Công Trí: Tôi thường xuyên cô đơn

Google News

Tự nhận mình thường xuyên cô đơn nhưng lại không hề thấy uổng, NTK Nguyễn Công Trí đã trải lòng về con đường đang đi và sự nghiệp anh đã vun trồng. 

Sau một năm chạy bền bỉ với biết bao dự án, Công Trí kết lại năm 2013 bằng sự kiện ra mắt 2 BST hoàn toàn khác nhau mang tên “No.7” và “Ell Show” làm thỏa mãn công chúng – những người vốn luôn tôn sùng anh như một thần tượng thời trang đúng nghĩa. Thật khó để nắm bắt được Công Trí, chỉ biết rằng không ai khác ngoài anh, là chân dung sáng tạo nổi bật nhất trong làng thời trang ở thời điểm hiện tại, với cuộc sống riêng đầy bí ẩn..
 Một trong các sản phẩm trong BST của Công Trí.
Không thích làm lóa mắt bằng sự hào nhoáng bề ngoài. 

Anh vừa kết thúc một năm bận rộn: Thiết kế trang phục cho chương trình truyền hình thực tế, làm giám khảo Siêu mẫu và các cuộc thi thời trang, ra mắt 2 BST riêng. Tôi có nên coi sức làm việc kinh khủng này là sự trở lại ấn tượng của Công Trí?
Tôi đã "ra đi" đâu mà "trở lại". Đây đơn giản là một giai đoạn khác trong chiến lược kinh doanh của tôi. Thay vì tập trung vào đối tượng khách hàng chính không phải nghệ sĩ như thời gian qua, năm nay tôi muốn hình ảnh 2 thương hiệu KIN by Cong Tri và Nguyen Cong Tri được định hình rõ ràng và quảng bá rộng rãi hơn. Về mặt cá nhân, đúng là tôi đã trải qua một năm làm việc nhiều hơn, và vui hơn!
Ý tôi là năm nay anh bắt đầu "trở lại" với truyền thông nhiều hơn. Đây là sự "hữu xạ tự nhiên hương", hay anh đã vỡ lẽ “vì ta cần nhau”?
Tôi luôn hiểu rõ cách vận hành của thời trang chuyên nghiệp và sự cần thiết của truyền thông. Chỉ là tôi muốn kỹ hơn trong việc đem “hương” nào cho công chúng thưởng thức. Ngày nay có thể sự “tự nhiên” không còn phù hợp, nhưng thời nào thì “hương” cũng phải “hữu xạ”. Tôi không thích làm lóa mắt công chúng bằng sự hào nhoáng bên ngoài nhưng lại rỗng tuếch bên trong!
VS: Anh thuộc hàng nhân vật "khó mời" lên báo. Anh muốn thầm lặng sáng tạo hay đơn giản là anh sợ “lỡ miệng” với truyền thông?
Tiếng nói hiệu quả nhất của một NTK chính là những bộ sưu tập thời trang. Nói nhiều, nói hay (bằng lời) cũng tốt, nhưng chỉ là yếu tố phụ, và không nên để lấn át nghề chính.
 Công Trí và nàng thơ Thanh Hằng.
Sài Gòn không phải "người bạn" khó chơi.
Ca sĩ cất lời, người nghe nhận ra giọng, xem như thành công. Trang phục mặc vào, người nhìn nói vanh vách tên NTK mới xứng tầm "ngôi sao thời trang". Tuy nhiên, để đạt được điều này ở Việt Nam e còn phải đợi một thời gian dài nữa. Anh - trong tư cách NTK - có chạnh lòng?
Trước khi trách công chúng và thị trường chưa đủ tiến bộ, tôi nghĩ cũng nên nhìn lại từ góc độ sáng tạo của người làm nghề. Suy cho cùng, một NTK giỏi, có bản lĩnh thật sự sẽ tạo ra thị trường và công chúng của anh ta, chứ không đợi đến việc công chúng “quy định” mình thế nào.
“Rạng danh ở New York là rạng danh trên toàn thế giới”. “Rạng danh ở Sài Gòn” chỉ là vệt sáng bé bằng... hạt cát, nhưng có vẻ khó hơn nhiều lần, bằng chứng là nhiều NTK từ nước ngoài về và đi không dấu vết. Là người bám trụ lâu năm nhất ở thị trường này, anh có kinh nghiệm nào lý giải sự khó chiều của “người đẹp” Sài Gòn?
Thị trường nào cũng có quy luật vận động riêng, song song tồn tại cả hai mặt khó và dễ. Nắm luật chơi, cộng với khả năng thực sự, bạn sẽ chơi tốt. Đủ kiên trì, có thể trở thành người chơi lão luyện. Với bất kỳ thị trường nào, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là sức mạnh cá nhân (về cả sáng tạo và tài chính) và độ bền bỉ trong nghề.
