Xu hướng phát triển tên lửa chống tăng không đối đất (2)

Google News

(Kiến Thức) - Dù có nhiều phương thức dẫn đường tiên tiến, thế nhưng hệ điều khiển bằng laze truyền thống vẫn được ưa chuộng trên tên lửa chống tăng hiện tại và trong cả tương lai.

Tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laze ngày càng được phát triển
Trong các cuộc xung đột quân sự hiện nay, các mục tiêu ẩn nấp trong khu vực đông dân cư ngày càng có chiều hướng gia tăng. Để đối phó với các loại mục tiêu này đòi hỏi tên lửa chống tăng phóng từ máy bay phải có độ chính xác ngày càng cao.
Chính vì vậy, trong quá trình phát triển tên lửa chống tăng, các nước vô cùng coi trọng phát triển loại tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laze thế hệ mới. Mặc dù tên lửa chống tăng dẫn đường bằng hồng ngoại và dẫn đường bằng hình ảnh cũng có khả năng tấn công tiêu diệt chính xác mục tiêu. Tuy nhiên, đối với các mục tiêu mặt đất, tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laze có độ chính xác cao nhất trong 3 loại tên lửa sử dụng các phương thức dẫn đường nêu trên.
Xu huong phat trien ten lua chong tang khong doi dat (2)
 Dù nhiều quốc gia đã phát triển được các hệ thống dẫn đường hồng ngoại, radar, thế nhưng phương thức dẫn đường laser cho tên lửa chống tăng vẫn phổ biến và liên tục được cải tiến. Nguồn ảnh: Defence-Update
Đối với mục tiêu nằm trong khu vực đông dân cư, do khó phân biệt được mức độ nhiệt phát ra nên việc sử dụng tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại có hiệu suất tác chiến không cao. Trong khi đó, đối với tên lửa dẫn đường bằng hình ảnh cũng cho độ chính xác nhưng nếu so với tên lửa dẫn đường bằng laze thì không thể bằng. Ngoài ra, tên lửa dẫn đường bằng laze còn dễ dàng lắp đặt trên các máy bay tác chiến không người lái hoặc có thể phối hợp với nhiều loại máy bay chỉ thị mục tiêu khác nhau, nên hiệu quả tiêu diệt chính xác mục tiêu là rất cao.
Tên lửa chống tăng đa dụng ngày càng được coi trọng
Qua một số cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang, các chuyên gia phân tích quân sự Nga nhận thấy rằng, trong tương lai, mục tiêu tiêu diệt của các tên lửa chống tăng chỉ còn lại là 1/3 là xe tăng, ngược lại, các mục tiêu tồn tại dươi dạng công sự, công trình phòng ngự kiên cố, thậm chí là mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất thì ngày càng nhiều. Chính vì vậy, yêu cầu tính đa dụng đối với tên lửa chống tăng ngày càng cao và được quân đội nhiều nước coi trọng phát triển.
Xu huong phat trien ten lua chong tang khong doi dat (2)-Hinh-2
 Hellgire không chỉ dùng để chống tăng, mà còn có thể tấn công các công sự, tàu chiến nhỏ...Nguồn ảnh: Military.com
Năm 2012, Lục quân Mỹ chính thức được biên chế tên lửa chống tăng đa dụng Hellfire AGM-114R. Loại tên lửa mới này sử dụng 4 loại đầu đạn tấn công mục tiêu khác nhau. Tên lửa chống tăng đa dụng Hellfire AGM-114R được phát triển dựa trên đầu đạn tấn công của 4 loại tên lửa cùng họ là tên lửa chống tăng Hellfire AGM-114K, tên lửa chống tăng Hellfire AGM-114K2, tên lửa chống tăng Hellfire AGM-114M và tên lửa chống tăng Hellfire AGM-114N. Với sự kết hợp này, cho phép tên lửa chống tăng đa dụng Hellfire AGM-114R có thể tiêu diệt được 4 loại mục tiêu khác nhau, bao gồm: xe tăng và xe bọc thép; công sự, vật cản kiên cố, binh lính của địch; tàu chiến mặt nước có trọng tải nhỏ và các mục tiêu trên không có tốc độ dưới âm thanh.
