Từng là thứ có đầy ở biển mà không được ai đoái hoài, giờ đây sứa biển lại trở thành mặt hàng “béo bở” mang lại cơ hội đổi đời cho nhiều gia đình ở Việt Nam.
Sứa là loài nhuyễn thể thân mềm, chủ yếu sống ở môi trường nước biển. Chúng là 1 trong những loài rất dễ đánh bắt.
Sứa biển có thể được tìm thấy ở khoảng cách từ 6 - 12 hải lý so với bờ. Khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng 3 âm là thời điểm chính để thu hoạch sứa.
Tính trung bình mỗi tối, tàu bè có thể thu hoạch từ 3 - 4.000 con sứa biển trong điều kiện thời tiết lý tưởng.
Chị Nguyễn Thị Thiếc - chủ một cửa hàng kinh doanh sứa khô tại Quảng Trị chia sẻ, người dân nơi đây đã quen với việc xuất khẩu sứa ở dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị kinh tế đem lại không cao.
Tuy nhiên, trong một lần chuyển hải sản ra Thái Bình, chị tình cờ bắt gặp cảnh thu mua và chế biến sứa biển thành sứa khô để đem đi xuất khẩu.
Nhận thấy giá trị tiềm năng từ việc buôn bán sứa đã qua chế biến, chị nhanh chóng học hỏi và áp dụng phương pháp để về kinh doanh ngay trên mảnh đất quê nhà.
Trong thời gian đầu lập nghiệp, chị Thiếc đã vay 300 triệu đồng từ ngân hàng để xây dựng nhà xưởng, thu mua máy móc và vật tư cần thiết.
Sau khi hoàn thiện và đưa vào hoạt động, nhà xưởng của chị chủ yếu được sử dụng để chế biến sứa khô.
Sứa biển sau khi thu mua sẽ được tách riêng 2 phần đầu và thân, phần đầu được cắt bằng máy còn phần thân thì được cắt thủ công thành những sợi dài đều nhau.
Công đoạn tách nước được diễn ra ngay sau đó. Sứa được quay liên tục từ 10 - 12 tiếng, trộn cùng với phèn chua và muối trong 5 - 7 ngày để loại bỏ mùi tanh cũng như tăng độ giòn của sản phẩm.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng công đoạn muối sứa là bước quan trọng nhất, do đó người làm cần chú ý không được cho quá nhiều muối trong một lần vì như vậy sẽ làm sứa bị hỏng.
Từ năm 2018 đến nay, sản lượng sứa khô bình quân mà nhà xưởng của chị Thiếc sản xuất rơi vào khoảng 5 - 25 tấn/năm.
Nhờ không ngừng nâng cao và cải tiến kỹ thuật, chị Thiếc đã nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh và xuất khẩu “sản phẩm nhà làm” sang nhiều thành phố khác, đồng thời tạo thêm thu nhập cho nhiều người lao động.
Chỉ riêng năm 2013, cơ sở của chị Thiếc đã đóng gói trên 100 tấn sứa, doanh thu đạt 3,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi trên 1 tỷ đồng.
Theo Dân Việt