Thị trường thời trang ở Sài Gòn và Việt Nam nói chung còn manh mún, mới mẻ và có những cách vận động chưa thật sự chuyên nghiệp, nhưng việc các NTK "về và đi không dấu vết" không có nghĩa Sài Gòn là thị trường khó chơi. Còn lý do vì sao thì chỉ họ mới có câu trả lời chính xác.
10 năm qua anh vẫn trụ vững trên đỉnh của thời trang Việt. Nhưng đúng luật chơi thì lên đỉnh ắt phải xuống dốc. Anh có sợ cái "ngày đen tối" đó đang gần kề?
Tôi thuộc tuýp người thích đỉnh cao. Nhưng về mặt hành động, tôi thích leo hơn, vì với tôi vui nhất là được leo, chứ không phải đứng ở trên đỉnh nhìn xuống.
 Một tác phẩm của Công Trí do Ngọc Quyên trình diễn.
Thế mà tôi từng nghe nói có một thời gian anh vô cùng chán nản, làm mọi việc theo quán tính chỉ để cả guồng máy lớn tiếp tục vận hành, còn bản thân mệt mỏi và hoang mang. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?
Chuyện đã xảy ra giờ không còn quan trọng nữa. Nhưng tôi tin chuyện xấu hay tốt cũng đều là hành trang quan trọng cho công việc hiện tại và sắp tới của tôi.
Tôi thường xuyên cô đơn.
Nhìn lại 10 năm làm nghề của mình, anh thấy Công Trí - khi chẳng là ai - và Công Trí - ông Hoàng thời trang Việt - có gì khác nhau?
Mười năm trước tôi thích sáng tạo đơn thuần. Bây giờ tôi thích sáng tạo mang lại thành quả cụ thể hơn: Hình ảnh thương hiệu được xây dựng chuyên nghiệp, kết quả kinh doanh hằng thàng, hằng năm đủ khả quan để tôi mở rộng và phát triển thương hiệu đã có. Đó là mục tiêu khó hơn, thử thách hơn, nhưng cũng thú vị và thực tế hơn với người làm kinh doanh thời trang như tôi.
Xem ra khó có "nghệ thuật vị nhân sinh" khi mà nghệ sĩ luôn phải nghĩ đến chuyện "áo cơm"?
Tôi nhiều tiền đến mấy, cũng chẳng ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn hay sống lâu hơn người khác. Tôi nghĩ điều quan trọng là những gì mình làm có khiến mình trở nên khác biệt hay không, và về cuối ngày, mình thấy được thành quả công việc mang ý nghĩa nào đó đáng kể hơn... một vài con số.
 Công Trí được đánh giá là nhà thiết kế có triển vọng nhất hiện nay của làng thời trang VN.
10 năm qua có rất nhiều người mong anh tiếp tục thành công, nhưng cũng không ít kẻ thèm nhìn thấy anh sẩy chân vấp ngã. Sống “giữa muôn trùng vây” có dễ dàng không anh?
May mắn là tôi không hay sống theo ý người khác, nên không ở “giữa muôn trùng vây” như anh nói.
"Tôi nhiều tiền đến mấy, cũng chẳng ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn hay sống lâu hơn người khác. Tôi nghĩ điều quan trọng là những gì mình làm có khiến mình trở nên khác biệt hay không"

 

Tôi thường xuyên cô đơn. Và quan trọng là tôi không thấy uổng! Tôi nghĩ ai làm công việc sáng tạo cũng đều mang cảm giác này. Thành quả công việc của tôi nên ở giữa đám đông, còn tôi thì không.
Tôi hình dung làm người yêu của anh khổ lắm, khổ vì khó mà hiểu được anh và có được anh trọn vẹn. Anh nghĩ sao?
Biết đâu đó cũng là cái sướng của người yêu tôi? Sướng hay khổ suy cho cùng là do góc nhìn và mức độ yêu thôi (cười).
Ngược lại, đã có ai làm khổ anh chưa? Tôi nghĩ, người đó hẳn phải khá đấy!
Vậy thì có rất nhiều người khá!
Qua những BST của anh, tôi luôn thấy một sự tìm tòi về bản ngã, nỗi đau đáu về câu hỏi: “Ta là ai, ta từ đâu và ta đến để làm gì?”. Vậy rốt cuộc anh đã tìm ra “mục đích đến trái đất” của mình là gì?
Mục đích của tôi là sống vui. Cái gì làm tôi vui thì tôi làm!
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh! Chúc anh luôn tìm thấy niềm vui trong công việc và cuộc sống!
Theo V.Styles