Ngoài ra, chương trình nghiên cứu tên lửa không đối đất do Lục quân Mỹ chủ trì phối hợp với lực lượng hải quân và hải quân đánh bộ nghiên cứu cũng là loại tên lửa đa năng có khả năng trang bị trên các máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định. Loại tên lửa này có khả năng tiêu diệt mọi loại mục tiêu như: xe tăng, xe thiết giáp, mục tiêu trên không, tàu tuần tra, hỏa pháo, tên lửa đạn đạo, trạm rada, sở chỉ huy điều khiển, kho tàng, mục tiêu trong thành phố, công trình kiến trúc phức tạp…. không kể ban ngày hay ban đêm.
Đa dạng hóa thiết bị phóng tên lửa
Việc nghiên cứu phát triển nhiều loại thiết bị phóng tên lửa cho phép quân đội các nước tiết giảm lực lượng bảo đảm hậu cần, quá trình huấn luyện bộ đội, tăng cường năng lực quản lý, chỉ huy điều khiển đồng thời nâng cao tính năng kỹ chiến thuật cho tên lửa. Hiện nay, ứng dụng các loại thiết bị phóng vũ khí lục quân và tên lửa chống tăng ngày càng phát triển nhanh chóng và đa dạng hóa. Các tên lửa có thể được trang bị và phóng trên nhiều loại phương tiện, bệ phóng khác nhau như: xe chiến đấu bộ binh, trực thăng tấn công, pháo phản lực, xe tăng chủ lực, thiết bị không người lái….
Xu huong phat trien ten lua chong tang khong doi dat (2)-Hinh-3
 Tên lửa chống tăng không chỉ được phóng từ trực thăng mà còn có thể triển khai trên chiến đấu cơ phản lực. Ảnh: Tiêm kích - bom Tornado bắn tên lửa Brimstone. Nguồn ảnh: defenceindustrydaily
Tên lửa Hellfire của Lục quân Mỹ có thể được phóng từ nhiều loại phương tiện, thiết bị, trực thăng khác nhau như trực thăng tấn công Apache, AH-1, OH-58, UH-60A và một số loại máy bay tấn công cánh cố định khác, đồng thời, một số biến thể của Hellfire còn có thể phóng từ tàu chiến mặt nước. Ngoài ra, Mỹ còn đang cân nhắc khả năng phát triển một biến thể mới của tên lửa Hellfire có tính năng không đối không để trang bị tên máy bay chiến đấu và một biến thể tên lửa chống hạm trang bị trên tàu chiến mặt nước hạng nhẹ.
Trong khi đó, năm 2014, Thứ trưởng Quốc phòng Anh – Philip Dunne tuyên bố, để tăng cường năng lực chiến đấu cho các trực thăng WildCat, Anh sẽ mua thêm nhiều tên lửa chống tăng hạng nhẹ đa dụng trong thời gian tới. Loại tên lửa này sẽ sử dụng công nghệ dẫn đường bằng laze, trang bị đầu đạn tấn công đa năng nặng 3kg, có khả năng tiêu diệt xe chiến đấu bộ binh hạng nhẹ, xe bánh lốp hạng nhẹ, công trình kiến trúc, công trình công sự cố định, tốc độ lên tới 510m/giây, tầm bắn cực đại từ 6.000 – 8.000m, tầm bắn gần nhất là 400m.
UAV mang tên lửa chống tăng ngày càng phát triển mạnh mẽ
Trong cuộc chiến Afghanistan, việc máy bay không người lái Predator MQ-1 nhiều lần phóng tên lửa Hellfire tiêu diệt chính xác mục tiêu đã mở ra viễn cảnh mới cho việc sử dụng tên lửa chống tăng trên máy bay không người lái.
Phó Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ nhận định: “Máy bay không người lái không những phát huy hiệu quả trong nhiệm vụ chi viện tác chiến mà còn có năng lực tạo thế trên chiến trường. Trong tương lai, việc ứng dụng tên lửa chống tăng trang bị trên máy bay không người lái cũng sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ”.
Xu huong phat trien ten lua chong tang khong doi dat (2)-Hinh-4
 MQ-9 phóng tên lửa chống tăng Hellfire. Nguồn ảnh: Pinterest 
Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời các loại vũ khí không đối đất dùng cho nhiệm vụ chống khủng bố cũng được đẩy mạnh nghiên cứu phát triển. Sau đó, Mỹ đã tiến hành cải tiến tên lửa chống tăng Hellfire thành các biến thể AGM-114P, AGM-114P+, AGM-114R. Các biến thể mới này được trang bị trên nhiều loại trực thăng tấn công khác nhau như Predator MQ-1, Reaper MQ-9, Gray Eagle MQ-1C… Loại tên lửa này có tầm bắn lên tới 8.000m; nếu phóng từ trên không thì tầm bắn đạt tới 13.000m; độ chính xác 0,7m; có khả năng xuyên thủng giáp dày 800mm.
Lam Ngọc