một chiến tranh toàn diện. Và sau đây mời độc giả cùng điểm qua một số quốc gia sở hữu lực lượng thiết giáp dù mạnh nhất thế giới.
Nga
Tất nhiên đứng đầu những quốc gia sở hữu lực lượng thiết giáp nhảy dù mạnh nhất là Nga bởi họ được kế thừa sức mạnh của Liên Xô năm xưa, và những gì Liên Xô thì Nga cũng có thậm chí còn tốt hơn
Theo chuyên gia quân sự Andrei Kotz của hãng thông tấn RIA thì "Không một quốc gia nào trên thế giới có khả năng triển khai thiết giáp từ trên không tốt như Nga," với những thiết bị, phương tiện và công nghệ độc nhất và hiện đại nhất.
Loại phương tiện thiết giáp mới nhất mà Nga có thể triển khai được từ trên không là các xe chiến đấu bộ binh BMD-4M. Loại xe chiến đấu bộ binh này dự kiến sẽ được thay thế cho BMD-1 và BMD-2 vốn đã từng được mệnh danh là những "thiết giáp bay" tốt nhất thế giới trong suốt nhiều thập niên qua.
Mời độc giả xem video: Cận cảnh xe chiến đấu bộ binh BMD-4M hiện đại nhất của Nga nhảy dù. (Nguồn: Sputnik)
Xe chiến đấu bộ binh BMD-4M có trọng lượng khoảng 13,6 tấn và được trang bị một pháo 100mm cùng với một pháo đồng trục 30mm và một súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62mm. Nòng pháo của nó còn có khả năng bắn ra các tên lửa chống tăng dẫn đường Bastion (ATGM) với tầm bắn tối đa lên tới 5,5 km.
Được mệnh danh là "xe tăng bay" (dù rằng đây chỉ là xe chiến đấu bộ binh), phương tiện bọc thép này của Nga có kíp lái ba người và có khả năng mang theo tối đa 6 lính dù. Theo học thuyết chiến đấu của Nga, các xe thiết giáp bộ binh BMD-4M trên chiến trường sẽ chiến đấu bên cạnh các khẩu pháo tự hành chống tăng/xe tăng hạng nhẹ Sprut-SD. Sự kết hợp của hai loại phương tiện này mang đến khả năng chống tăng và yểm trợ bộ binh tối đa nhất là khi Sprut-SD có khẩu pháo nòng trơn 125 mm cùng loại với khẩu pháo được sử dụng trên xe tăng T-72 và T-90.
|
Pháo tự hành chống tăng hay xe tăng hạng nhẹ Sprut-SD của Nga (ở gần) cùng với xe thiết giáp BMD-4 (ở xa). Ảnh: Sputnik.
|
Với hỏa lực pháo binh, Đổ bộ đường không Nga có thể thả được pháo tự hành chống tăng loại Nona-S, loại pháo tự hành này được trang bị một khẩu pháo cỡ nòng 120 mm với tầm bắn xấp xỉ 13 km.
Xin nhấn mạnh, tất cả các phương tiện kể trên của Nga đều có khả năng được triển khai thông qua đổ bộ đường không trong độ cao khoảng 400 tới 1500 mét, có sẵn kíp lái ngồi trong hoặc không, kèm theo đó là khả năng di chuyển trên các phương tiện vận tải đường không chuyên dụng với tốc độ tối thiểu từ 300 tới 350 km/h.
Trung Quốc
Theo thông tin của chuyên gia quân sự Kotz, Quân đội Trung Quốc cũng có một vài loại phương tiện thiết giáp có khả năng triển khai được từ trên không bằng cách thả dù. Theo một vài nguồn tin chưa được xác nhận, loại xe chiến đấu bộ binh ZBD-03 nặng 8 tấn của Trung Quốc đã có khả năng "nhảy dù" từ năm 2003.
|
Xe chiến đấu bộ binh ZBD-03 của lực lượng dù Trung Quốc.
|
Xe chiến đấu bộ binh ZBD-03 của Trung Quốc được trang bị khẩu pháo chính cỡ nòng 25 mm, khẩu pháo này được coi là phiên bản nhái của khẩu M242 Bushmaster của Mỹ, ngoài ra, ZBD-03 cũng được trang bị kèm các tên lửa chống tăng loại HJ-73C do Trung Quốc tự sản xuất.
Loại phương tiện này được cho là sẽ có khả năng thả dù từ các máy bay vận tải Il-76MD (Trung Quốc hiện có khoảng 20 chiếc Il-76 tính tới thời điểm hiện tại). Mỗi chiếc vận tải cơ loại này sẽ có khả năng chở theo tới ba chiếc ZBD-03 cùng ba kíp lái. Theo các thông tin mới nhất, Quân đội Trung Quốc đang thử nghiệm các loại phương tiện đổ bộ đời mới với cỡ nòng pháo từ 100 tới 150 mm, cung cấp thêm hỏa lực cho lực lượng đổ bộ đường không của nước này.
Mỹ
Đối với một quốc gia chinh chiến ở nước ngoài nhiều như Mỹ, việc có trong tay một vài phương tiện với khả năng thả dù từ trên không là điều hoàn toàn không thừa.
Tuy nhiên, theo thông tin của Andrei Kotz thì "hiện tại, Mỹ mới chỉ có khả năng thả dù một số loại xe bọc thép có trọng lượng nhẹ, ví dụ như xe bọc thép Humvee có trọng lượng khoảng 2,6 tấn hoặc loại xe bọc thép chiến thuật L-ATV có trọng lượng khoảng 6,4 tấn. Thứ hỏa lực mạnh nhất mà Mỹ có thể thả được từ trên máy bay vận tải xuống đất chính là loại pháo lựu M119 cỡ nòng 105 mm, đáng tiếc thay loại pháo này lại do Anh sản xuất".
Theo các thông tin của giới quan sát và nhiều chuyên gia quân sự trên thế giới, Quân đội Mỹ đã không còn khả năng thả dù thiết giáp từ trên không kể từ năm 1997, sau khi chiếc xe tăng hạng nhẹ cuối cùng của lực lượng này mang tên M551 Sheridan được cho nghỉ hưu. Loại xe tăng hạng nhẹ này của Mỹ đã được sản xuất từ khoảng nửa cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, mang trong mình những công nghệ đột phá ở thời điểm đó bao gồm giáp Aluminum, pháo 152 mm với khả năng bắn tên lửa chống tăng,... Trong chiến tranh Việt Nam, loại xe tăng hạng nhẹ này thường xuyên đượng vận chuyển bằng máy bay trực thăng một cách dễ dàng.
|
Xe tăng hạng nhẹ M551A1 Sheridan. Ảnh: CCO.
|
Dựa theo nhiều thông tin gần đây, Lầu Năm Góc hiện đang tìm kiếm một phương tiện thay thế cho M551 Sheridan, ứng cử viên đáng giá nhất là hệ thống "Hỏa lực di động" - Stryker với trọng lượng khoảng 18 tấn, sở hữu nòng pháo 105 mm. Mặc dù vậy, khả năng triển khai bằng cách thả dù từ trên không của phương tiện này thì còn phải xem xét.
|
Ứng cử viên tương lai cho quân đội Mỹ. Ảnh: Breakingdefense.
|
Đức
Cái tên cuối cùng trong danh sách này không ai khác chính là nước Đức, một trong những "cái nôi" của những cỗ xe tăng đầu tiên trên thế giới, Dù có quy mô khá hạn chế nhưng Quân đội Đức vẫn trang bị cho mình các đơn vị thiết giáp dù có khả năng đổ bộ đường không.
Loại phương tiện có khả nang nhảy dù của Đức là xe thiết giáp vũ trang nặng 2,7 tấn mang tên Wiesel. Có kích thước chỉ bằng một chiếc xe ô-tô cỡ nhỏ, loại phương tiện này có khả năng mang vũ khí rất đa dạng và tốc độ tối đa lên tới 80 km/h khi di chuyển trên đằng bằng.
Hệ thống vũ khí của Wiesel có thể tùy biến tùy theo nhiệm vụ sử dụng, từ những khẩu pháo tự động 20 mm loại Rh202 cho tới các tên lửa chống tăng TOW. Ngoài ra, một vài biến thể ít thấy hơn của thiết giáp Wiesel còn giúp nó có khả năng sử dụng như một khẩu pháo cối tự hành, thiết giáp do thám, thiết giáp cứu thương và thậm chí là thiết giáp phòng không.
|
Wiesel 1 với hệ thống vũ khí bao gồm một pháo tự động 20 mm. Ảnh: Billyhill.
|
"Chỉ có những kỹ sư thiết kế của Đức mới đủ khả năng đưa ra nhiều lựa chọn và tùy biến được nhiều nhiệm vụ khác nhau cho một phương tiện nhỏ nhắn đến vậy", Kotz cho biết.
Loại phương tiện đa năng này của Đức có thể được thả dù từ trên không một cách dễ dàng hoặc vận chuyển bằng trực thăng vận tải các loại.
Tuấn Anh